Cổ phiếu hãng xe điện VinFast đã đi trên một chuyến tàu lượn siêu tốc kể từ khi gia nhập sàn Nasdaq vào ngày 15/8/2023.
Thị trường đã chứng kiến sự biến động dữ dội của cổ phiếu VinFast với mức trung bình hàng ngày tăng hoặc giảm 45%, nhưng vẫn có 2 ngày lãi 3 chữ số và một ngày lỗ gần 50%.
Hôm 1/9, VFS tiếp tục giảm 15,02% xuống 29,50 USD/cổ phiếu, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp sau 6 ngày liên tục tăng.
Trên bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng hiện xếp thứ 460 toàn cầu với giá trị tài sản 5,9 tỷ USD, giảm lần lượt 64 bậc và 0,8 tỷ USD so với một ngày trước đó.
Giá trị vốn hóa thị trường của VinFast đã liên tục tăng sau khi lên sàn Nasdaq, đạt mức cao nhất khoảng 190 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã giảm gần 1/3 xuống còn 68,05 tỷ USD vào ngày 1/9.
Bất chấp tình hình cổ phiếu biến động, VinFast vẫn tiếp tục duy trì mức định giá ấn tượng, vượt qua các gã khổng lồ trong ngành như BMW (67 tỷ USD), Volkswagen (64 tỷ USD), General Motors (46 tỷ USD) và Ford (48 tỷ USD). Công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện chỉ xếp sau Tesla (785 tỷ USD) và Toyota (280 tỷ USD).
Thành tích đáng chú ý này thể hiện niềm tin của thị trường vào tiềm năng cũng như khả năng vượt qua biến động của công ty.
Quan sát hành trình của VinFast trên thị trường chứng khoán, chúng ta thấy giá trị của công ty không chỉ được quyết định bởi những biến động ngắn hạn. Thay vào đó, chính triển vọng dài hạn và chiến lược đổi mới của VinFast đã góp phần tạo nên giá trị lâu dài của công ty.
Có vẻ như các nhà đầu tư đang đặt cược rằng VinFast sẽ có thể cạnh tranh được với Tesla và mang lại mức tăng trưởng vượt bậc. Đó sẽ là một bước tiến dài của công ty, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xe điện ngày càng trở nên khốc liệt.
Cũng có khả năng việc định giá cổ phiếu VFS bị ảnh hưởng bởi số lượng nhỏ cổ phiếu được giao dịch tự do. Tỉ lệ thả nổi của cổ phiếu VinFast chỉ chiếm khoảng 1%, trong khi phần còn lại do ông Vượng nắm giữ. Với lượng cung cổ phiếu ít ỏi như vậy, nhu cầu của nhà đầu tư có thể dẫn đến giá cổ phiếu tăng đột biến.
Đây không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Lịch sử thị trường chứng khoán có rất nhiều ví dụ tương tự. Năm 2022, tập đoàn tài chính châu Á AMTD Digital bán khoảng 1/10 cổ phần của mình tại New York và sau đó tăng vọt 21.429%, mang lại giá trị thị trường 311 tỷ USD. Hiện tại, vốn hóa của tập đoàn này chỉ còn khoảng 1 tỷ USD.
Nguyễn Tuyết (Theo Financial Times, Best Stocks)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/vfs-giam-phien-thu-tu-lien-tiep-dinh-gia-vinfast-con-bao-nhieu-a624530.html