Sau kỳ nghỉ lễ, thị trường diễn biến sôi động nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư liên quan tới Thông tư 06 và thông tin Tổng thống Mỹ Biden sắp thăm Việt Nam. Tuy vậy, đà tăng điểm sớm gặp thách thức khi chỉ số VN-Index tiến đến đỉnh cũ hồi tháng 8 tại vùng 1.240-1.250 điểm.
Chỉ số chung điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần khi gặp kháng cự, tuy nhiên các nhóm ngành thép, chứng khoán, vận tải, hóa chất, dầu khí và xuất khẩu vẫn luân phiên tăng điểm nhờ kỳ vọng vào câu chuyện hồi phục cuối năm nay. VN-Index chốt tuần tăng 17,4 điểm tương đương tăng 1,4% so với tuần trước đó.
Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index tăng 2,6% lên mức 256,2 điểm và chỉ số UPCoM-Index tăng 1,5% lên mức 94,7 điểm. Thanh khoản thị trường hồi phục đáng kể sau kỳ nghỉ lễ với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 27.682 tỷ đồng, tăng 19,6% so với tuần trước đó.
Khối ngoại bán ròng 843 tỷ đồng, tăng 508% so với tuần trước đó trên HoSE trong khi đó mua ròng nhẹ trên HNX 109 tỷ đồng, tăng 124% so với tuần trước đó và bán ròng 28 tỷ đồng trên UPCoM. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 763 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam và ông Đinh Quanh Hinh – Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đều đưa ra nhận định rằng khả năng cao thị trường sẽ mở rộng đà tăng trong tuần giao dịch này.
Người Đưa Tin: Dù vẫn còn những phiên điều chỉnh nhưng một số nhóm ngành như thép, chứng khoán vẫn luân phiên tăng điểm cùng thanh khoản hồi phục, theo ông thị trường sẽ còn diễn biến lình xình đến khi nào?
Ông Nguyễn Thế Minh: Trong tuần vừa qua, khi chỉ số VN-Index vượt qua mức đỉnh của tháng 8 và có diễn biến lình xình quanh vùng này, tôi cho rằng tình trạng này sẽ ko kéo dài quá lâu và chỉ số sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới.
Bởi nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ đang có dấu hiệu chững lại, còn nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa lại thu hút dòng tiền tốt, gần đây dẫn dắt thị trường đi lên hầu như là nhóm này như bất động sản, chứng khoán.
Theo tôi trong tuần tới, khả năng cao thị trường sẽ mở rộng đà tăng, những nhịp điều chỉnh này là hợp lý khi thị trường quay về lại vùng đỉnh ngắn thường sẽ có điều chỉnh, đồng thời thị trường cũng đã có phiên tăng điểm liên tiếp, cho nên nhịp điều chỉnh để retest lại vùng kháng cự vượt qua trước đó. Theo tôi, hiện tại chưa có các rủi ro đáng kể.
Ngoài ra còn có sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden qua thăm Việt Nam. Theo thống kê, sau thời điểm Tổng thống Mỹ qua Việt Nam, thị trường chứng khoán thường phản ứng tích cực, mở rộng đà tăng hơn.
Ông Đinh Quang Hinh: Nhờ chuỗi tăng điểm tích cực trước và sau nghỉ lễ, chỉ số VN-Index đang tiếng vào vùng đỉnh cũ 1.240-1.250 điểm. Trong tuần tới, thị trường có thể đón nhận một số thông tin hỗ trợ liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Có một thống kê khá thú vị là trong những lần Tổng thống Mỹ sang Việt Nam trước đây thì thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tích cực.
Điều này là do những kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm. Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Đồng thời, Mỹ cũng hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 vào Việt Nam.
Trong chuyến thăm lần này, sẽ có nhiều doanh nghiệp của Mỹ tháp tùng và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như Boeing, Google, Walmart,…
Những thông tin này sẽ hỗ trợ tích cực cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, và các ngành có tỉ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ như thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường vẫn đang chịu áp lực liên quan tới vấn đề tỉ giá.
Người Đưa Tin: Khi định giá thị trường không còn rẻ, nhà đầu tư nên có chiến lược thế nào để bảo toàn danh mục đầu tư, theo ông?
Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng khi nhìn vào định giá sẽ thường có sự so sánh, tuy nhiên mức P/E để chúng ta nhìn vào trong hoàn cảnh nền kinh tế đang rất xấu, hoặc để so với các thị trường Đông Nam Á khác.
Còn theo tôi, khi so sánh lợi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đến 1 năm so với mức P/E của VN-Index thì mức hiệu suất này đang giảm. Một phần do lãi suất tiết kiệm giảm, và kỳ vọng EPS của các doanh nghiệp thời điểm cuối năm có khuynh hướng tăng trưởng trở lại.
Tôi cho rằng định giá tăng lên nhưng hiện tại thị trường vẫn còn dư địa để tăng, chưa đến mức quá đắt trong giai đoạn này.
Về nhóm ngành khuyến nghị, tôi nghĩ nhà đầu tư nên nhìn vào câu chuyện tăng trưởng của mỗi nhóm trong thời gian tới chứ không phải tình hình định giá, đơn cử như nhóm bất động sản, chứng khoán đang có diễn biến dẫn dắt toàn thị trường.
Đây là hai nhóm có tính dẫn dắt xu hướng thị trường. Hoặc nhóm dịch vụ dầu khí có mức tăng trưởng dài hơi hơn, liên quan đến dự án Ô Môn. Giai đoạn này tôi cũng kỳ vọng nhóm xuất khẩu khả quan hơn so với nửa đầu năm 2023 và so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đinh Quang Hinh: Trong bối cảnh tỉ giá tăng, áp lực lạm phát quay trở lại trong những tháng cuối năm thì dư địa chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước có thể bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, P/E của chỉ số VN-Index hiện đã lên mức 14,8 lần, không còn rẻ như giai đoạn đầu năm.
Trong bối cảnh định giá không còn rẻ, nhà đầu tư nên chiến lược linh hoạt hơn ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư lưu ý duy trì tỉ trọng danh mục ở mức cân bằng (khoảng 70% cổ phiếu) và hạn chế sử dụng đòn bẩy.
Nếu chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên ngưỡng cao hơn là vùng quanh 1.280 điểm thì có thể cân nhắc chốt lời 1 phần và chờ đợi điều chỉnh để mua lại. Ngược lại, nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm thì có thể tận dụng cơ hội gia tăng tỉ trọng danh mục cổ phiếu.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-119-thi-truong-tich-cuc-tu-su-kien-ngoai-giao-a625754.html