Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản dẫn số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam. Tháng 9/2023, Đức mua gần 6 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái sau 3 tháng liên tục sụt giảm.
Tính đến hết tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Đức đạt hơn 28 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp hơn 1/5 vào tổng nhập khẩu cá tra của EU từ Việt Nam. Đáng chú ý, tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang thị trường này ghi nhận mức giá trị cao nhất trong 2 năm trở lại đây, với kim ngạch tăng 149% so với tháng 9/2022.
Theo VASEP, Đức nhập khẩu chủ yếu sản phẩm cá tra thuộc mã 0304 với giá trị 5,5 triệu USD trong tháng 9/2023, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm nay, cá tra thuộc mã 0304 chiếm đến 97% tỉ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.
Các chuyên gia VASEP đánh giá, năm 2023, trước những biến động từ thế giới và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, nhiều thị trường lớn đã giảm nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Tuy nhiên, Đức vẫn được coi là thị trường ổn định khi nhiều tháng liên tục ghi nhận tăng trưởng dương trừ tháng 6,7,8/2023.
Dù vậy, theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Việt Nam vẫn chưa phải là nguồn cung lớn nhất cho quốc gia này khi chỉ chiếm số ít trong tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Đức từ thế giới. Năm 2022, Đức tiêu thụ gần 974 triệu USD cá thịt trắng, trong đó thị trường này nhập khẩu từ Việt Nam chỉ 31 triệu USD, chiếm 3% tỉ trọng.
Cũng theo ITC, 7 tháng đầu năm 2023, Đức mua từ Việt Nam gần 6.000 tấn cá tra, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, Vĩnh Hoàn tiếp tục đứng đầu top doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất cá tra sang nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này, chiếm hơn hơn 14% tỉ trọng. Theo sau Vĩnh Hoàn lần lượt là Vạn Đức Tiền Giang, Đại Thành, Hùng Cá 2 và GODACO.
Nửa đầu tháng 10/2023, xuất khẩu cá tra sang Đức đạt kim ngạch gần 2 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến 15/10/2023, quốc gia Châu Âu này tiêu thụ hơn 30 triệu USD cá tra Việt Nam, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù là quốc gia có tỉ lệ lạm phát cao nhất trong số các nền kinh tế lớn, và tiếp tục suy giảm về kinh tế trong năm 2023, tuy nhiên Đức vẫn được đánh giá sẽ thay thế vị trí của Nhật Bản – top 3 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 10 năm qua. Do đó, cơ hội xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này vẫn tốt, nhất là vào thời điểm cuối năm khi mùa lễ hội bắt đầu và nhu cầu từ lĩnh vực dịch vụ tăng cao.
Là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhiều nhất sang Đức, tháng 9/2023, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 877 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Tích cực hơn tháng trước đó, “nữ hoàng cá tra” chỉ ghi nhận sụt giảm nhẹ ở mảng cá tra và tại các sản phẩm phụ phẩm, còn lại các mảng như bún, bánh phồng tôm, sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe đều tăng trưởng từ 4%-98%.
Xét theo thị trường, doanh thu tại Trung Quốc đạt 117 tỷ đồng, tại châu Âu đạt 190 tỷ đồng tăng lần lượt 43% và 77% so với cùng kỳ. Trong khi đó ở chiều ngược lại, thị trường Mỹ và Việt Nam vẫn suy giảm ở mức 18% và 25.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-nao-xuat-khau-ca-tra-nhieu-nhat-sang-duc-a635937.html