Cái ý thức về thời gian: “lúc này, ở đây” với “lúc này, ở kia” và “lúc này, ở nhiều nơi khác”, “lúc này, của tôi” với “lúc này, của anh” và “lúc này, của nhiều người khác” là ý thức chủ đạo trong tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhan đề “Nhật ký người xem đồng hồ”. Nó được biểu thị một cách hiển ngôn ở phần phi lộ, “Thay lời mở” của tập thơ: “Mỗi chúng ta có cùng thời gian nhưng ở những không gian khác nhau và những sự kiện khác nhau. Và thế, tôi chỉ là người của không gian ấy và không thuộc vào một không gian khác trong cùng một thời gian. Vì thế mà tôi vừa là tất cả nhưng cũng chỉ là một nhỏ bé trong vô vàn rộng lớn”.
Ý thức ấy cũng được biểu thị bằng những từ chỉ thời gian nằm ngay trong tên của các bài thơ (Sáng chủ nhật, Lúc 4:11’, 0h17 phút, Một ghi chép tháng Sáu, Đau lúc gần sáng, Đêm tháng Bảy, 1:53 ngày 4 tháng 3 năm 2018 v.v…) và bằng việc ở mỗi bài thơ tác giả đều không quên ghi năm, tháng, thậm chí có thể còn chi tiết đến tận ngày, giờ, phút mà nó ra đời.
Một tập thơ mà thời gian hầu như là nhân vật chính duy nhất, và nó biến tất cả những người, những vật, những việc còn lại trở thành các vai phụ. Một tập thơ mà ý thức về thời gian choán toàn bộ suy tư lẫn cảm hứng của nhà thơ. Điều đó có ý nghĩa gì?
Với riêng tôi, điều đó nói lên rằng nhà thơ đang trải nghiệm sự sống trong từng bước đi âm thầm của thời gian, từng chuyển động vi tế nhất khi thời gian nhích lên, chỉ thoáng chốc đã biến cái đang hiện hữu thuộc về thì quá khứ. Cái trải nghiệm sự sống ấy tùy thuộc mỗi cá nhân, là tài sản riêng tư nhất mà cá nhân có thể sở hữu, nó chính là minh chứng cho sự tồn tại độc lập và duy nhất của mỗi người.
Chẳng hạn, cái khoảnh khắc 4:11’ là độc lập và duy nhất đối với tôi, tôi hiện diện trọn vẹn trong tôi và vì thế tôi không hiện diện trong cái khoảnh khắc 4:11’ của người khác: “Đồng hồ trên tay tôi/ 4:11’/ Tôi nhận một lời khen/ Và lần đầu tôi biết/ Tột cùng của sự xấu hổ/ Khi tôi rời căn phòng/ Một kẻ bắn thủng gáy tôi/ Bằng hai hốc mắt/ Đồng hồ trên điện thoại người bên cạnh/ 4:11’/ Không có tôi ở đó” (Lúc 4:11’).
Lẽ dĩ nhiên, sự sống trong thời gian – bởi ta không thể quan niệm về một sự sống ngoài thời gian – không chỉ là cái sống, mà còn là âm bản của nó: cái chết. Cái chết và cái sống đối lập nhau nhưng liên tục chuyển hóa lẫn nhau để tạo nên dòng chảy miên miễn của sự sống.
Nói cách khác, với Nguyễn Quang Thiều, cái chết chẳng qua chỉ là một dạng khác của sự sống mà thôi, nên trong thơ ông cái chết không hề có nghĩa là chết cứng, tắt lặng, bất động: “Dưới đám mây mùa đông/ Những ngôi nhà chìm một nửa vào đất/ Bên bếp lửa ấm/ Một người đã chết/ Trở về kể tiếp câu chuyện/ Và trên một đám mây ngũ sắc/ Làm bằng quần áo và khăn/ Một người đàn ông và một người đàn bà/ Làm tình cả khi đã chết” (Mây ngũ sắc).
Hoặc, vào lúc 4:33’ ngày đưa tro cốt họa sỹ, dịch giả Phạm Long Quận về quê Tứ Kỳ, Hải Dương, Nguyễn Quang Thiều không khóc một người sống đã bị cái chết cướp đi, mà dường như ông chung vui với cái sống riêng khác của một người đã chết: “Quận lên đường rất sớm/ Chuyến về quê cuối cùng/ Quận đắm mê đang nói/ Lời trôi trên thời gian/ Hai bàn tay đưa lên/ Hai cành cây đang mọc/ Đôi mắt Quận khép lại/ Gương mặt thì mở ra/ Hoa đang nở trái mùa/ Trên cánh đồng tóc Quận…” (Phạm Long Quận lúc 4:33’). Về phương diện này, Nguyễn Quang Thiều là một đối lập với Xuân Diệu, người luôn vội vàng cuống quýt trước bước đi của thời gian bởi đã hình dung thời gian chỉ như là cái chết gặm mòn sự sống.
Dù vậy, ở tập thơ này, cũng như ở hàng loạt tập thơ trước đó, Nguyễn Quang Thiều vẫn tự bộc lộ như một người thơ chịu lực hút chủ đạo từ phía dương bản của sự sống, tức là cái sống, hơn là từ phía âm bản của sự sống, tức cái chết. Hiện thể rực rỡ nhất của cái sống không gì bằng đứa trẻ sơ sinh, trạng thái “anh nhi” của con người mà “Đạo Đức kinh” từng nhắc đến: một cái sống mới xuất hiện và đang đòi quyền được nhập vào dòng chảy của sự sống bất tận.
Vì vậy, không lạ khi Nguyễn Quang Thiều đã viết một tụng ca thực sự về cái ngày mà cháu ngoại mình cất tiếng khóc chào đời: “Ngày Kya ra đời/ Tôi nghe tiếng khóc trẻ sơ sinh/ Nhưng không, đấy là giọng Kya/ Đang vang lên đọc bản Tuyên ngôn/ Về sự sống/ Khi đôi mắt Kya mở ra/ Bầu trời ngập tràn ánh sáng/ Khi giọng Kya vang lên/ Trong các vòm cây chim hót/ Khi tay Kya xòe ra/ Những cánh đồng hoa bùng nở/ Và khi Kya ngậm bầu bú mẹ/ Có những dòng sông ngủ quên trong đất/ Gió thức dậy và tuôn chảy…” (Ngày Kya ra đời).
Hình tượng đứa trẻ đọc bản tuyên sự sống bằng tiếng khóc chào đời còn xuất hiện thêm một lần nữa, khi Nguyễn Quang Thiều viết về những người Hazara đang chịu đau khổ đọa đày ở Afghanistan: “Nhưng từ bóng tối dày đặc tưởng không thể xóa được/ Vang tiếng khóc trẻ sơ sinh/ Một công dân mới của dân tộc Hazara/ Với hai bàn tay nhỏ xíu nắm giữ quyền lực của sự sống/ Và đôi mắt trong vắt mở to/ Nhìn thẳng vào bóng tối/ Đang phủ kín dân tộc mình… Và đêm qua một đứa trẻ Hazara được sinh ra/ Để đọc bản tuyên ngôn bất diệt của dân tộc mình thêm một lần nữa” (Một đứa trẻ đọc bản tuyên ngôn).
Ngoài đứa trẻ được sinh ra và cất tiếng khóc chào đời, trong thơ Nguyễn Quang Thiều còn có nhiều hành động khác, cũng mang ý nghĩa biểu thị sự chuyển dịch trong thời gian và là biểu tượng của sự sống đang trỗi dậy. Như khi ông viết về một người đàn bà dậy muộn: “…Thịt da như là quả/ Ngọt dần trong tiếng người/ Mật từ trong bóng tối/ Chảy qua miền mê man/ Chăn gối tan như sương/ Người đàn bà ngủ muộn/ Thức dậy như hoa nở/ Ngày đầu xuân trong vườn” (Dậy muộn).
Như khi ông viết về một người mở cửa buổi sáng: “…Ngày cuối của mùa đông/ Đã lên đường rất sớm/ Gửi lại trên cánh đồng/ Dải khói mờ tháng Chạp/ Và một người mở cửa/ Cười trong hoa góc vườn/ Ngôi nhà vừa nhóm lửa/ Mùa đã về reo vang” (Người mở cửa buổi sáng).
Chú ý: hai bài thơ tôi vừa trích dẫn là hai bài thơ năm chữ, có hình thức rất truyền thống, nhịp nhàng, uyển chuyển, nội dung tươi tắn trong sáng như nụ cười vui trên gương mặt người. Hình như cứ ở thể thơ năm chữ là Nguyễn Quang Thiều lại gột sạch mọi u uẩn đã đoan để trở về với sự đơn nhất nồng ấm. Bài thơ về họa sỹ, dịch giả Phạm Long Quận cũng vậy.
Đặc biệt, ở bài thơ có tên “Con chuột” mà Nguyễn Quang Thiều viết tặng nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, cái nhìn “cái sống hóa” của nhà thơ đã thổi hồn vào tất cả những vật vô tri, khiến chúng bừng thức, trở nên sinh động và sống như hòa lẫn với cái sống của chủ thể đang được quan sát: “Nàng đang nói/ Những bông hoa in trên áo nàng/ Từ từ nở/ Và con chim xanh đậu trên cành ở vai áo phải/ Đập cánh, hót vang và chuyền sang cành ở vai áo trái/ Nàng đang nói/ Những chiếc cúc đỏ áo nàng/ Rung rinh chùm quả/ Mùi thơm của mỹ phẩm/ Hay hương quả chín...” (Con chuột).
Và nhiều khi, ngay lúc nhìn vào cái sống, tức dương bản của sự sống, ông cũng đồng thời nhận diện âm bản của nó, tức cái chết. Vì thế, trong nhiều bài thơ của Nguyễn Quang Thiều luôn có sự đồng tồn tại của những hình ảnh tương phản. Đây là một ví dụ khá rõ về sự tương phản, giữa: “Như một nghi lễ/ Một kẻ trồng những khóm hồng/ Bằng những dụng cụ làm vườn rất đẹp/ Khóm hồng trổ hoa/ Kẻ đó làm nghi lễ cắt những bông hồng/ Trong một sáng Chủ nhật”, với: “Lúc đó trên cánh đồng rộng lớn/ Một người trồng hoa khác/ Như một kẻ điên/ Đang nhổ từng khóm hồng/ Để tìm một người/ Bị giết trong đêm tối/ Xác vùi dưới một khóm hoa” (Người trồng hoa).
Xét về chủ đề, đề tài hay những motif hình tượng – tức những yếu tố có thể tạm xếp vào phạm trù “cái được viết” – tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ” của Nguyễn Quang Thiều cung cấp cho ta một danh sách cực kỳ phong nhiêu. Ông viết về những người thân trong gia đình mình (cha, mẹ, các con, cháu), ông viết về bạn bè, những người còn sống hoặc đã qua đời, ông viết về cố hương và những miền đất lạ, ông viết về đô thị với những văn phòng công sở và viết về nông thôn với những cánh đồng và mùa màng của nó, ông viết về cuộc sống hàng ngày và cuộc sống trong những giấc mơ, thậm chí những cơn ác mộng v.v…
Những hình tượng hay trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Quang Thiều, ở tập thơ này, là những con cá, những cửa sổ, những cánh đồng và dòng sông, những con chim, những đám mây, những văn bản ngôn từ sống và chết, những văn bản ngôn từ trung thực hoặc xảo trá, những kim giờ kim phút kim giây trên mặt chiếc đồng hồ thời gian cụ thể hoặc trừu tượng… Tất cả đều là những biểu hiện của sự sống – hay là sự siêu việt của sự sống – trong từng khoảnh khắc mà nhà thơ ý thức được và luôn đón nhận, hân hưởng.
Mọi hạnh phúc và khổ đau trên cuộc đời này, với Nguyễn Quang Thiều, có lẽ đều hiện diện như là diễm phúc được sống, sống trong thời gian ở đây, lúc này, bình đẳng và khác biệt với những người khác.
Hoài Nam
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-xem-dong-ho-hay-la-ke-han-huong-su-song-a626574.html