Thiết bị này mang tên Slinger và được thiết kế để tiêu diệt máy bay không người lái với giá thành mà các nước như Ukraine có thể mua được.
Matt Jones của Electro Optic System (EOS) cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến mối đe dọa từ máy bay không người lái trở nên ngày càng lớn tại Ukraine. Thông thường, những hệ thống mà các nước lớn thường sử dụng để ngăn chặn có giá quá đắt đỏ so với máy bay không người lái chỉ có giá 10.000 USD hay thậm chí 1.000 USD”.
Cuộc chiến tại Ukraine đã thay đổi chiến tranh mãi mãi. Máy bay không người lái đóng vai trò lớn trên tiền tuyến. Có những ước tính cho rằng hàng ngàn máy bay không người lái được phóng mỗi ngày tại đây.
Cựu thiếu tướng Australia Mick Ryan cho biết: “Khả năng phát hiện, xác định mục tiêu và tấn công các mục tiêu đó một cách nhanh chóng là yếu tố đã thay đổi chiến thuật. Chúng đã thay đổi đội hình quân ngũ, và chúng sẽ thay đổi học thuyết quân sự cũng như trang thiết bị của tất cả các nước”.
“Vấn đề là chi phí”
Trong một thế giới với nhiều hệ thống có trị giá hàng triệu USD, những máy bay không người lái là yếu tố cân bằng lớn. Những mẫu máy bay Shahed của Iran mà Nga sử dụng đế tấn công các xe tăng và thành phố Ukraine có giá chỉ 31.000 USD. Một số máy bay không người lái khác có giá thành còn thấp hơn.
Ông Ryan cho biết: “Cho tới gần đây, chúng tôi phải sử dụng tên lửa có giá thành rất cao để tiêu diệt chúng. Và nếu cần phải dùng tên lửa có giá 100 ngàn tới 200 ngàn USD để bắn hạ chúng, phần lớn các quốc gia không thể gánh được chi phí đó”.
Hệ thống Slinger sử dụng công nghệ tinh vi để đạt được mục đích thông qua phương pháp thô hơn. Tại Canberra, kỹ sư của EOS, Charlotte Capper sử dụng tay cầm để điều khiển hệ thống theo dõi mục tiêu thông qua một màn hình ngoài.
Cô cho biết: “Tôi chỉ đảm bảo thiết bị này theo dõi được mục tiêu và sẵn sàng tấn công. Khi nhận được tín hiệu, chúng tôi có thể ngay lập tức bắn hạ mục tiêu”.
“Chúng rất dễ làm quen. Người dùng không cần phải biết quá nhiều về công nghệ”.
Trong tháng vừa rồi, đại sứ Ukraine tại Australia Vasyl Myroshnychenko đã được tận mắt chứng kiến hệ thống Slinger tiêu diệt máy bay không người lái với chi phí chỉ bằng một phần các phương pháp thông thường.
Ông cho biết: “Đôi khi tên lửa có giá tới hàng triệu USD. Mà chúng tôi lại dùng chúng để bắn hạ máy bay có giá 20.000 USD. Vấn đề là chi phí. Không ai biết được những máy bay đó được phóng nhắm vào đâu và sẽ phá hủy cái gì”.
Slinger có giá chưa tới 1,55 triệu USD mỗi đơn vị. Hệ thống này hướng tới tiêu diệt máy bay không người lái với chi phí từ 155 tới 1.550 USD mỗi mục tiêu.
“Các thành phố của Ukraine bị đánh bom bằng máy bay không người lái hàng ngày, và chúng tôi đã phải đối phó với chúng trong suốt một năm rưỡi vừa qua. Hệ thống Slinger mang lại khả năng xác định hạ gục mục tiêu di chuyển đặc biệt, cho phép chúng tôi đánh chặn máy bay không người lái”.
Slinger được chuyển tới Ukraine
Tại Queanbeyan và Thủ đô Australia (ACT), EOS lắp ráp camera, laser và các bộ ổn định giúp hệ thống theo dõi mục tiêu hoạt động trơn tru. 85% các bộ phận có nguồn gốc từ Australia.
Các sản phẩm quốc phòng của công ty này gắn liền với nguồn gốc hàng không vũ trụ của họ. EOS từng đóng vai trò xác định và theo dõi vật thể nhỏ chỉ bằng đồng xu bay trong quỹ đạo trái đất cách mặt đất 36.000 km.
Công nghệ này có thể được ứng dụng trực tiếp vào theo dõi các vật thể nhỏ có vận tốc nhanh như máy bay không người lái.
Ông Jones cho biết: “Tại đây, chúng tôi đang sử dụng hệ thống theo dõi và thuật toán ổn định đã sử dụng để theo dõi vật thể trong không gian”.
Mười hệ thống Slinger đang được lắp ráp tại ACT và được kỳ vọng sẽ chuyển tới Ukraine trước cuối năm nay dưới dạng một phần trong gói viện trợ quân sự của chính phủ Mỹ.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng cho biết, chính phủ Australia cam kết sẽ hoàn thành trách nhiệm đóng góp cho Ukraine hiện tại, nhưng không có kế hoạch đưa các hệ thống Slinger vào gói viện trợ quân sự của Australia trị giá 710 triệu USD cho Ukraine.
Ông Ryan tin rằng Ukraine cần mọi hệ thống chống máy bay không người lái nhằm đối phó với thực tại mới trong chiến tranh hiện đại.
“Đây là cơn bùng nổ mới về sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh. Đây là quãng thời gian đổi mới và thích nghi căng thẳng nhất mà chúng tôi từng chứng kiến. Mọi thứ có thể còn chưa kết thúc”.
Nguyễn Quang Minh (theo ABC News)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ke-huy-diet-may-bay-khong-nguoi-lai-slinger-da-toi-ukraine-a629246.html