Giá đường lao dốc sau khi chạm đỉnh
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường thay vì chiết xuất ethanol. Nguyên liệu đầu vào tăng, tạo điều kiện để sản lượng đường tăng lên.
Trao đổi với báo Công Thương, Tập đoàn công nghiệp mía đường (UNICA) cho biết, trong 15 ngày đầu tháng 10, khu vực Trung Nam, vùng sản xuất đường chính của Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới đã hoàn thành 2,25 triệu tấn đường, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung đường trên thế giới vẫn khá căng thẳng
Cụ thể ở Ấn Độ – quốc gia sản xuất và xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới. Theo dữ liệu do Bộ Thực phẩm và Phân phối Công cộng Ấn Độ cung cấp ngày 20/10, lạm phát trung bình về giá đường bán lẻ trong 10 năm qua ở mức khoảng 2% mỗi năm.
Do đó, Chính phủ nước này đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đường vô thời hạn để hạn chế giá tăng vì gió mùa kém có thể ảnh hưởng đến sản lượng mía ở hai bang sản xuất chính là Maharashtra và Karnataka. Tháng 8 vừa qua là một tháng rất khô hạn, do đó gây căng thẳng cho vụ mía ở bang Karnataka và Maharashtra.
Lo ngại giá tăng do sản lượng dự kiến sẽ thiếu hụt, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định áp đặt các hạn chế vô thời hạn đối với xuất khẩu đường. Theo thông báo do Tổng cục Ngoại thương (DGFT) cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ, lệnh hạn chế xuất khẩu đường dự kiến kết thúc vào ngày 31/10/2023 đã được gia hạn cho đến khi có lệnh tiếp theo.
Giá bán lẻ đường trung bình tại Ấn Độ đứng ở mức 32,43 Rs/kg trong năm 2014-2015 và tăng lên 42,02 Rs trong năm 2016-2017. Trong sáu năm qua, giá cả gần như ổn định. Dữ liệu của Bộ Thực phẩm và Phân phối Công cộng cho thấy giá đường đứng ở mức 42,25 Rs/kg trong năm 2022-2023 và hy vọng giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu sẽ ổn định trong mùa lễ hội nhờ một loạt biện pháp bình ổn giá được chính phủ thực hiện.
Ở thị trường nội địa, để kiềm chế đà tăng của giá đường, ngày 6/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2575/QĐ-BCT về lượng và phương thức phân giao hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2023, Quyết định số 2576/QĐ-BCT về việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá.
Theo đó, năm 2023, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 17.01) phân giao theo phương thức đấu giá là 119.000 tấn.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thống nhất thời điểm tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá, công bố công khai để các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan biết và thực hiện.
Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Nông Nghiệp, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành mía đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho vụ trồng mới đông xuân và vụ ép mía 2023 – 2024. Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023 – 2024 sẽ có tăng trưởng so với niên vụ 2022 – 2023. Cụ thể: Diện tích mía thu hoạch 159.159ha (tăng 12% so với niên vụ 2022 – 2023); sản lượng mía chế biến 10,9 triệu tấn (tăng 13%); sản lượng đường trên 1 triệu tấn (tăng 10%).
Niên vụ 2023 – 2024 dự báo sẽ là một năm thuận lợi khi giá đường đang ở mức cao. Báo cáo thị trường tháng 8/2023 của Tổ chức đường Quốc tế (ISO) cho thấy, trong niên vụ 2022 – 2023 (vừa kết thúc vào tháng 9/2023), sản lượng đường thế giới bị thiếu hụt trên 2 triệu tấn so với nhu cầu. Điều này dẫn tới việc giá đường tăng mạnh trên toàn cầu trong năm nay. Cũng theo VSSA, trong 2 vụ mía vừa qua (niên vụ 2021 – 2022 và 2022 – 2023), diện tích và sản lượng mía đã tăng trở lại.
Đáng chú ý, Ban Thường vụ VSSA đã khuyến cáo các hội viên sản xuất của Hiệp hội về giá thu mua mía niên vụ 2023 – 2024. Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương, tiếp tục điều chỉnh tăng giá thu mua mía nguyên liệu trong vụ mới sắp đến nhằm bảo đảm nông dân bù đắp đủ chi phí, có thu nhập đủ sống để yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.
Giá mía cũng cần xây dựng bảo đảm cho nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương, có như vậy nông dân mới có thể an tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam.
Trước đó, VSSA kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần xem xét, chấm dứt việc đấu giá và áp dụng biện pháp tiêu hủy đường nhập lậu, đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ đã bị tịch thu. Giao cho VSSA đề xuất cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng đường để hình thành quỹ hỗ trợ kinh phí tiêu hủy đường nhập lậu bị tịch thu; kiên quyết chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự những vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến gian lận đường thương mại nhập lậu và nhập lậu đường; tổ chức giám sát kiểm tra các cơ sở san chia, đóng gói mặt hàng đường và sản xuất đường phèn bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật…
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/gia-duong-lao-doc-sau-phien-cham-dinh-cao-nhat-3-nam-a633021.html