Sông Cà Ty thơ mộng, hiền hoà chảy qua trung tâm Tp.Phan Thiết đầy nhộn nhịp. Dòng sông mang trên mình một nét đẹp đơn sơ, bình dị đã đi vào biết bao áng thơ văn, tác phẩm âm nhạc, hội họa của nhiều nghệ sĩ mỗi khi đến với tỉnh Bình Thuận.
Hàng năm, nơi đây đông đảo du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh kỷ niệm mỗi khi đến với Bình Thuận. Nhưng hiện nó mang trên mình đầy rác.
Lượng rác thải “khổng lồ” bao phủ sông Cà Ty
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin tại sông Cà Ty đoạn bờ kè đường Phạm Văn Đồng, phường Bình Hưng, Tp.Phan Thiết. Buổi sáng, khi nước thuỷ triều rút rõ ràng nhận thấy từng bao ni lông, rác thải sinh hoạt, chất thải nối đuôi nhau kéo dài hàng ki lô mét, nằm dọc ven bờ sông, mùi hôi bốc lên nồng nặc, màu nước trở nên đục ngầu.
Nhiều năm nay, dòng sông này ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Từ cầu Trần Hưng Đạo men theo đường Phạm Văn Đồng xuống cảng vận tải Phan Thiết, chúng tôi bắt gặp những đống rác sinh hoạt khổng lồ kèm theo mùi hôi thối. Những chất thải hai bên bờ sông hầu hết đổ toàn bộ xuống sông mà không qua bất cứ xử lý nào.
Theo một số người dân đang vá lưới ở khu vực này cho biết: “Chúng tôi phải sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông này từ rất lâu. Nguyên nhân là do người dân địa phương đã trực tiếp đổ rác xuống dòng sông. Đặc biệt, vào dịp Lễ, Tết lượng rác thải sinh hoạt tăng lên gấp 2-3 lần.
Gần đây là những quán nhậu, “vô tư” ném rác xuống sông khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng nề. Đã có nhiều kiến nghị về vấn đề này, chúng tôi có thấy những công nhân vớt rác trên sông nhưng tình trạng này vẫn tái diễn, chưa được khắc phục một cách có hiệu quả”.
Ghi nhận tại khu vực ven sông phường Đức Nghĩa là nơi đủ thứ rác thải sinh hoạt từ các hộ dân và tàu thuyền neo đậu tại đây được vứt thẳng xuống sông.
Chị Nguyễn Thị Thanh, người dân sống gần đây cho biết: “Nhiều người dân thiếu ý thức, lén lút đổ rác xuống sông. Thậm chí họ đi “đại tiện” ngay tại khu vực này, khiến dòng sông ô nhiễm nặng nề”.
Chưa có biện pháp xử lý lượng rác có hiệu quả
Đến cảng cá Phan Thiết, PV nhận thấy nhiều nhân viên các vựa chế biến, thu mua hải sản và chủ tàu, thuyền vô tư rửa tàu, thuyền, xả thẳng chất thải từ các vựa hải sản xuống sông.
Dọc hai bên sông Cà Ty, có nhiều hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, mua bán, chế biến hải sản, hằng ngày trên sông Cà Ty có hàng trăm tàu, thuyền neo đậu.
Với ngư dân, tàu là nhà nên mọi sinh hoạt đều diễn ra trên tàu. Vì vậy, họ thường xuyên xả rác thải sinh hoạt xuống dòng sông. Những rác thải này sau đó đổ ra cửa biển khá nhiều.
Thời gian trước đây, UBND Tp.Phan Thiết đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị làm việc với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận để yêu cầu tăng cường chuyến thu gom, đảm bảo thu gom triệt để lượng rác trên sông.
Từ đó, cải tạo cảnh quan môi trường và phát triển các hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao trên sông Cà Ty. Đồng thời, thực hiện nạo vét lòng sông để tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập lụt cho Tp.Phan Thiết, khắc phục ô nhiễm môi trường, không tồn đọng rác thải kể cả khi triều thấp.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phan Nguyễn Hoàng Tân, Chủ tịch UBND Tp.Phan Thiết cho biết: ‘Rác sông, rác biển là một vấn đề Thành phố đã quan tâm, giải quyết thường xuyên, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xanh sạch đẹp của Thành phố.
Vừa qua, chúng tôi cũng đã chỉ đạo tăng cường truyền thông, ra quân dọn rác, xử phạt. Nói về biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, thành phố sắp tới sẽ tiêp tục tăng cường xử phạt hành vi xả rác không đúng quy định, truyền thông nâng cao nhận thức về môi trường….’.
Việc làm cụ thể là vậy, thế nhưng trên thực tế hiện nay thì tình hình ô nhiễm ở trên sông vẫn rất nặng nề. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường ven sông, biển, nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý một cách triệt để.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-dong-song-ca-ty-trong-xanh-khi-nao-het-o-nhiem-a639263.html