Nhiều cơ hội để phát triển
Sáng 11/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị điều phối vùng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Tại hội nghị, thay mặt cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì lập Quy hoạch vùng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Quy hoạch vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển.
Quy hoạch còn giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng, Bộ KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập Quy hoạch vùng.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là “mặt tiền” của quốc gia và “khúc ruột” của Tổ quốc, là “cửa ngõ” ra biển cả và “bệ đỡ” cho các tỉnh Tây Nguyên.
Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 – 2020 bình quân 7,3%/năm, cao hơn tốc độ tăng cả nước cùng giai đoạn (6,36%/năm). Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 đạt 1.157 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2010.
Tuy thách thức có nhiều, nhưng theo Bộ trưởng, cơ hội cũng không ít để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Đó là có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, sáng tạo, bền vững và bao trùm; các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam; tiềm năng đón khách du lịch quốc nội và quốc tế ngày càng tang sau đại dịch Covid-19; cũng như cơ chế, chính sách từ Trung ương giúp thúc đẩy các nền tảng hạ tầng cho phát triển.
7 nhận diện, đề xuất đột phá
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế nêu trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đã đưa ra 7 nhận diện, đề xuất có tính mới, đột phá.
Một là, tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển.
Theo đó, đây sẽ là vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…
Hai là, tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng trọng yếu, đặc biệt là giao thông và logistics, năng lượng, hạ tầng thông tin và chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo, y tế, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ba là, phát triển không gian kinh tế ven biển có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung phát triển một số khu vực động lực, cực tăng trưởng gắn với các trung tâm chuyên ngành về kinh tế biển lớn tầm khu vực và quốc tế, bao gồm:
Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Bốn là thu hút, kết nối và huy động mọi nguồn lực đầu tư, mọi thành phần kinh tế để đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế Vùng, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển với trọng tâm là liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển.
Năm là tăng cường hợp tác và liên kết liên tỉnh cho phát triển kinh tế – xã hội như Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An; Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh; Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình; Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa.
Sáu là phát triển hệ thống đô thị, đặc biệt là dải đô thị ven biển, gắn kết chặt chẽ với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp để hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển các trung tâm kinh tế biển theo hướng nâng cao mật độ các hoạt động kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế và hội nhập quốc tế của các đô thị, có bản sắc đặc trưng của đô thị sinh thái biển hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảy là phát triển toàn diện kinh tế – văn hóa – xã hội – môi trường. Tạo chuyển biến về chất lượng trong giáo dục và đào tạo; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển vùng, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ tham vấn, lấy ý kiến của các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/mo-duong-phat-trien-cho-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-mien-trung-a630544.html