Nga là nước xuất khẩu chính dầu thô (khoảng 5 triệu thùng/ngày) và các sản phẩm dầu tinh chế: xăng và dầu diesel (khoảng 3 triệu thùng/ngày). Những sản phẩm này chiếm khoảng 40% tổng doanh thu xuất khẩu của Nga, theo ước tính của Forbes.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 4/12 cho biết các cơ quan chức năng của nước này đang phát triển các biện pháp để từ chối giao dịch với các quốc gia áp dụng giá trần đối với dầu Nga, hãng thông tấn Interfax đưa tin.
“Chúng tôi coi (trần giá) là một công cụ phi thị trường, không hiệu quả, sẽ can thiệp thô bạo vào thị trường và mâu thuẫn với tất cả các quy tắc về tự do thương mại, chẳng hạn như những quy tắc do WTO đặt ra” , ông Novak nói trên kênh truyền hình Russia 24.
“Bản thân chúng tôi không có kế hoạch sử dụng các công cụ liên quan đến giới hạn giá. Để phản ứng với điều này, chúng tôi đang phát triển các cơ chế cấm sử dụng giá trần, bất kể giá được đặt ở mức nào”.
Phó Thủ tướng Novak cho biết thêm rằng Nga sẽ bán dầu và các sản phẩm liên quan cho các quốc gia hoạt động theo điều kiện thị trường “ngay cả khi chúng tôi phải cắt giảm sản lượng một chút”.
Vị quan chức Nga cho rằng giới hạn giá của phương Tây có thể gây ra rắc rối trên thị trường sản phẩm và có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác ngoài Nga.
Liên minh châu Âu (EU), các nước G7 và Australia đã đồng ý hạn chế giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Tối ngày 4/12, Tạp chí chính thức của EU công bố tài liệu phác thảo các điều khoản về giá trần đối với dầu Nga, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/12.
Ngoài việc giới hạn giá dầu Nga, còn có quy định cấm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các tàu chở dầu có giá cao hơn 60 USD/thùng. Vận chuyển dầu qua Nga được phép nếu dầu đó không thuộc sở hữu của công dân hoặc công ty Nga.
Câu hỏi bỏ ngỏ
Vẫn chưa rõ tác động tức thì của biện pháp giới hạn giá mà phương Tây đặt ra đối với dòng chảy dầu Nga sẽ như thế nào.
Giá dầu thô Urals của Nga – với giá neo theo mức chiết khấu so với giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế – hiện được giao dịch ở mức khoảng 61,3 USD/thùng – chỉ cao hơn 1,3 USD so với mức giá trần. Dầu thô Brent kỳ hạn đóng cửa ở mức 85,57 USD/thùng hôm 2/12.
Bán dầu và khí đốt cho châu Âu là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Nga kể từ khi các nhà địa chất Liên Xô tìm thấy dầu và khí đốt ở vùng đầm lầy Siberia trong những thập kỷ sau Thế chiến II.
Một nguồn tin yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của tình hình nói với Reuters rằng một nghị định đang được chuẩn bị để cấm các công ty và thương nhân Nga tương tác với các quốc gia và công ty chịu sự điều chỉnh của giới hạn giá.
Về bản chất, một nghị định như vậy sẽ cấm xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ Nga sang các quốc gia và công ty áp dụng trần giá.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ và các đồng minh của Washington đã bắt đầu một cuộc chiến kinh tế chống lại Nga bằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử hiện đại, đồng thời cảnh báo rằng phương Tây sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Hồi tháng 9, ông Putin cũng cảnh báo Moscow có thể cắt nguồn cung năng lượng nếu giá trần được áp lên dầu Nga, và châu Âu sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất vì động thái này.
Tờ Financial Times hôm 4/12 thì đưa tin rằng Nga đã thu mua hơn 100 tàu chở dầu kể từ đầu năm 2022 để chuẩn bị sẵn cho ngày này. “Hạm đội bóng đêm” rõ ràng sẽ được sử dụng để cung cấp dầu Nga cho Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Á khác.
Ngoại lệ Hungary
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông báo hôm 3/12 rằng Hungary sẽ không phải tuân theo trần giá dầu Nga do EU và G7 đặt ra.
“Trong các cuộc đàm phán về trần giá dầu, chúng tôi đã đấu tranh hết mình vì lợi ích của Hungary, và cuối cùng chúng tôi đã thành công: Hungary được miễn trừ trần giá dầu. Một lần nữa, chúng tôi đã thành công trong việc bảo vệ an ninh nguồn cung năng lượng của đất nước chúng tôi”, ông Szijjarto viết trên trang Facebook chính thức của mình.
Ông cũng chỉ trích sáng kiến này, nói rằng “đã đến lúc” Brussels nhận ra rằng các biện pháp như thế này “làm tổn thương nền kinh tế châu Âu nhiều nhất”. Ông bổ sung rằng thay vì đặt trần giá, số lượng các nguồn năng lượng nên được tăng lên, điều này cuối cùng sẽ làm giảm giá toàn cầu.
Giống như nhiều quốc gia nội lục châu Âu, Hungary phụ thuộc nặng nề vào năng lượng Nga, với 64% dầu nhập khẩu của nước này là thông qua đường ống Druzhba nối với Nga.
Minh Đức (Theo Reuters, Meduza, RT)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tran-gia-dau-nga-quyet-ban-theo-gia-thi-truong-a584015.html