Trao đổi với Báo tin tức, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch): Ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Từ khi bước vào giai đoạn phục hồi, Chính phủ có nhiều giải pháp phục hồi phát triển du lịch.
Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai phiên họp và sau đó có Nghị quyết 82 với 7 nhóm giải pháp quan trọng, bao gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Các nhóm nhiệm vụ được triển khai thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm với phương châm “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
“Thời gian qua, Hà Nội đã có những giải pháp đẩy mạnh thu khách. Trong 8 tháng năm 2023, Thủ đô đã phục vụ 13 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Dù vậy, số lượng như trên vẫn chưa xứng với tiềm năng. Do đó, để thu hút khách cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, điểm đến”, ông Nguyễn Trùng Khách đánh giá.
Đi vào đúng thị hiếu của khách
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng chia sẻ: Trước lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch, Hà Nội muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển, cần thiết phải đầu tư chuyên nghiệp các sản phẩm du lịch để thu hút và phát triển nguồn khách.
Bởi vậy, dù sản phẩm du lịch của Hà Nội tương đối đa dạng nhưng theo các công ty lữ hành, sản phẩm được xây dựng cần được định hình rõ ràng phục vụ cho từng đối tượng khách, với sự đầu tư bài bản, có chiều sâu. Bởi việc tạo ấn tượng, tạo cảm xúc cho khách sau mỗi lần trải nghiệm sản phẩm du lịch là cần thiết. Theo bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lữ hành quốc tế Kim Liên, khi xây dựng sản phẩm du lịch cần có mục tiêu phục vụ thị trường khách nào. Ngay cả sản phẩm du lịch văn hóa là thế mạnh, Hà Nội cũng cần xây dựng một cách cụ thể, đi vào đúng thị hiếu của khách.
Trong đó, sản phẩm du lịch đêm được nhiều người đặt ra vì phù hợp với đại bộ phận khách du lịch, đặc biệt đối với khách nước ngoài. Thực tế, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm chưa bài bản, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát đa phần chưa tạo sức hấp dẫn, sự liên kết giữa các đơn vị tổ chức chương trình với hãng lữ hành chưa cao. Vì vậy, điều cần thiết hiện nay cần có sự đầu tư bài bản, đi từ việc quy hoạch điểm du lịch đêm, trang trí đường phố, nâng cấp chất lượng sản phẩm.
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội – Hanoi Tourism cho rằng, các hoạt động du lịch đêm cần thiết phải tổ chức qua đêm mới thỏa mãn được nhu cầu của khách. Tuy nhiên, đa phần hoạt động du lịch đêm tại Hà Nội chỉ đến 24 giờ, dịp cuối tuần các quán bar, nhà hàng tại quận Hoàn Kiếm mở cửa đến 2 giờ sáng. Vì vậy, bà Nhữ Thị Ngần cho rằng, Hà Nội cần cởi mở hơn về vấn đề này.
Sản phẩm du lịch mùa Thu Hà Nội đang được nhiều công ty lữ hành quan tâm bởi vẻ đẹp của nó mang lại và một số đơn vị tổ chức Fototour mùa Thu. Mùa hè với đặc trưng sen hồ Tây và trải nghiệm làm trà sen được nhiều khách du lịch thích thú. Các doanh nghiệp du lịch cho rằng, Hà Nội cần phát triển tuyến xe điện du lịch nội đô để thu hút khách và cho rằng, những nước lân cận Việt Nam phục hồi du lịch nhanh cũng nhờ vào hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh đó, ngành cần mở rộng điểm du lịch ra các huyện ngoại thành để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp – nông thôn.
Phát triển các thị trường khách quốc tế tiềm năng
Năm 2022, khi Việt Nam hoàn toàn mở cửa du lịch sau đại dịch Covid-19, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 1,5 triệu lượt khách. Tám tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2,79 triệu lượt khách. Tuy có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với lượng khách quốc tế đến Hà Nội năm 2019, trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19.
Bên cạnh những thị trường khách truyền thống, các chuyên gia du lịch cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã đề cập đến thị trường khách tiềm năng hiện nay là khách Ấn Độ, khách Trung Đông. Nhưng đi liền với đó là các dịch vụ du lịch phục vụ đối tượng khách này cần phải quan tâm, nhất là các nhà hàng ăn uống, nhân lực phục vụ khách.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội cho biết, đối với thị trường khách Ấn Độ, ngành Du lịch cần tìm những người có sức ảnh hưởng lớn, có mối liên hệ mật thiết với đất nước Ấn Độ để làm đại sứ du lịch nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến, thu hút khách. Với thị trường Trung Đông, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, hình ảnh Việt Nam đang được lan tỏa đến người dân khu vực này. Nhất là ngày Quốc khánh 2/9, hình ảnh quốc kỳ Việt Nam đã được thắp sáng tại tòa tháp cao nhất thế giới Khalifa ở Dubai. Vì vậy, các hoạt động xúc tiến du lịch, thu hút khách sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn.
Bên cạnh đó, một số thị trường khách trong khu vực ASEAN như: Indonesia, Philippines cũng cần tập trung thu hút, bởi việc đi lại giữa các quốc gia này khá thuận lợi khi đã có đường bay thẳng và chính sách miễn visa giữa các quốc gia trong khu vực. Riêng đối với thị trường khách Hàn Quốc, trước kia luôn đứng ở vị trí cao trong các thị trường khách quốc tế đến Hà Nội nhưng hiện nay, với đường bay thẳng từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng, Nha Trang, thị trường khách này đang dịch chuyển về hai địa phương trên. Vì vậy, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, Hà Nội cần quan tâm hơn vấn đề xúc tiến du lịch thị trường này.
Công tác xúc tiến du lịch để thu hút các thị trường khách cũng được đặt ra khi mà thời gian qua, thành phố Hà Nội chưa dành nguồn lực tương xứng cho việc này, quảng bá điểm đến tại thị trường nước ngoài chưa nhiều. Các doanh nghiệp cho rằng công tác quảng bá cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp để vừa thúc đẩy quảng bá điểm đến, quảng bá sản phẩm du lịch.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thành phố Hà Nội đang quy hoạch phát triển hai thành phố trực thuộc, là thành phố phía Bắc lấy khu vực Bắc sông Hồng: Mê Linh – Đông Anh – Sóc Sơn; thành phố phía Tây gồm: Hòa Lạc – Xuân Mai và 5 trục động lực không gian phát triển. Đối với khu vực thành phố phía Bắc sông Hồng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để phát triển, sẽ mở ra cơ hội lớn cho du lịch Hà Nội. Với các thành phố trực thuộc, Hà Nội sẽ quy hoạch phát triển khu thương mại, dịch vụ, có thể hoạt động du lịch qua đêm (over night).
Năm trục không gian Hồ Tây – Ba Vì, Hồ Tây – Cổ Loa, Hồ Tây – Cổ Loa, Nhật Tân – Nội Bài và trục không gian cụm du lịch tâm linh Mỹ Đức – Hà Nam và quy hoạch sân bay quốc tế thứ 2 tại Hà Nội sẽ đưa vào quy hoạch chung của Thủ đô. Với trục không gian sông Hồng, Sở Du lịch đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các địa phương xây dựng thí điểm mô hình du lịch sông Hồng, kết nối điểm du lịch di sản hai bên bờ sông Hồng.
Thông tin thêm với Báo Tin tức, bà Đặng Hương Giang cho biết: Sở Du lịch đang phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội để triển khai quy hoạch du lịch Thủ đô, trên cơ sở quy hoạch cũ, sẽ bổ sung các vấn đề mới để phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp. Thành phố Hà Nội rất quan tâm đến phát triển du lịch, lấy lõi nội đô là du lịch văn hóa lịch sử. Những vùng động lực mới sẽ phát triển các loại hình du lịch phù hợp để thu hút ngày càng nhiều hơn khách đến với Thủ đô.
Thủ đô sẵn sàng cho mùa du lịch cuối năm
Để chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch cuối năm, ngành du lịch Thủ đô đã chuẩn bị ra mắt nhiều sự kiện, sản phẩm mới. Mở màn là Lễ hội Thu Hà Nội với chủ đề “Thu Hà Nội – Đến để yêu” diễn ra từ ngày 29/9 đến 1/10 tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô. Riêng tại khu vực phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch và nhà Bát Giác sẽ có khoảng 150 gian hàng, trong đó có khu vực giới thiệu các sản phẩm du lịch, điểm đến như không gian “Sắc hoa mùa thu”, “Vườn ánh sáng” được thiết kế bằng sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, hay không gian “Quà tặng mùa thu”…
Không đơn thuần là những gian hàng trưng bày, Lễ hội Thu Hà Nội tạo khác biệt với chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn như: Tái hiện đám cưới xưa và nay tại sân khấu và phố Đinh Tiên Hoàng; hoạt động dân vũ, khiêu vũ thể thao; trình diễn thời trang áo dài; hoạt động diễu hành của thiếu nhi, triển lãm tranh thiếu nhi; diễu hành xích-lô du lịch, xe đạp… trên các con phố Hà Nội.
Không chỉ diễn ra trong nội đô, Lễ hội Thu Hà Nội 2023 còn có các hoạt động tại nhiều địa phương như: Diễu hành, trình diễn múa lân sư rồng của huyện Thanh Oai, rước đèn Trung thu của thị xã Sơn Tây; trình diễn diều của huyện Đông Anh, sắp đặt hoa của huyện Mê Linh, trình diễn rối cạn Tế Tiêu của huyện Mỹ Đức…
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, mùa thu là thời điểm đẹp nhất trong năm của Hà Nội, cũng là “mùa vàng” thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Lễ hội Thu Hà Nội 2023 được tổ chức ở cả khu vực nội thành và ngoại thành, tạo điều kiện cho du khách tham quan, khám phá những địa danh nổi tiếng, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Thủ đô, góp phần hiệu quả tăng lượng khách quốc tế đến Hà Nội.
Cũng trong dịp này, thành phố Hà Nội giới thiệu không gian ẩm thực tại Cung Văn hóa Thiếu nhi (Số 59, phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm). Không gian diễn ra sự kiện sẽ được chia thành các không gian trưng bày, biểu diễn ẩm thực truyền thống, tái hiện những món ăn truyền thống của Hà Nội như: Bún thang, chả cá Lã Vọng, bún ốc nguội, xôi Phú Thượng, ô mai, bánh mì… và các gian hàng giới thiệu những nhà hàng được thương hiệu Michellin vinh danh.
Sau Lễ hội Thu Hà Nội, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội sẽ được tổ chức từ ngày 6 đến 8/10 tới tại không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông – Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng). Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Hội thảo “Sản xuất và phát triển quà tặng du lịch Hà Nội” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật; không gian giới thiệu sản phẩm du lịch với khoảng 70-80 gian hàng; trong đó có tám không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm quà tặng cao cấp, tinh xảo, độc đáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm quà tặng du lịch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch sẽ giới thiệu các sản phẩm quà tặng với giá khuyến mãi; trưng bày các hoạt động kinh doanh du lịch, khách sạn; hoạt động của các hãng hàng không; khu trải nghiệm, khu ẩm thực, chương trình biểu diễn nghệ thuật… Ban tổ chức cũng tạo tiểu cảnh về làng mây tre Phú Vinh, làng quạt Chàng Sơn, làng lụa Vạn Phúc, làng chuồn chuồn Thạch Xá, gốm Bát Tràng để khách du lịch thỏa sức khám phá, chụp ảnh “check-in”…
Hương Anh (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-thuc-day-phat-trien-du-lich-a625877.html