Chuyên canh lúa chất lượng cao lợi nhuận cao.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội thảo vai trò của hợp tác công – tư trong triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Phát biểu tại hội nghị ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đề án trên sẽ áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Ngoài ra, đề án còn bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Được biết, có 12 địa phương, với tổng diện tích 1.015.000 ha lúa, đăng ký tham gia đề án đến năm 2030. Trong đó, năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai trên diện tích khoảng 200.000 ha vùng lúa thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã triển khai những năm trước đây. Tới năm 2025, diện tích đạt 500.000 ha; từ 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100.000 ha.
Cũng theo ông Tùng, diện tích lúa khi thực hiện đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm (với sản lượng 13 triệu tấn lúa năm 2030). Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm.
“Với hai yếu tố trên, ngành lúa có thêm 16.000 tỷ đồng/năm, tương đương 500 triệu USD; chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải. Đề án có tính khả thi”, lãnh đạo Cục Trồng trọt nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT, ông Trần Thanh Nam cho biết, việc xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL sẽ mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo. Diện tích 1 triệu ha lúa của đề án liên quan tới 1 triệu nông hộ sản xuất, do đó, phải tổ chức cho nông dân vào các hợp tác xã, gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ.
Bộ chủ quản cam kết và đưa ra mục tiêu các hộ nông dân tham gia đề án có lợi nhuận từ 40% trở lên. Số tiền này không chỉ thu từ bán lúa mà thực hiện trong cả chuỗi liên kết, như giảm chi phí, tận dụng sản phẩm phụ phẩm, tăng giá trị hạt gạo với thương hiệu gạo giảm phát thải.
Bộ NNPTNT mong muốn có sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc tham gia, phối hợp, cùng chia sẻ những rủi ro, lợi nhuận với ngành lúa gạo. Đây không phải là nơi để tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn, mà doanh nghiệp sẽ cùng gánh vác, thực hiện đề án. Đề án cũng không phải là nơi bán lúa giống, trang thiết bị, vật tự nông nghiệp…
Doanh nghiệp cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt
Thông tin trên báo Nông Nghiệp, để triển khai thành công Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao”, hợp tác công – tư (PPP) đóng một vai trò rất quan trọng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Nguyễn Ngọc Sơn, đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, cho biết, GIZ đã hợp tác với Bộ NNPTNT thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững tại Việt Nam từ năm 2011 thông qua các dự án Sáng kiến Lúa gạo Châu Á giai đoạn 1 và 2, dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh (GIC) tại các tỉnh ĐBSCL và 1 tỉnh ở miền Bắc. Các dự án giúp nâng cao năng lực cho các đối tác công tư trong chuỗi lúa gạo, đào tạo giảng viên tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP ủy quyền, đào tạo hơn 33.000 nông dân về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP, 177 hợp tác xã được huấn luyện về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP, Trong đó, 22 hợp tác xã đã được chứng nhận SRP mức độ 2 và 1 HTX đã đạt chứng nhận SRP mức 3.
Dự kiến năm 2024, GIZ sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ NNPTNT, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn để tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững trong khuôn khổ dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh (GIC).
Bắt đầu từ vụ đông xuân 2023 – 2024, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ bắt đầu được triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và sẵn sàng tham gia vào Đề án này. Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Vinarice (Cụm công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), hàng năm, công ty liên kiết sản xuất hạt giống trên diện tích 10 nghìn ha và liên kết thu mua gạo thành phẩm trên diện tích 25 nghìn ha. Gạo của Vinarice đang được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vinarice đã đặt ra mục tiêu có sản phẩm gạo giảm phát thải từ cuối năm 2024, đầu 2025, và đã sớm triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật giúp giảm phát thải trong quy trình sản xuất.
Dự kiến xuất khẩu gạo năm nay đạt trên 7,5 triệu tấn
Trước đó năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 7,13 triệu tấn, với kim ngạch kỷ lục 3,45 tỷ USD. Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới. Bộ NNPTNT dự tính, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-loi-nhuan-cao-nong-dan-phan-khoi-a629394.html