Cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội
Chiều 1/11, tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo, làm rõ thông tin về một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Báo cáo số 587 ngày 20/10/2023 của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ông Long cho biết, Tổ công tác của Chính phủ thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101 đã cố gắng, nỗ lực rất lớn, chủ động tiếp cận các nguồn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: Báo cáo của các bộ ngành, của các địa phương, tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Thủ tướng Chính phủ; đã ghi âm, ghi chép các kiến nghị và được chắt lọc đưa vào báo cáo kết quả rà soát…
Tổ công tác của Chính phủ cũng tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Về kết quả giám sát, ông Long cho biết qua rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập là có và đã được nêu trong báo cáo, trong đó có mâu thuẫn chồng chéo ở tầm luật. Mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng có nhưng nếu nghiên cứu một cách tổng thể, các kiến nghị có phần chưa chính xác.
Ví dụ kiến nghị liên quan đến quy định về nhóm dự án thành phần theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 99 năm 2021 về quản lý thanh quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Ý kiến chuyên gia cho rằng cần phải tính toán thêm xem có chính xác hay không; tuy nhiên cũng có những vấn đề thuộc về quan điểm và chính sách khi chúng ta xử lý các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.
Ví dụ, có những cái đề xuất phải sửa đổi bổ sung cái khoản 2 Điều 68 của Luật Đầu tư công quy định về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm.
Tuy nhiên, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là vấn đề chính sách và Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ khi mà xem xét để biểu quyết thông qua, với tư duy nếu phân cấp xuống đến cấp xã như đề xuất có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, cũng như hiệu quả của các dự án đầu tư…
Thay mặt tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường vai trò, nhất là vai trò hiến định của mình là giải thích các vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.
Đối với kiến nghị khác của các ĐBQH liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện, tăng cường năng lực Tổ công tác sẽ tiếp thu để tham mưu cho Chính phủ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của quyền hạn của mình.
Phân tích nguyên nhân các văn bản mâu thuẫn, chồng chéo
Trước đó, tại phiên thảo luận đầu giờ chiều nay, góp ý về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101 ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn Tp. Hồ Chí Minh) đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ, UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội, nhất là sự tích cực, trách nhiệm của Thường trực Tổ công tác của Chính phủ với 523 văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát với 22 lĩnh vực trọng tâm và các lĩnh vực khác, và cơ bản đã hoàn thành trong thời gian ngắn.
Theo báo cáo rà soát, chỉ có 6,5% là văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, phần lớn là văn bản có bất cập, vướng mắc, tập trung ở các văn bản dưới luật.
Tuy nhiên, đại biểu Hạnh đề nghị báo cáo cần phân tích cụ thể hơn các nguyên nhân chủ quan của tình trạng này, đó là do cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực hiện nghiêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay việc lấy ý kiến chưa đầy đủ hoặc việc đánh giá tác động của chính sách chưa sâu, mang tính hình thức hay việc tiếp thu, giải trình của các cơ quan soạn thảo có lúc còn mang tính chủ quan?
“Đề nghị cần làm rõ những nguyên nhân này để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới”, nữ đại biểu đề nghị.
Về kết quả rà soát, đại biểu nhận thấy, kết quả rà soát dù rất tích cực nhưng chưa phản ánh được hết bức tranh về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta, cho nên cần tiếp tục rà soát.
Phát biểu tranh luận với các ý kiến cho rằng chất lượng hệ thống pháp luật còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, ĐBQH Đỗ Đức Hiển (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) nêu rõ, việc Quốc hội yêu cầu rà soát hệ thống pháp luật là kịp thời để có những đề xuất sửa đổi, có được giải pháp để làm tốt hơn không chỉ trong xây dựng pháp luật mà kể cả trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển nêu rõ với khối lượng rà soát lớn với hơn 500 văn bản gồm cả văn bản luật và dưới luật. Qua rà soát chưa phát hiện thấy nội dung trái chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và điều ước quốc tế. Điều này được thể hiện rất là rõ trong báo cáo của Chính phủ cũng như ý kiến độc lập của các cơ quan của Quốc hội.
Những nội dung được phát hiện là mâu thuẫn, chồng chéo tuy là có nhưng không nhiều và chủ yếu do bất cập, lạc hậu với thực tiễn.
Ông Hiển cũng cho biết trong từng nội dung được phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo đều đã có hướng xử lý khá cụ thể cả về nội dung, về tiến độ và cách thức thực hiện.
Trong đó, có nội dung liên quan đến luật dự kiến sẽ xử lý ngay trong kỳ họp này, có việc đã có trong chương trình, kế hoạch lập pháp của năm hay của nhiệm kỳ. Đối với các văn bản dưới luật, Chính phủ cũng đã cam kết chỉ đạo sửa ngay. Ngoài ra, qua rà soát cũng chưa phát sinh yêu cầu, cấp bách cần phải xử lý cũng như là phải dùng một luật để sửa nhiều luật.
Ông Hiển nhấn mạnh ý nghĩa của việc rà soát pháp luật và đề nghị việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không dừng ở đây, thực hiện theo đợt mà phải tiến hành thường xuyên và kết quả rà soát cần phải thực hiện để làm thông tin dữ liệu đầu vào phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bo-truong-le-thanh-long-con-mau-thuan-chong-cheo-o-tam-luat-a633881.html