Nhức nhối vấn đề xử lý rác thải
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, mỗi ngày Hà Nội đang phát sinh từ 6.500 – 7.000 tấn rác, vấn đề ùn đọng rác thải đang gây nhức nhối với người dân.
Ghi nhận của báo Lao Động, hiện trạng của việc phân loại rác thải tại nguồn hiện nay là rác thải hữu cơ như thực phẩm thừa, vỏ hoa quả trộn lẫn với rác thải vô cơ là túi nylon, hộp xốp, thủy tinh vỡ, gốm sứ vỡ… như “chuyện thường ngày ở huyện”, nước rác chảy lênh láng ra đường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ở Việt Nam, chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp một tấn rác là 879.028 đồng. Trong khi đó, mức phí do người dân chi trả chỉ khoảng 218.630 đồng/tấn.
Sau khi thu gom, khoảng 63% rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp, việc chôn lấp khối lượng rác thải lớn gây quá tải bãi chôn lấp, không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến người dân quanh vùng. Khoảng 14% rác được đốt, gây ô nhiễm không khí và chỉ 10% rác được tái chế.
Tại các bãi chôn lấp ở Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (ở Sơn Tây) hay tại lò đốt của nhà máy điện rác vừa mới được đưa vào vận hành tại khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn… thì những núi rác vẫn là rác hỗn hợp, chưa được phân loại. Mặc dù các nhà máy điện rác được kỳ vọng sẽ coi chất thải là tài nguyên theo hướng đốt rác phát điện, giúp giảm tỉ lệ chôn lấp rác của thành phố, nhưng việc rác thải chưa được phân loại như hiện nay chính là lãng phí một nguồn tài nguyên lớn.
Đề án phân loại rác tại nguồn: Hơn 10 năm vẫn “án binh bất động”
Thực tế, việc phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) đã được triển khai ở Hà Nội (giai đoạn 2006-2009) do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Theo đó, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, củ, quả…), rác vô cơ (xương, sành sứ…), rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại…). Sau khi thu gom, rác vô cơ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu. Dự án thí điểm tại 4 phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ.
Năm 2009, khi dự án kết thúc, người dân phân loại thêm một thời gian rồi dừng lại. Là đơn vị phối hợp thực hiện dự án, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đánh giá cao mục tiêu của dự án. Tuy nhiên, khi rác hữu cơ được đưa đi sản xuất phân bón, công nhân phải phân loại thêm, sau đó vận chuyển lên bãi rác Nam Sơn, tốn kém chi phí. Giá thành phân hữu cơ bán ra lại không bù đắp được chi phí đầu vào nên càng làm càng lỗ. Vì thế, đến nay, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn vẫn đang tạm dừng hoạt động vô thời hạn, trang thiết bị máy móc có thể trở thành một đống sắt vụn.
Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, chuyên gia môi trường, TS Vũ Thị Kim Tuyến, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đã có cả một dự án thực hiện phân loại rác ở Hà Nội được tài trợ về kinh phí và kỹ thuật, rất đầy đủ, theo hướng thí điểm rồi nhân rộng, thực hiện từ 2006-2009. Thế nhưng, dự án đã thất bại. Và nguyên nhân là do thực hiện dự án chưa đến nơi đến chốn. Nguyên nhân không chỉ là do thiếu đầu ra cho các sản phẩm làm từ rác hữu cơ mà do rất nhiều nguyên nhân khác nữa.
Khi có dự án về, chúng ta chưa có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể cho từng khâu một như người dân phân loại rác, việc thu gom rác của công ty môi trường đô thị rồi các cơ sở xử lý rác sau phân loại. Trong khi đó, người dân thì phân loại rác nhưng khi thu gom lại không phân loại. Phương pháp làm rất ẩu. Hệ thống thùng rác quá bé để giữa phố, chỉ một lúc là rác đầy tràn ra ngoài. Rồi các xe rác không được cải tiến, nước rác chảy ra đường, rồi không chia ra xe nào thu gom loại rác nào…
Hơn nữa, thời điểm đó, chúng ta chưa có hỗ trợ về giá, về đầu ra của các sản phẩm từ rác, lại chưa có nhà máy điện rác… nhà máy phân bón từ rác hữu cơ bị lỗ, phải đóng cửa, đến nay vẫn chưa thể mở lại. Lẽ ra cần phải được hỗ trợ để loại phân bón đó dần làm quen với thị trường, hỗ trợ kinh phí để chuyển rác hữu cơ đến các hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội để người dân sử dụng thử, miễn phí, dần dần hình thành thói quen sử dụng phân bón từ rác hữu cơ. Việc này có lợi cho môi trường…”, bà Tuyến phân tích.
Bên cạnh đó, Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Theo đó, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Thế nhưng, đến nay, sau 3 tháng Nghị định có hiệu lực, Tp.Hà Nội vẫn chưa có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để quy định này sớm đi vào cuộc sống.
Phân loại rác cần được thực hiện đồng bộ
Nhiều cư dân sống tại các chung cư ở Hà Nội cho biết, việc phân loại rác từ nguồn cần được triển khai đồng bộ, có quy trình cụ thể và kĩ thuật, hạ tầng thu gom rác phải đáp ứng điều này. Đặc biệt, khi có quy định xử phạt với người không phân loại rác tại nguồn, các cơ quan, chính quyền cần hướng dẫn tới tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, truyền thông để người dân nắm bắt chủ trương, quy định này. Như hiện nay, người dân không biết và cũng không được tuyên truyền, hướng dẫn.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường, mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đã được triển khai tại hầu hết các nước phát triển và mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp giảm lượng rác phát sinh, bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp… mà quan trọng là giúp hình thành ý thức tiết kiệm, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của mỗi người dân.
“Để triển khai đồng bộ việc phân loại rác thải tại nguồn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chắc chắn khi đẩy mạnh tuyên truyền, nhìn thấy rõ lợi ích từ việc làm này, tôi tin người dân sẽ đồng lòng thực hiện”, ông Bùi Duy Cường nói.
Trong khi đó, theo TS Vũ Thị Kim Tuyến, để việc phân loại rác thải ở Hà Nội không đi vào vết xe đổ cần phải nhìn vào thất bại của Dự án trước để tránh đi.
“Hiện nay, chúng ta đã có nhà máy điện rác, với công suất có thể đốt 5.000 tấn rác/ngày, trong khi đó Hà Nội có thể đến 7.000 tấn/ngày, thì nhà máy này có thể xử lý được. Chúng ta cần vận hành lại nhà máy xử lý rác thành phân hữu cơ, khắc phục khó khăn về kinh phí đầu vào, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm.
“Từ khâu thu gom rác cũng cần phải thay đổi. Người dân có thể phân loại được, chúng ta cần tuyên truyền, hỗ trợ để người dân ủng hộ, mỗi nhà có ít nhất 2 thùng rác khác nhau để phân loại, túi đựng rác cũng cần phải theo tiêu chuẩn và hỗ trợ phân phát để toàn dân được sử dụng, với giá rất rẻ và tính vào tiền thu gom rác hàng tháng. Rác phải được buộc kín trước khi để vào xe thu gom. Phải có những thùng rác tiêu chuẩn đủ lớn, xe thu gom rác phải được cải tiến để tránh ô nhiễm môi trường xung quanh, có 2 xe song song thu gom 2 loại rác đã được phân loại…”, bà Tuyến nói.
Minh Hoa (t/h theo báo Lao Động, Cổng TTĐT Chính phủ)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-o-ha-noi-can-to-chuc-thuc-hien-dong-bo-a583642.html