Ngày 4/12, thông tin từ Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, khoa vừa điều trị thành công bé trai X.B.C (8 tuổi, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) bị hoại tử phần mềm toàn bộ mu bàn tay và mặt cẳng tay trái nghi do bị rắn cắn.
Theo lời kể của người thân, bé C. là người dân tộc H’Mông có bố mẹ đi làm ăn xa, bé ở nhà với ông bà. Ngày nghỉ, bé theo ông bà lên rẫy gặt lúa, đào củ rừng ăn. Đến trưa, cháu vào lán dựng tạm phụ ông bà cất lúa và ngủ trưa.
Trong lúc bé đang ngủ, ông bà bỗng nghe tiếng khóc lớn, vội chạy vào kiểm tra thấy trên tay bé xuất hiện 2 dấu răng cắn đang rỉ máu (nghi bị rắn cắn).
Ngay lập tức, bé được ông bà đưa vào bệnh viện tuyến huyện điều trị. Tuy nhiên, sau 5 ngày theo dõi tay bé xuất hiện thêm tình trạng sưng nề, tím tái tăng dần. Sau đó, bệnh nhân được giới thiệu chuyển tuyến xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tiếp tục điều trị.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng đã nhận định đây là trường hợp hoại tử mô mềm nghi do nọc độc của rắn. Quan sát thấy bệnh nhi tỉnh táo, không sốt tuy nhiên phần mềm vùng ngón thứ 2, mu bàn tay, các ngón tay còn lại và mặt sau cẳng tay trái bị sưng nề, hoại tử kèm viêm mủ, đau nhức nhiều và hạn chế vận động.
Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và hội chẩn mổ cấp cứu ngay để xử trí tổn thương. Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã cắt lọc loại bỏ phần hoại tử vùng ngón tay và mu bàn tay, rạch rộng để dẫn lưu mủ vùng cẳng tay và để hở, thay băng hằng ngày.
Sau 2 tuần điều trị tích cực, vùng khuyết da mu bàn tay và ngón tay sau cắt lọc hoại tử đã mọc tổ chức hạt sạch. Bé tiếp tục được chỉ định phẫu thuật lần 2 để khâu kín da vùng cẳng tay vá da dày che phủ vùng mu bàn tay và ngón tay.
Sau 7 ngày của cuộc mổ lần 2, da ghép vùng mu bàn tay và ngón tay đã bám tốt, hồng, vết mổ khâu da vùng cẳng tay khô, liền mép. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhi tiến triển tốt và được chỉ định xuất viện.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng khuyến cáo, đối với trẻ hoặc người lớn đều không nên nằm nghỉ ngơi hoặc ngủ tại các lán trại tạm bợ, nơi rừng núi hoặc nơi hoang vắng có nhiều cây cối, bụi rậm vì rất có thể đó là môi trường của rắn, rết, hoặc côn trùng độc hại sinh sống.
Ngoài ra, các trường hợp bị rắn cắn, côn trùng hoặc bất cứ con vật gì có độc,… cần được xử trí tại các tuyến y tế cơ sở chuyên sâu để giảm các nguy cơ tổn thương lan rộng, nặng nề hơn.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-theo-ong-ba-len-ray-be-trai-8-tuoi-bi-hoai-tu-nghi-do-ran-can-a639073.html