Kiến nghị có hình thức kinh doanh “mini buýt”
Ngày 9/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Tọa đàm về Dự án Luật Đường bộ.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, các đại biểu cơ bản đồng tình, nhất trí với sự cần thiết và những nội dung cơ bản dự án Luật Đường bộ.
Việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực tổ chức giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Góp ý vào nội dung cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, so với Luật hiện hành; loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch không còn quy định trong dự thảo Luật Đường bộ.
Ông Quyền cho rằng đây là loại hình kinh doanh vận tải đang hoạt động, xu hướng ngày càng tăng, yêu cầu quản lý có nhiều nội dung khác biệt so với các loại hình vận tải khác như:
Điều kiện về người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, về phạm vi hoạt động của xe du lịch được vào các điểm du lịch trong khi các phương tiện kinh doanh vận tải theo hình thức khác bị hạn chế… Do đó, đề nghị tiếp tục quy định loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch trong Luật Đường bộ.
Bên cạnh đó, ông Quyền đề nghị bổ sung quy định cho phép có hình thức kinh doanh tạm gọi là: “mini buýt” với mục đích giải quyết nhu cầu đón khách từ nơi xuất phát đến các đầu mối vận tải như trạm xe buýt, ga tàu điện, khách có cự ly đi lại ngắn như học sinh, sinh viên, người đi đến công viên, siêu thị…; sử dụng xe chạy động cơ điện, có trọng tải từ 9 tới 16 chỗ để có thể đi vào các đường trong nội đô.
Đây cũng là giải pháp để giảm mô tô, xe máy trong các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và thực hiện chủ trương giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Grab đề xuất là “dịch vụ trung gian kết nối vận tải”
Liên quan đến quy định về Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tại khoản 6 Điều 61 của dự thảo Luật Đường bộ quy định: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: Điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi… Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô.
Góp ý vào nội dung này, bà Đặng Thùy Trang – Giám đốc Đối ngoại của Grab tại Việt Nam cho biết, theo như quy định trên thì Grab đang cung cấp là kinh doanh vận tải. Điều này không thực sự phù hợp và gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong quá trình thực thi.
Bà Trang đề xuất dịch vụ Grab được phân loại đúng với bản chất trung gian kết nối, thay vì dịch vụ vận tải như quy định tại dự thảo Luật.
Lý giải điều này, đại diện Grab Việt Nam cho rằng, đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải chỉ tham gia vào một phần trong toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải. Đó là công đoạn thúc đẩy việc kết nối giữa tài xế và khách hàng thông qua ứng dụng. Grab chịu trách nhiệm cho khâu trước và sau dịch vụ (bao gồm: Tiếp thị, kết nối đơn vị vận tải với hành khách, hoàn thiện việc đặt xe, thực hiện thanh toán, đánh giá chất lượng dịch vụ), sau đó, làm việc với đơn vị vận tải và tài xế để cải thiện dịch vụ.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy không có quốc gia nào trên thế giới phân loại dịch vụ kết nối như Grab vào nhóm “kinh doanh vận tải”.
Ví dụ, trong khu vực, Singapore quy định đây là Dịch vụ đặt chuyến xe theo nhu cầu; Malaysia gọi Dịch vụ Trung gian; Philippines gọi là Dịch vụ Mạng kết nối Vận tải…
Phản biện nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô.
Việc kết nối giữa con người và phương tiện dù bằng hình thức nào (thủ công hay công nghệ) thì vẫn chỉ là công cụ. Do đó, Nhà nước vẫn phải quản lý các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan đến kinh doanh vận tải.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng điều quan trọng nhất trong việc xác định ai là người kinh doanh vận tải, ai phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước thì hiện nay Grab là đơn vị quyết định giá cước vận tải và giữa Grab với chủ xe đã ký kết hợp đồng (trong đó có phần thu thuế nộp cho Nhà nước). Như vậy, khi ký hợp đồng với người sử dụng dịch vụ, Grab phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ với Nhà nước.
Ông Thọ cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm để chỉnh sửa, làm rõ bản chất để tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh vận tải và để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ liên quan đến kinh doanh vận tải chủ động, rõ trách nhiệm của mình.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/luat-duong-bo-lam-ro-quy-dinh-ve-kinh-doanh-van-tai-bang-xe-o-to-a630271.html