noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môTrái dừa xuất ngoại và mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD

    Trái dừa xuất ngoại và mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD

    Với việc Mỹ và sắp tới là Trung Quốc mở cửa thị trường, dừa Việt Nam đang tràn trề cơ hội sớm gia nhập nhóm trái cây xuất khẩu tỷ đô.

    Kỳ vọng giá bán tăng cao, ổn định

    Đầu tháng 9/2023, các doanh nghiệp đang phấn khởi đưa trái dừa xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Với thông tin dừa tươi được phép nhập khẩu thị trường Mỹ, ông Ngô Hữu Sự – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vạn Hưng (tỉnh Trà Vinh) cho hay, giá dừa khô trong nước hiện nay khoảng 60.000-70.000 đồng/chục (12 trái), giúp nông dân có lãi, nhưng giá thường thay đổi khó lường.

    Do đó, để phát triển bền vững nghề trồng dừa, mấy năm nay, HTX tích cực hỗ trợ xã viên trồng dừa bằng phương pháp thuần hữu cơ trên diện tích hơn 300ha, có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp.

    Ông Sự nói: “Dừa được trồng hữu cơ có giá bán cao hơn 15 – 20% so với giá thị trường. Về cơ bản, dừa này có thể xuất khẩu đi các nước, nên HTX đang tích cực xây dựng mã số vùng trồng, đồng thời mở rộng thêm khoảng 100ha nhằm cung ứng sản phẩm cho các đơn vị xuất khẩu sang Mỹ”.

    Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh có gần 26.000ha dừa, trong đó có hơn 5.000ha được trồng thuần hữu cơ, tập trung ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè.

    Kinh tế vĩ mô - Trái dừa xuất ngoại và mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD

    Theo thống kê, hiện các doanh nghiệp đã phát triển được gần 90 sản phẩm và khoảng 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa.

    Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre – nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với hơn 77.000ha đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa bền vững.

    Ông Huỳnh Quang Đức – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre thông tin, đến nay, Sở này đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, trong đó có vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác và 28 HTX tham gia liên kết với 9 doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng sản phẩm dừa, hình thành hàng trăm cơ sở sơ chế dừa, tạo việc làm cho nhiều người lao động.

    Nông dân Nguyễn Thị Liền – thành viên HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (tỉnh Bến Tre) chia sẻ: “Mấy năm qua, gia đình tôi canh tác dừa đạt chuẩn hữu cơ với diện tích 1,7ha. Toàn bộ dừa khô đều được HTX đến tận vườn thu hoạch rồi cung ứng cho doanh nghiệp với giá cao hơn giá thị trường nên nông dân rất yên tâm. Mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập khoảng 130 triệu đồng từ vườn dừa hữu cơ. Tới đây, khi trái dừa được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, giá sẽ còn cao hơn”.

    Ông Trần Quốc Ửng – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thới Thạnh cho biết, HTX có gần 160ha dừa hữu cơ với 85 thành viên. Năm 2022, doanh thu của HTX đạt hơn 11 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận của nông dân canh tác dừa hữu cơ cao hơn so với nông dân sản xuất theo lối truyền thống khoảng 12 triệu đồng/ha/năm.

    Rộng cửa cho kim ngạch xuất khẩu

    Theo các chuyên gia, việc Mỹ mở cửa đón nhận trái dừa tươi sẽ góp phần giúp giá dừa trong nước ổn định hơn, mang đến thu nhập tốt hơn cho bà con nông dân.

    Ông Dương Thọ, đại diện Công ty TNHH Dương Phát đánh giá: “Đặc thù của rau quả là công nghệ bảo quản, dự trữ, nhưng thời gian dài là không có. Khi các nước nhập khẩu quả tươi vào nhưng dùng không hết, người ta vẫn nhập mặt hàng mới, do đó mặt hàng khác có thể chững lại, nhưng rau quả tăng trưởng khá tốt”.

    Không chỉ Mỹ, dừa tươi Việt Nam cũng đang có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện nhu cầu thị trường hàng năm của Trung Quốc lên tới 2,6 tỷ trái dừa, nhưng các sản phẩm từ dừa của nước ta hiện chỉ đáp ứng được 3,5% tổng nhu cầu tiêu thụ của thị trường này. Các địa phương cùng người nông dân và doanh nghiệp đang thay đổi cách làm để dừa tươi Việt Nam sớm nhận được “tấm vé thông hành” sang các thị trường tiềm năng.

    Hiện nay, diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt khoảng 200.000 ha, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích trồng dừa lớn thứ 5 thế giới giúp Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để mở rộng thị trường, đưa trái dừa tươi của nước ta tăng cường “xuất ngoại”.

    Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, tình hình xuất khẩu dừa Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực. Thị trường Mỹ bắt đầu tiếp nhận dừa trái của Việt Nam. Cũng trong tháng 9 này, Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu nước dừa vào thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư mà 2 nước đã ký kết.

    Bà Thanh cho rằng: “Đối với thị trường mới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tập trung vào phát triển nguồn nguyên liệu. Hiện nay, vùng nguyên liệu chưa thật sự ổn định. Chính vì thế khi các thị trường nước ngoài mở cửa, chúng ta phải có những chính sách về sản xuất, chiến lược phát triển cũng như về giá cả”.

    Đồng thời, riêng mặt hàng dừa trái để uống nước của Việt Nam vẫn đang có hạn chế do hàng rào về kỹ thuật. Bà Thanh nhận định, khi xuất khẩu dừa trái ra thị trường nước ngoài cũng có xử lý bảo quản, nhưng còn chưa triệt để nên dừa tươi không để lâu được. Để cải thiện điều này cần sự hỗ trợ công nghệ từ các nhà khoa học.

    Đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam có thể đạt mốc 1 tỷ USD nhưng phía Hiệp hội Dừa Việt Nam băn khoăn khi còn một số khó khăn do tất cả phụ thuộc vào vùng nguyên liệu. Khi vùng nguyên liệu phát triển mới khẳng định được sự ổn định của ngành xuất khẩu.

    Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, Việt Nam có khoảng 389.530 hộ trồng dừa với tổng diện tích 188.000ha, tạo ra giá trị xuất khẩu trên 900 triệu USD trong năm 2022, đứng thứ tư thế giới về tổng giá trị trên thị trường.

    Hiện cả nước có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, tạo việc làm cho hơn 15.000 người. Trong số này, có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa. Vì thế, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2023.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU