Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 7142/BKHĐT-QLKTTW của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Báo cáo về việc rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Theo VCCI, về cơ bản, Dự thảo đã nêu bật được những vấn đề tồn tại của các quy định về điều kiện kinh doanh. Những kiến nghị, đề xuất tại Dự thảo là hợp lý.
Tuy nhiên, để Dự thảo phản ánh được bao quát, toàn diện hơn những vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh, VCCI đề nghị cân nhắc, xem xét một số vấn đề.
Về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Bên cạnh những vấn đề nêu trong Dự thảo, ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 còn có một số vấn đề sau:
Thứ nhất, một số ngành nghề không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh vì đã có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn.
Về mặt logic, điều kiện kinh doanh là điều kiện ràng buộc, hạn chế và kiểm soát chủ thể kinh doanh. Vì thế công cụ “điều kiện kinh doanh” chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh có thể tác động đến trật tự công (ví dụ: đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: yếu tố trình độ của người khám bệnh là rất quan trọng, vì tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, do đó cần phải kiểm soát ngay từ đầu, trước khi các chủ thể này thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh).
Đối với những trường hợp mà bản thân quá trình sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh không tác động đến các lợi ích công cộng nhưng các sản phẩm, hàng hóa là kết quả của quá trình đó lại có thể tác động đến lợi ích công cộng thì phương pháp quản lý thích hợp (và đang áp dụng) là các giới hạn kỹ thuật tối thiểu mà sản phẩm, hàng hóa đó (thường thể hiện bằng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật) buộc phải đáp ứng nếu muốn tiêu thụ tại thị trường. Hiện tại, trên thị trường có các tổ chức chứng nhận sự phù hợp, đây là các tổ chức được cấp phép để thực hiện các hoạt động chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Như vậy, với việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật (kiểm soát những rủi ro của hàng hóa có thể tác động đến lợi ích công cộng) và đảm bảo sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa thông qua sự xác nhận của các tổ chức chứng nhận, Nhà nước có thể kiểm soát được những tác động tới lợi ích công cộng của hoạt động kinh doanh thay vì ban hành các điều kiện kinh doanh đối với các chủ thể.
Hoặc có những loại dịch vụ, nhà nước cấp phép cho từng lần cung cấp dịch vụ, có nghĩa là kiểm soát tuyệt đối mức độ tác động đến lợi ích công cộng của hoạt động kinh doanh, vì vậy việc áp đặt điều kiện kinh doanh đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ là không có nhiều ý nghĩa.
Đối với những hàng hóa, dịch vụ không có quy chuẩn kỹ thuật/tiêu chuẩn kỹ thuật và các sản phẩm, hàng hóa này có những tác động nhất định đến trật tự công, trong một số trường hợp, yêu cầu về điều kiện đối với các chủ thể kinh doanh thường không mang đến hiệu quả kiểm soát tốt hơn/có ý nghĩa so với các biện pháp quản lý khác như đặt ra các yêu cầu nhất định đối với các sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông thị trường; quy định các nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình kinh doanh; quy định các chế tài đủ mạnh có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm…
Đối với các ngành nghề này, việc áp đặt điều kiện đối với chủ thể kinh doanh, nói cách khác, xác định là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là biện pháp quản lý quá mức cần thiết và không phù hợp, do đó cần loại bỏ ra khỏi Danh mục.
Rà soát Danh mục tại Phụ lục IV Luật Đầu tư, có một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, bởi vì đã được quản lý bởi các biện pháp quản lý khác.
Cụ thể, đối với kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa, các quy định của pháp luật hiện hành hiện đã kiểm soát rất chặt chẽ ở khâu “sản phẩm cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng”, ví dụ: phương tiện thủy nội địa sau khi được đóng mới phải được đăng kiểm để cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; trong quá trình hoạt động, các phương tiện thủy nội địa phải định kỳ đăng kiểm và có thể bị kiểm tra bất thường, … Việc đăng kiểm, kiểm tra dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật.
Vì vậy, phương tiện thủy nội địa dù được đóng mới, sửa chữa ở cơ sở nào thì việc kiểm soát chất lượng của phương tiện đó (để bảo đảm lợi ích công công liên quan) vẫn hoàn toàn phải căn cứ vào việc kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho từng phương tiện một.
Do đó, việc kiểm soát bằng cách đặt điều kiện kinh doanh cho chủ thể đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa hầu như không có ý nghĩa, không cần thiết. Vì vậy, không nên xác định hoạt động “dịch vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa” là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Đối với kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển (Mục 93), có tính chất tương tự như lập luận đối với “kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa”.
Đối với kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu (Mục 212), theo quy định pháp luật hiện hành, thì cơ chế quản lý đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuận, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu là cấp phép cho từng hoạt động, Nhà nước sẽ xem xét nội dung cũng như hình thức tổ chức để quyết định cho phép hay là không. Đồng nghĩa mỗi khi doanh nghiệp tổ chức hoạt động cụ thể nào sẽ phải thực hiện thủ tục cấp phép cho hoạt động đó, bản thân doanh nghiệp không phải đáp ứng điều kiện hoạt động nào.
Đây là hình thức quản lý phù hợp và hiệu quả, với mục tiêu kiểm soát các hoạt động có ảnh hưởng đến văn hóa, tư tưởng, thuần phong mỹ tục.
Như vậy, việc xác định biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện – tức áp đặt điều kiện đối với chủ thể kinh doanh là chưa phù hợp với phương thức quản lý hiện tại và chưa hợp lý.
VCCI đề nghị bổ sung vào Dự thảo nội dung trên.
Thứ hai, phạm vi của ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục quy định chung, vì vậy phạm vi của ngành nghề này là rất rộng. Điều này dẫn tới tình trạng, cơ quan quản lý sẽ xác định nhiều “ngành nghề con” khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi các “ngành nghề con” này không cần kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh.
Ví dụ: “kinh doanh vàng” được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục IV Luật Đầu tư. Trong ngành nghề này có “kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vàng trang sức thủ công mỹ nghệ được xem là loại hàng hóa thông thường. Kinh doanh loại hàng hóa này không tác động đến lợi ích công cộng như các loại vàng khác trong cùng nhóm “Kinh doanh vàng”. Bản thân các điều kiện kinh doanh của kinh doanh vàng, trang sức, thủ công mỹ nghệ cũng không có tính đặc thù về một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì không rõ về mục tiêu quản lý và Nhà nước muốn quản lý gì đối với ngành nghề này.
Trong quá trình thực thi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã nhiều lần kiến nghị về việc loại bỏ hoạt động kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Từ đó, VCCI đề nghị bổ sung vào Dự thảo về việc đánh giá phạm vi của các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, trong đó thu hẹp lại phạm vi của một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ví dụ như “kinh doanh vàng”, cần loại “kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ” ra khỏi phạm vi của “kinh doanh vàng”.
Về điều kiện kinh doanh
Các nội dung về điều kiện kinh doanh tại Dự thảo, nhìn chung đã thể hiện được những bất cập, vướng mắc về điều kiện kinh doanh hiện này. Tuy nhiên, một vấn đề khá là quan trọng liên quan đến điều kiện kinh doanh chính là thẩm quyền ban hành điều kiện kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020, Bộ, cơ quan ngang Bộ không được quyền ban hành về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, theo rà soát sơ bộ của VCCI, tình trạng các thông tư ban hành điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại khá nhiều (ví dụ: các thông tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng). Việc thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ dẫn tới tình trạng điều kiện kinh doanh không được kiểm soát chặt chẽ và khiến môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi hơn.
VCCI đề nghị bổ sung vào Dự thảo về tình trạng thông tư ban hành điều kiện kinh doanh.
Về nguyên tắc chung khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh có điều kiện đưa vào Danh mục của Luật Đầu tư
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư: “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Quy định này đã đặt ra mục tiêu quản lý nhà nước của ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh. Vì vậy, khi cơ quan quản lý nhà nước ban hành điều kiện kinh doanh, hoặc lựa chọn ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần phải xác định ít nhất các vấn đề sau: ngành nghề đó tác động tới lợi ích công cộng nào? Quy định điều kiện kinh doanh liệu có kiểm soát được những nguy cơ, rủi ro mà ngành nghề đó tác động tới các lợi ích công cộng đó không?
Trên thực tế, việc xác định một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay, các cơ quan soạn thảo chính sách thường ít khi giải trình với mục tiêu quản lý “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” vì vậy, nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh chưa phù hợp.
VCCI đề nghị bổ sung vào Dự thảo nguyên tắc chung khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi đưa vào Danh mục của Luật Đầu tư là các cơ quan soạn thảo phải giải trình về mục tiêu quản lý đối với ngành đấy là nhằm hướng tới “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Tuệ Minh
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vcci-kien-nghi-bo-vang-trang-suc-khoi-muc-kinh-doanh-co-dieu-kien-a626897.html