Thị trường biến động, xuất khẩu cá tra tìm đường vượt khó
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin xuất khẩu cá tra 7 tháng đầu năm ước tính đạt 1 tỷ USD.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, chiếm hơn 30% thị phần, tương đương 337 triệu USD nhưng lại giảm 58% so với cùng kỳ 2022.
Mỹ là thị trường lớn thứ 2, chiếm 16% tỉ trọng, tương đương 162 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Đức và Singapore là 2 thị trường ghi nhận tăng trưởng dương về giá trị ở mức lần lượt là 32% và 3%.
Báo Người Lao Động dẫn nguồn VASEP, nửa cuối năm 2023, tỉ lệ sụt giảm sẽ thu hẹp dần so với cùng kỳ do thị trường bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn.
Nếu theo kịch bản lạc quan, thị trường tiến triển thuận lợi, nông dân và doanh nghiệp có nguồn vốn tốt để duy trì sản xuất thì xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,77 tỷ USD.
Trao đổi với báo Công Thương, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Trường Giang, cho biết: hiện công ty có 3 xưởng chế biến, tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, các thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm đều giảm sâu, nhất là thị trường Mỹ, Trung Quốc; khiến lượng tồn kho của doanh nghiệp cá tra rất lớn, cá dưới ao cũng còn nhiều.
Xuất khẩu khó khăn khiến dòng tiền của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, lượng hàng tồn kho tăng cao dẫn đến chi phí bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp tăng cao. Riêng chi phí điện vận hành kho lạnh, bình quân mỗi tháng là khoảng 4 tỷ đồng.
“Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, doanh nghiệp chúng tôi rơi vào cảnh thiếu tiền mặt, vì hàng không xuất khẩu được nên ngân hàng không thực hiện giải ngân các khoản vay, dù có tài sản để thấp chấp”, ông Văn chia sẻ.
Tương tự, ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho biết, trung bình lượng đơn hàng xuất khẩu đã giảm khoảng 30% ở tất cả các thị trường, giá bán cũng rớt thê thảm. Đơn hàng, giá bán đều giảm, trong khi chi phí nuôi, chế biến và cả xuất khẩu đều tăng. Riêng giá thức ăn chiếm khoảng 70% giá thành sản xuất cá tra, nhưng đã tăng cao so với cùng kỳ; chi phí về kiểm soát chất lượng, logistics, lưu kho hàng tồn và cả chi phí tín dụng…, tất cả đều tăng, tạo áp lực lớn cho các đơn vị chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023 giảm 15%
Trước đó, tại Hội nghị An toàn Thực phẩm Chuỗi Sản xuất, Chế biến và Xúc tiến Tiêu thụ Sản phẩm Cá tra do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ. Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP dự báo tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ giảm 15%, ở mức xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, một kịch bản xấu hơn là có thể giảm từ 20 đến 25% kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào thị trường châu Âu đạt khoảng 88,4 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, thị trường Hà Lan là thị trường lớn nhất của Việt Nam giảm 29%.
Cũng theo Phó Tổng thư ký VASEP – Tô Tường Lan, dựa vào tình hình 7 tháng của năm 2023, chưa có dấu hiệu phục hồi nào rõ ràng cho thị trường xuất khẩu cá tra những tháng tiếp theo.
Một điểm bất thường là không phải sức mua mà là đơn đặt hàng từ các đối tác rất chậm tại tất cả các thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Đề cập về giá cá tra xuất khẩu, bà Tô Tường Lan cho biết, mặc dù quý 2 năm 2023, cá tra xuất khẩu đã có sự cải thiện về giá so với quý 1 năm 2023 nhưng giá xuất khẩu vẫn đi theo chiều hướng ngang. Theo đó, trong tháng 6, giá cá tra trung bình xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 3,5 USD/kg, giảm 21% so với tháng 6 và tiếp tục giảm 4% so với tháng 5.
Riêng giá cá tra vào Trung Quốc cũng đang giảm ở mức 2,2 USD/kg, giảm 13% so với tháng 6 và giảm 5% so với tháng 5/2023.
Mặc dù, đánh giá ngành hàng cá tra, đặc biệt là thị trường xuất khẩu không khả quan nhưng Phó Tổng thư ký VASEP cũng đưa ra “điểm sáng” khi thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam giảm thì riêng ở thị trường Đức đang tăng trưởng 39%, thị trường Anh tăng tương đối ổn định ở mức từ 2 đến 3%.
“Trong bối cảnh toàn bộ thị trường châu Âu rất trầm lắng thì thị trường Đức và Anh tăng trưởng là điều chúng ta cần suy nghĩ. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu sản phẩm nào từ cá tra đi vào được hai thị trường Đức và Anh; cách phân phối như thế nào để có sự tăng trưởng trong toàn bộ bức tranh của Châu Âu,,bà Tô Tường Lan khuyến nghị.
Kỳ vọng điểm sáng trong xuất khẩu cá tra
Thông tin thêm trên báo Công Thương, mặc dù thị trường những tháng đầu năm không mấy sáng sủa, song theo VASEP, điểm sáng trong bức tranh năm 2023 là việc xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ đang có tăng trưởng tốt. Đây được coi là niềm hy vọng của các doanh nghiệp cá tra khi đang gặp khó khăn tại các thị trường lớn truyền thống. Điển hình như xuất khẩu sang thị trường Đức tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; New Zealand tăng 17%; Thụy Điển tăng 25% hay xuất khẩu sang Phần Lan cao gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Huỳnh Đức Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cũng chia sẻ, các thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp này đã ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường EU trong tháng 7 vừa qua tăng 22% so với tháng 7/2022, sang Trung Quốc tăng 13% và sang các thị trường còn lại tăng 20%.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ giảm đang nhỏ dần cho thấy thị trường phục hồi trở lại.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhìn nhận, xuất khẩu cá tra chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhưng đang có dấu hiệu hồi phục tốt.
Để thị trường thủy sản phát triển, vừa qua, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương củng cố lại chuỗi cá tra và các doanh nghiệp hỗ trợ chuỗi cung ứng phải gắn với vùng nuôi ao nuôi và theo tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp để kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung.
Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường cần xây dựng kế hoạch triển khai điểm các chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn thực phẩm từ con giống, vùng nuôi sản xuất đến sơ chế, chế biến ở một số địa phương trọng điểm về nuôi cá tra như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ để thực hiện một số mô hình về chuỗi sản xuất.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/xuat-khau-ca-tra-gong-minh-vuot-kho-a625132.html