Israel đã cam kết sẽ tiêu diệt Hamas sau khi tổ chức này tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10 khiến 1.400 người thiệt mạng và 240 người bị bắt giữ làm con tin. Israel đã không kích Gaza, một khu nội phận với 2,3 triệu người sinh sống, đề ra một lệnh bao vây và tổ chức tấn công trên bộ.
Tại hội nghị Reuters NEXT, ông Guterres phát biểu: “Hamas đã có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế khi sử dụng lá chắn sống. Nhưng khi chúng ta nhìn vào con số dân thường thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự, có điều gì đó rõ ràng không thỏa đáng”.
Quan chức Palestine cho biết 10.569 người đã thiệt mạng tại Gaza, 40% trong số đó là trẻ em.
“Chúng ta cũng cần nhắc nhở Israel rằng sự tồn tại của những hình ảnh tồi tệ về tình hình nhân đạo cấp bách của người dân Palestine không hề có lợi cho họ. Những điều đó không hề giúp Israel có lợi trên phương diện quan điểm công chúng toàn cầu”.
Đại sứ của Israel tại LHQ Gilad Erdan đã bác bỏ phát biểu của ông Guterres và khẳng định con số thương vong mà Bộ y tế Gaza đưa ra không đáng tin. Ông khẳng định, Israel đã cố gắng giới hạn thương vong dân thường, đề ra một hành lang sơ tán, trong khi Hamas tấn công nhắm vào dân thường.
Ông Gilad Erdan chia sẻ với Reuters: “Liệu Tổng thư ký có dám nói rằng con số thương vong dân thường của Đức trong Thế Chiến II lớn hơn của Mỹ và Anh đồng nghĩa với việc chiến dịch của Mỹ và Anh đã có yếu tố ‘không thỏa đáng’ ngay cả khi họ đang chiến đấu chống lại một chế độ diệt chủng hay không?”
Cần có sự phân biệt
Mặc dù lên án cuộc tấn công của Hamas tại Israel nhưng ông Guterres cho rằng “chúng ta cần có sự phân biệt giữa Hamas và người dân Palestine. Nếu chúng ta không có sự phân biệt đó thì tôi nghĩ rằng chính loài người sẽ trở nên vô nghĩa”.
Ông Guterres cũng đã so sánh số trẻ em thiệt mạng tại Gaza với con số trên toàn thế giới mà ông báo cáo hàng năm tại Hội đồng Bảo an LHQ. Trong ngày thứ Hai, ông khẳng định, Gaza đang trở thành “một nghĩa địa chôn xác trẻ em”.
“Hàng năm, con số trẻ em bị sát hại bởi bất kỳ phe nào trong các cuộc xung đột mà chúng ta đã chứng kiến trên thế giới chỉ lên tới cao nhất là tới vài trăm. Nhưng chỉ trong vài ngày tại Gaza, chúng ta đã chứng kiến hàng ngàn trẻ em thiệt mạng, điều này có nghĩa là có điều gì đó rõ ràng không thỏa đáng về cách các chiến dịch quân sự đang được thực hiện”.
Báo cáo của LHQ về trẻ em và các cuộc xung đột vũ trang cũng bao gồm một danh sách nhằm chỉ trích các phe tham gia xung đột với hy vọng có thể thúc đẩy các phe đề ra các phương án đảm bảo an toàn cho trẻ em. Danh sách này từ lâu đã gây tranh cãi và một số nhà ngoại giao cho biết, Israel đã gây sức ép lên LHQ để không bị nêu tên trong danh sách này.
“Nhu cầu cấp bách”
Ông Guterres mô tả về tình hình nhân đạo tại Gaza là “thảm họa”. Ông đã cố gắng thúc đẩy đề ra lệnh ngừng bắn nhân đạo cho phép đưa hàng cứu trợ vào Gaza. Ông cũng cho biết, 92 người làm việc cho cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) đã thiệt mạng.
“Việc đề ra một dòng hàng cứu trợ vào Gaza đủ để thỏa mãn nhu cầu cấp bách mà người dân tại đây đang đối mặt có vai trò vô cùng thiết yếu”.
LHQ liên tục làm việc để đẩy mạnh vận chuyển hàng cứu trợ vào Gaza. Ông Guterres cho biết, trong 18 ngày vừa qua chỉ có 630 xe tải đã được qua nút giao Rafah. LHQ cũng muốn có thể sử dụng nút giao Kerem Shalom do Israel điều hành.
“Chúng tôi đang tham gia một thảo luận căng thẳng với Israel, Mỹ và Ai Cập để đảm bảo có thể cung cấp hàng cứu trợ vào Gaza một cách hiệu quả. Cho tới nay, lượng hàng được vận chuyển là quá nhỏ và quá chậm trễ”.
Về vấn đề tương lai của Gaza sau khi chiến tranh kết thúc, ông Guterres cho biết về một viễn cảnh mà ông cho là “kịch bản tốt nhất” – là Chính quyền Dân tộc Palestine “hy vọng sẽ được hồi sinh” và có thể chiếm quyền kiểm soát chính trị.
Ông Guterres cũng công nhận cần phải có một giai đoạn chuyển giao gồm các thương lượng với người Palestine và chính phủ Israel. Ông cho rằng hiện tại là thời điểm “quá sớm” để thảo luận về khả năng đề ra lực lượng bảo vệ hòa bình của LHQ trong tương lai, và cho biết đề xuất như vậy chưa hề được đưa ra tại các diễn đàn quốc tế.
“Nhiều tổ chức hoặc nhà nước có thể có vai trò riêng. LHQ có thể có vai trò riêng. Nhiều quốc gia trong khu vực cũng có thể có vai trò riêng. Mỹ cũng có thể có vai trò riêng”. Ông cũng cho biết, đây có thể là điểm bắt đầu cho “một thương lượng nghiêm túc về giải pháp hai nhà nước” trong đó nhà nước Palestine tồn tại song song với nhà nước Israel.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thuong-vong-tai-gaza-cho-thay-chien-thuat-cua-israel-khong-thoa-dang-a634979.html