Mới tháng trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã dự đoán một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng mới ở Trung Đông, khi đất nước ông giành được sự chấp nhận ngày càng tăng trong khu vực.
Nhưng tầm nhìn đó đã tan vỡ kể từ khi làn sóng xung đột mới nhất giữa quốc gia Do Thái và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine bùng phát hôm 7/10.
Khi cuộc chiến Israel-Hamas bước sang tuần thứ 4, việc huy động 360.000 quân dự bị và sơ tán 250.000 người Israel khỏi nhà của họ, theo những con số do Quân đội Israel (IDF) cung cấp, đã khiến nhiều hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Mọi thứ bị đảo lộn
Đối với bà Naama Zedakihu, người sở hữu 2 nhà hàng ở Modi’in, một thị trấn nằm giữa Jerusalem và Tel Aviv, cuộc khủng hoảng đã khiến bà phải dự tính tạm thời sa thải 70 nhân viên của mình.
“Tôi đã thử mở nhà hàng lần đầu tiên sau 2 tuần rưỡi nhưng nhà hàng vắng khách nên tôi phải đóng cửa sớm”, bà Zedakihu cho biết hôm 24/10. “Hàng bán được không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh”.
Từ việc các nhà hàng nhỏ, các công trường xây dựng, đến các công ty công nghệ cao và mỏ khí đốt lớn do Tập đoàn Chevron (Mỹ) điều hành bị đóng cửa, đến việc các hãng hàng không đã hủy hầu hết các chuyến bay đến Israel và khách du lịch đã hủy các chuyến đi. Mọi khía cạnh kinh tế của Israel đều đang bị chấn động bởi xung đột.
Những thiệt hại mà nền kinh tế trị giá 520 tỷ USD đang đối mặt không kém những gì những đợt đóng cửa do đại dịch Covid-19 gây ra, khi các trường học, văn phòng và công trình xây dựng trên khắp đất nước trống rỗng hoặc chỉ mở cửa vài giờ mỗi ngày.
Israel đã huy động kỷ lục 360.000 quân dự bị trước cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, tiêu hao khoảng 8% lực lượng lao động.
Việc triệu tập quân và đóng băng một phần nền kinh tế đã gây ra sự sụt giảm đột ngột trong hoạt động, và đảo lộn mọi thứ từ ngân hàng đến nông nghiệp, gây thiệt hại cho chính phủ tương đương 2,5 tỷ USD mỗi tháng, theo Mizrahi-Tefahot, ngân hàng thương mại lớn thứ 3 của Israel.
Israel tuyên chiến với Hamas khi lực lượng này tấn công các khu dân cư ở miền Nam đất nước vào ngày 7/10, khiến khoảng 1.400 người thiệt mạng và hơn 200 người bị bắt giữ làm con tin. Trong khi đó, số người thiệt mạng do các cuộc không kích trả đũa vào Dải Gaza, dải đất hẹp ven biển Địa Trung Hải do Hamas kiểm soát, đã lên tới 8.306 người, Đài Al Jazeera đưa tin hôm 30/10, trích dẫn Bộ Y tế Palestine.
Thiệt hại tài chính đã rất nghiêm trọng. Chỉ số chứng khoán chính của Israel TA-35 giảm 16% tính theo đồng USD, mất gần 25 tỷ USD giá trị.
Đồng shekel (tiền Israel) đã giảm xuống mức yếu nhất kể từ năm 2012 – mặc dù BoI đã công bố gói giải pháp trị giá 45 tỷ USD chưa từng có để bảo vệ đồng tiền này – và đang hướng tới kết quả năm tồi tệ nhất trong thế kỷ này. Chi phí phòng ngừa rủi ro đối với những tổn thất tiếp theo đã tăng vọt.
Israel bước vào cuộc chiến với dự trữ ngoại hối khoảng 200 tỷ USD. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn Quốc hội Mỹ phê duyệt 14 tỷ USD viện trợ khẩn cấp cho Israel, phần lớn là tài trợ quân sự, bên cạnh 3,8 tỷ USD mà quốc gia Do Thái nhận được hàng năm.
Ngân hàng Trung ương Israel (BoI) cảnh báo tác động sẽ trở nên tồi tệ hơn khi xung đột kéo dài. BoI đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 cho Israel từ 3% xuống còn 2,3% – giả sử giao tranh được kiềm chế ở miền Nam đất nước.
Khó khăn ngay cả trước xung đột
Phạm vi địa lý và thời gian của cuộc xung đột sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng kinh tế lâu dài của nó. Thủ tướng Netanyahu hôm 28/10 đã cảnh báo về một chiến dịch quân sự “kéo dài và khó khăn” khi Israel bắt đầu những hoạt động tấn công trên bộ đầu tiên vào Gaza.
JPMorgan Chase & Co. Hôm 29/10 dự đoán nền kinh tế Israel sẽ giảm 11% trong 3 tháng cuối năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Các cuộc xung đột gần đây của Israel – bao gồm một cuộc xung đột năm 2006 với lực lượng Hezbollah có trụ sở tại Lebanon và một cuộc xung đột khác với Hamas vào năm 2014 kéo dài khoảng 7 tuần và bao gồm một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza – “hầu như không có ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế”, các nhà phân tích của JPMorgan cho biết. Nhưng “cuộc chiến hiện tại đã có tác động lớn hơn nhiều đến an ninh nội địa và lòng tin”.
Ngay cả trước khi chiến tranh nổ ra, Israel – một quốc gia có nền kinh tế năng động và cạnh tranh với các nước Tây Âu – đã gặp khó khăn. Ngân khố của nước này, vốn từng phình to nhờ các khoản đầu tư vào công nghệ, giờ đã bị phủ bóng bởi cuộc đại tu toàn diện đối với hệ thống tư pháp.
Chính phủ nói rằng cơ quan tư pháp không được bầu chọn có quá nhiều quyền lực, nhưng những người ủng hộ coi đây là sự kiểm tra nghiêm túc nhất đối với quyền lực của các chính trị gia. Những lo ngại về quản trị trong nước, lạm phát gia tăng và sự suy giảm đầu tư công nghệ trên toàn thế giới vào năm ngoái cũng đè nặng lên nền kinh tế Israel.
Khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Israel, thu hút kỷ lục 27 tỷ USD vào năm 2021, đã giảm gần một nửa vào năm ngoái.
Theo Viện Chính sách Quốc gia Khởi nghiệp của Israel, các khoản đầu tư đã giảm thêm 68% trong nửa đầu năm nay, so với cùng kỳ năm ngoái do tâm lý e ngại của các nhà đầu tư xoay quanh vấn đề cải cách tư pháp của đất nước.
Cơ quan Đổi mới Israel đã kiểm tra các công ty khởi nghiệp trong thời kỳ chiến tranh và nhận thấy rằng sự chậm lại trong việc huy động vốn, cùng với việc nhân viên bị gọi làm nghĩa vụ dự bị, đặt ra thách thức đối với một số lượng đáng kể các công ty công nghệ cao.
Với công nghệ chiếm 48% xuất khẩu của Israel, sự thịnh vượng của ngành này rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ngay cả khi các công ty cho biết họ đang học cách thích nghi, hoàn cảnh khó khăn của nhiều doanh nghiệp cho thấy cuộc khủng hoảng có thể để lại những “vết sẹo” lâu dài hơn trên nền kinh tế Israel.
Minh Đức (Theo Bloomberg, AP)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/xung-dot-voi-hamas-co-the-de-lai-vet-seo-lau-dai-hon-cho-israel-a633656.html