Các máy bay chiến đấu của Nga đã giảm đáng kể các nhiệm vụ ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trên Twitter hôm 5/12, trích dẫn thông tin tình báo.
Theo tình báo Anh, hiện tại không quân Nga chỉ thực hiện vài chục nhiệm vụ mỗi ngày so với hơn 300 nhiệm vụ/ngày hồi tháng 3. Chỉ trong vòng một tuần qua, phía Nga đã mất hơn 60 máy bay, bao gồm một máy bay ném bom chiến thuật Sukhoi Su-24 và một máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25.
Tình báo Anh cũng dự đoán nguyên nhân cho sự suy giảm trên có thể là do hoạt động hiệu quả của phòng không Ukraine, hạn chế về số giờ bay sẵn có của máy bay Nga và thời tiết xấu.
Liên quan đến nhịp độ giao tranh, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra với “nhịp độ giảm dần” và ám chỉ rằng các lực lượng Ukraine có thể có triển vọng tươi sáng hơn trong những tháng tới.
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan ở Thung lũng Simi, California, hôm 3/12, bà Haines cho rằng cả hai bên trong cuộc xung đột sẽ tìm cách tái triển khai quân và tái trang bị, và Ukraine sẽ chuẩn bị cho một cuộc phản công tiềm năng vào mùa xuân tới.
Bà Haines cũng cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã được thông tin tốt hơn về “những thách thức” mà các lực lượng của ông phải đối mặt.
“Nhưng chúng tôi vẫn chưa rõ liệu ông ấy có một bức tranh đầy đủ về mức độ thách thức ở giai đoạn này”, người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ nói.
Già nửa người Nga ủng hộ đàm phán hòa bình
Hôm 4/12, Bộ Quốc phòng Anh, trong bản cập nhật tình báo mới nhất của mình, đã chỉ ra những dấu hiệu mới từ Meduza, một cơ quan truyền thông độc lập của Nga, rằng sự ủng hộ của công chúng ở Nga đối với chiến dịch quân sự ở Ukraine đang “giảm đáng kể”.
Meduza cho biết họ đã thu được một cuộc khảo sát ý kiến bí mật gần đây do Cơ quan Bảo vệ Liên bang thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ Điện Kremlin và đảm bảo an ninh cho các quan chức chính phủ hàng đầu.
Cuộc khảo sát do Điện Kremlin ủy quyền cho thấy 55% số người được hỏi ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine trong khi 25% muốn giao tranh tiếp diễn. Báo cáo không đề cập đến mức độ sai số.
Trung tâm Levada, công ty thăm dò ý kiến độc lập hàng đầu của Nga, nhận thấy trong một cuộc thăm dò tương tự được thực hiện vào tháng 11 rằng 53% số người được hỏi ủng hộ đàm phán hòa bình, 41% ủng hộ tiếp tục cuộc xung đột và 6% chưa quyết định. Cuộc thăm dò với 1.600 người có sai số không quá 3,4%.
Trong một động thái khác thể hiện sự ủng hộ của phương Tây đối với những nỗ lực của Ukraine nhằm chống lại các lực lượng Nga và đối phó với hậu quả của cuộc xung đột, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland hôm 3/12 đã đến thăm một nhóm viện trợ Ukraine cung cấp hỗ trợ cho những người phải đi sơ tán bên trong Ukraine. Đây là một trong số các chuyến thăm của bà Nuland cùng với các quan chức hàng đầu của Ukraine.
Vị quan chức cấp cao Mỹ đã làm những con búp bê bằng sợi có màu xanh và vàng của quốc kỳ Ukraine cùng với những đứa trẻ đến từ các khu vực bao gồm Kharkiv (Đông Bắc), Kherson (miền Nam) và Donetsk (miền Đông).
“Đây là sự hỗ trợ tâm lý cho họ vào thời điểm cực kỳ quan trọng”, bà Nuland nói. “Như Tổng thống Putin biết rõ nhất, cuộc xung đột này có thể dừng lại ngay hôm nay, nếu ông ấy chọn dừng nó và rút các lực lượng của mình – và sau đó các cuộc đàm phán có thể bắt đầu”.
Ông Zelenskyy kêu gọi người Ukraine đoàn kết và kiên cường
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy hôm 4/12 kêu gọi người Ukraine “kiên cường và đoàn kết hơn bao giờ hết” trước các cuộc tấn công của Nga đang diễn ra ở nước này trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt.
“Kẻ địch rất hy vọng sử dụng mùa đông để chống lại chúng ta: Biến mùa đông lạnh giá và khó khăn trở thành nỗi kinh hoàng của chúng”, ông Zelenskyy nói trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 4/12 của mình. “Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để sống sót qua mùa đông này, cho dù nó có khắc nghiệt đến đâu”.
Chịu đựng mùa đông này có nghĩa là chịu đựng mọi thứ, Tổng thống Ukraine nói, đề cập đến lợi thế về tên lửa và pháo binh của Nga.
“Nhưng chúng ta có thứ mà kẻ địch không có và sẽ không có: Chúng ta đang bảo vệ ngôi nhà của mình và điều đó mang lại cho chúng ta động lực lớn nhất có thể”, ông Zelenskyy nhấn mạnh.
Ông Putin sẽ thăm Donbass
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm tới Donbass trong tương lai, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
“Tất nhiên, chuyến thăm sẽ diễn ra vào thời điểm thích hợp. Rốt cuộc đó là một khu vực của Liên bang Nga”, ông Peskov nói với các phóng viên hôm 3/12.
Vùng lãnh thổ ly khai Ukraine, bao gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, đã sáp nhập vào Nga hồi cuối tháng 9 sau các cuộc trưng cầu dân ý bị phương Tây lên án và tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận kết quả.
Ông Peskov nói thêm rằng ông Putin không có “kế hoạch cụ thể vào lúc này” cho chuyến thăm.
Tổng thống Pháp hứng “bão chỉ trích”
Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị phương Tây nên xem xét nhu cầu đảm bảo an ninh của Nga nếu Moscow đồng ý đàm phán để chấm dứt xung đột ở Ukraine đã gây ra một cơn bão chỉ trích từ Kiev và các đồng minh vùng Baltic.
Ông Mykhailo Podolyak, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Ukraine, cho rằng chính thế giới cần sự đảm bảo an ninh từ Nga chứ không phải ngược lại. Ông Zelenskyy chưa bình luận về đề xuất của ông Macron.
Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết một nước Nga “phi hạt nhân hóa và phi quân sự hóa” sẽ là sự đảm bảo tốt nhất cho hòa bình không chỉ cho Ukraine mà còn cho thế giới.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho biết ông “về cơ bản” không đồng ý với ông Macron. “Các đảm bảo an ninh duy nhất mà chúng ta nên tập trung vào về cơ bản là không phải của Nga”, ông Stubb viết trên tài khoản Twitter của mình. “Nga trước tiên cần đảm bảo rằng họ không tấn công nước khác”.
Còn cựu Ngoại trưởng Litva, Linas Linkevicus, cho rằng Nga được đảm bảo an ninh miễn là nước này không gây hấn với các nước láng giềng.
Nhật nêu ngoại lệ đối với trần giá dầu Nga
Nhật Bản bắt đầu áp dụng mức giá trần đối với dầu thô Nga từ ngày 5/12, nhưng dầu thô nhập khẩu từ nhà máy Sakhalin-2 sẽ được loại trừ, chính phủ Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố.
Quyết định này tuân theo một thỏa thuận của Nhóm G7 và Australia hôm 2/12 về hạn chế giá dầu thô Nga ở mức 60 USD/thùng trong động thái mới nhất nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow theo sau xung đột ở Ukraine.
Chính phủ Nhật Bản cho biết trong tuyên bố rằng, việc loại trừ dầu thô từ dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn đông của Nga khỏi biện pháp trừng phạt mới được đưa ra “vì an ninh năng lượng của Nhật Bản”.
Sakhalin-2 là dự án nơi các nhà khai thác năng lượng Nhật Bản nắm giữ cổ phần sau khi Shell ra đi.
Các biện pháp tiếp theo đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, dự kiến bắt đầu vào ngày 5/2/2023, sẽ được công bố sau, tuyên bố cho biết thêm.
Trong một động thái khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục hợp tác năng lượng với Moscow trên cơ sở tôn trọng và cùng có lợi, sau khi phương Tây áp đặt giá trần đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga, hãng thông tấn RIA của Nga đưa tin.
Trung Quốc đã tăng cường mua dầu Urals thô của Nga trong năm nay, hiện được giao dịch với mức chiết khấu cao so với dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế.
Tin không vui cho ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu
Theo một báo cáo mới từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới tiếp tục tăng doanh số bán hàng trong năm 2021, nhưng các vấn đề về chuỗi cung ứng đã khiến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này chậm lại.
Báo cáo được công bố hôm 5/12 lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt do đại dịch Covid-19 gây ra đã góp phần kìm hãm tốc độ tăng trưởng của ngành này xuống 1,9% vào năm 2021 so với năm 2020. SIPRI dự đoán rằng xung đột Nga-Ukraine có thể gây ra những vấn đề tương tự cho ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu trong ngắn hạn và trung hạn.
Trong khi cả chiến dịch quân sự của Nga và phản ứng của Ukraine và phương Tây đều thúc đẩy nhu cầu về vũ khí, những điều này cũng khiến các nhà sản xuất phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm nguồn nguyên liệu thô và linh kiện.
SIPRI, một viện quốc tế tập trung vào nghiên cứu xung đột, vũ khí, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, lưu ý rằng Nga là nhà cung cấp chính nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất vũ khí.
“Điều này có thể cản trở những nỗ lực đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu nhằm củng cố lực lượng vũ trang của họ và bổ sung kho dự trữ sau khi gửi đạn dược và các thiết bị khác trị giá hàng tỷ USD tới Ukraine”, báo cáo cho biết.
Mặc dù các công ty Nga đang tăng cường sản xuất thời chiến, báo cáo của SIPRI lưu ý rằng họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận chất bán dẫn. Các công ty Nga cũng đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột, chẳng hạn như khi nhận các khoản thanh toán.
Ông Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI cho biết: “Tăng sản lượng cần có thời gian. Nếu sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục, có thể mất vài năm để một số nhà sản xuất vũ khí chính đáp ứng nhu cầu mới do xung đột Nga-Ukraine tạo ra”.
Minh Đức (Theo DW, NPR, Reuters, Al Jazeera)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cach-de-xung-dot-nga-ukraine-dung-lai-ngay-hom-nay-a584087.html