Rau quả luôn là nhóm hàng ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của toàn ngành nông nghiệp
Theo TTXVN, giá trị xuất khẩu rau quả trong 9 tháng năm 2023 đạt 4,2 tỷ USD, vượt kỷ lục lịch sử kim ngạch 3,81 tỷ USD của năm 2018. Nhiều dự báo cho rằng, xuất khẩu rau quả cả năm 2023 có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD khi vẫn còn 3 tháng cuối năm.
Đặc biệt, trong quá trình tăng trưởng mạnh của nhóm mặt hàng thì yêu cầu giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định uy tín và sự tăng trưởng bền vững của cả ngành hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Hiệp hội Rau Quả Việt Nam ước tính giá trị nhập khẩu rau quả chỉ 1,458 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Loại quả nào là mặt hàng chủ lực xuất khẩu?
Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan vẫn là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên trong top 5 thị trường này, riêng chỉ có thị trường Mỹ giảm nhẹ, các thị trường còn lại khác đều có sự tăng trưởng mạnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, lại là thời điểm lễ, Tết nên xuất khẩu rau quả còn dư địa rất lớn. Đặc biệt, các tháng còn lại là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Do đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ còn cao hơn bình quân các quý trước.
“Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD trong năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỉ USD, góp phần vào nhóm hàng “tỷ đô” của ngành nông nghiệp”, ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định, theo VTV.
Cụ thể tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả đã đạt trên 2,26 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Hà Lan tăng 50%, Hàn Quốc tăng 18%, Nhật Bản tăng 6%. Trung Quốc cũng là thị trường đứng đầu về thị phần xuất khẩu với gần 64%, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan…
Chỉ tính riêng mặt hàng sầu riêng, tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Qua 8 tháng, mặt hàng này đã xuất khẩu được trên 1,28 tỷ USD, tăng trên 700% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng nhờ đó mà sầu riêng nhanh chóng gia nhập nhóm trái cây tỷ USD. Sầu riêng cũng được dự báo sớm cán đích kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD trong tháng 10 này.
Bên cạnh sự tăng trưởng của mặt hàng sầu riêng còn có sự đóng góp của các mặt hàng như mít, xoài, vải, dưa hấu, bưởi, nhãn, thanh long…
Chủ động khắc phục đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu
Thời gian gần đây xuất khẩu rau quả “bùng nổ”, theo đó nhằm phát triển ngành này, vừa qua, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ động thu hồi 74 mã số vùng trồng và 40 cơ sở đóng gói trái cây chuối, mít, thanh long, sầu riêng… để chủ động khắc phục đáp ứng yêu cầu nước nhập khẩu. Bởi nếu bị các nước nhập khẩu thu hồi thì sẽ rất khó khăn trong việc đàm phán tháo gỡ, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên TTXVN, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng để thực hiện tốt hơn trong quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Cục Bảo vệ Thực vật đang phối hợp với Cục Trồng trọt tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xây dựng Nghị định quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; Nghị định xử phạt đối với trường hợp vi phạm để nâng cao tính cảnh báo, răn đe.
Là một doanh nghiệp tham gia vào logistic, ông Đặng Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại Mega A cho hay Trung Quốc ngày càng đặt tiêu chuẩn cao hơn cho hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm nông sản, thực phẩm.
Do đó, doanh nghiệp luôn phải đổi mới về bao bì, thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, văn hóa tiêu dùng, cùng với việc học hỏi, tìm hiểu kỹ nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng của thị trường này. Doanh nghiệp phải giữ vững chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường nhưng cũng không ngừng đổi mới sáng tạo sản phẩm của mình.
Bên cạnh những nỗ lực đáp ứng tốt về tiêu chuẩn chất lượng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho rau quả Việt sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường có giá trị cao.
Riêng với Trung Quốc là nghị định thư về các mặt hàng gồm dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Cùng đó, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…; đồng thời, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Dự báo xuất khẩu quý cuối của năm sẽ khởi sắc
Theo dự báo, hoạt động xuất khẩu trong quý cuối cùng của năm sẽ tiếp tục khởi sắc bởi lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, châu Âu… có xu hướng hạ nhiệt, tồn kho ở các nước đang giảm dần. Cùng đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Hơn nữa, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, việc Trung Quốc có động thái hạ lãi suất nhằm vực dậy nền kinh tế cũng mở ra hy vọng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất sẽ cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất khẩu từ tháng 5 đến tháng 8 liên tục duy trì tăng trưởng.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thu-ve-42-ty-usd-xuat-khau-rau-qua-pha-ky-luc-lich-su-a631336.html