Trao đổi với Người Đưa Tin về tình hình bệnh đậu mùa khỉ là bác sĩ Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC).
PV: Thưa bà, tình trạng bệnh đậu mùa khỉ tại Tp.HCM hiện nay như thế nào?
Bác sĩ Lê Hồng Nga: Tính từ đầu năm 2023 đến hết ngày 22/10, trên địa bàn Tp.HCM đã ghi nhận tổng cộng 33 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) được khẳng định bằng xét nghiệm PCR.
Trong số đó có 1 trường hợp nam bệnh nhân 29 tuổi đã tử vong do có nhiều bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch do đồng mắc cả đậu mùa khỉ và HIV. Ngoài trường hợp trên, hiện nay các bệnh nhân còn lại đã có diễn tiến ổn định. Sau khi nhập viện và được điều trị theo phác đồ, hiện đã có 8 bệnh nhân kết thúc thời gian cách ly điều trị theo quy định của Bộ Y tế.
PV: Cụ thế, diễn biến bệnh đậu mùa khỉ tại Tp.HCM có gì đáng lưu ý, thưa bà?
Chúng tôi cho rằng, tình hình dịch tễ học bệnh đậu mùa khỉ tại Tp.HCM có điểm tương đồng với dịch tễ học trên thế giới. Nhìn chung, trên thế giới và tại Việt Nam thì 95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ là nam giới.
Tại Tp.HCM, số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế và được phát hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ đang chiếm 100% là bệnh nhân nam.
Có thể nói, số ca bệnh đậu mùa khỉ được Tp.HCM phát hiện có thể thấp hơn rất nhiều so với con số thực tế. Bởi lẽ, bệnh đậu mùa khỉ bên cạnh những người có biểu hiện đến khám thì vẫn còn những người bệnh chưa đến khám.
Trên thực tế, các ca bệnh đậu mùa khỉ thể nhẹ, người mắc không có bệnh lý nền thì có thể tự khỏi trong vòng 2 đến 4 tuần. Bệnh chỉ có thể nặng hơn ở một số những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao như: thai phụ, người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền, đặc biệt là người suy giảm miễn dịch.
PV: Cơ quan y tế nhận định gì về nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao hơn bình thường không, thưa bà?
Bác sĩ Lê Hồng Nga: Theo thống kê có 80% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhóm đối tượng MSM – tức là bệnh nhân nam quan hệ tình dục với nam. Khoảng 50% bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ trên toàn cầu có nhiễm HIV.
Người có HIV hay không có HIV đều có nguy cơ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ như nhau nếu họ có những tiếp xúc trực tiếp trên sang thương trên da, tiếp xúc qua quan hệ tình dục với người bị bệnh đậu mùa khỉ. Những người có HIV không được chăm sóc và điều trị ARV đều đặn thì có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch khi bị đậu mùa khỉ sẽ nặng hơn.
PV: Như vậy, ngành y tế Tp.HCM đã có phương án nào để kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ?
Bác sĩ Lê Hồng Nga: Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp.HCM, bệnh đậu mùa khỉ trước đây chỉ khu trú tại khu vực châu Phi nhưng đến tháng 4/2022 ghi nhận nhiều ở Mỹ và các nước châu Âu.
Từ tháng 7, tháng 8/2023 đến nay, số ca mắc ở các nước Tây Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại Trung Quốc, Thái Lan có số ca mắc tăng rất nhanh. Sau đó, tại Việt Nam ghi nhận tình trạng số ca mắc tăng. Hiện nay đang có tình trạng tăng ở các nước ở gần nhau.
Do đó, để ngăn chặn tình trạng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, ngành y tế Tp.HCM đang chủ động củng cố lại toàn bộ hệ thống giám sát, tập huấn cho tất cả các phòng khám, bệnh viện cả công và tư.
PV: Đối với nhóm nguy cơ cao, chúng ta có phương án nào được chú trọng hơn hay không, thưa bà?
Bác sĩ Lê Hồng Nga: Nhóm nguy cơ cao của bệnh đậu mùa khỉ là nam quan hệ tình dục đồng giới, nên toàn bộ những phòng khám thường phục vụ cho những đối tượng này và các tổ chức hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng đều được ngành y tế tập huấn, tư vấn hướng dẫn chăm sóc cũng như phát hiện sớm ca bệnh.
Ngoài ra, ngành y tế Tp.HCM còn phối hợp với Hội phòng chống HIV của TP và các tổ chức hỗ trợ cộng đồng để vận động, tư vấn, hướng dẫn cho những người bệnh nếu tự phát hiện triệu chứng của mình thì nên đến cơ sở y tế, nếu có bệnh đi khai báo để được chăm sóc điều trị. Ngành y tế cũng có những biện pháp để đánh giá nguy cơ dịch lan trong cộng đồng.
Bệnh nhân nhiễm đậu mùa khỉ tử vong với nhiều bệnh lý nền
Tp.HCM vừa có một trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tử vong do tình trạng suy giảm miễn dịch của người bệnh. Sở Y tế thành phố cho biết đã chỉ đạo lập Hội đồng chuyên môn để phân tích và có kết luận chính thức về ca bệnh.
Theo báo cáo tóm tắt của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM, bệnh nhân nam, sinh năm 1994, địa chỉ ở Mộc Hóa, tỉnh Long An, nhập viện ngày 2/10 vì sốt, nổi mụn nước 9 ngày. Bệnh nhân được nhập viện cách ly điều trị, xét nghiệm sang thương mụn nước có kết quả PCR dương tính với Mpox. Bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch nặng với xét nghiệm HIV dương tính và tế bào TCD4 1/uL.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân nặng với nhiễm nấm Candida xâm lấn, nhiễm Pneumocystis jirovecii, lao lan tỏa, sau đó diễn tiến vào tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng nặng. Bệnh nhân được điều trị tích cực với kháng sinh, kháng nấm, kháng lao, thở máy, lọc máu. Tuy nhiên, tình trạng diễn tiến nặng và tử vong sau 18 ngày điều trị tích cực.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-len-phuong-an-ngan-chan-benh-dau-mua-khi-dien-bien-phuc-tap-a633057.html