Vùng đất anh hùng
Nằm dưới chân dãy núi cao nhất cực Nam Tây Nguyên, trong kháng chiến chống Mỹ, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là vùng căn cứ cách mạng, nơi hoạt động và che chở cho cán bộ tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông). Đồng thời, nơi đây cũng đã đóng góp nhiều công sức và xương máu cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhớ lại những năm tháng ác liệt, hào hùng ấy, già làng Y Xuyên (SN 1954, trú tại bon Ja Răh, xã Nâm Nung), một trong những nhân chứng sống của lịch sử còn sống sót cho biết, ngày ấy, Mỹ – Ngụy càn quét lên vùng đất Nâm Nung không kể ngày đêm, hàng ngày không biết bao nhiêu bom, đạn đổ xuống mảnh đất này.
“Với âm mưu xóa bỏ vùng căn cứ chiến lược của Cách mạng, quân địch ngày đêm thả bom, nổ pháo, mìn để lùng sục, bắt cán bộ. Không chỉ vậy, địch còn rải chất độc để chặn việc tiếp tế lương thực của người dân cho lực lượng Cách mạng hoạt động trong rừng sâu. Chưa dừng lại ở đó, không ít lần, địch tổ chức đốt sạch nhà dân để truy tìm các địa điểm hoạt động của quân ta. Cứ thế, chỉ cần phát hiện gia đình nào nuôi giấu cán bộ thì lập tức địch sẽ ra tay giết sạch, đốt sạch”, ông Y Xuyên kể lại.
Chứng kiến những tội ác do quân xâm lược gây ra, nhiều thanh niên trong các bon, làng ở Nâm Nung đã xung phong đi bộ đội để trực tiếp ra trận, cầm súng đánh giặc. Nói đến đây, ông Y Doanh (SN 1945, trú tại thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung) nghẹn ngào cho biết: “Những ngày tháng ấy, khó khăn chồng chất, chiến sĩ và nhân dân không có lương thực thực phẩm, nhiều năm liền không có muối để ăn, không cả quần áo để mặc. Hằng ngày, người dân chỉ biết vào rừng đào củ năng, củ mài, lấy măng le ăn cho qua bữa, chặt cây lồ ô mang về đốt lấy tro hòa vào nước rồi dùng để nấu ăn thay muối. Đồng thời, dùng vỏ, lá cây rừng kết lại làm khố, áo mặc để tránh bị muỗi, vắt tấn công”.
Thế nhưng, khó khăn, thách thức không làm phai nhạt ý chí chiến đấu và tinh thần đoàn kết đi theo Cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược của quân và dân xã Nâm Nung. Không kể ngày hay đêm, người dân xã Nâm Nung vào rừng lấy cây lồ ô để vót chông đánh giặc. Mặt khác, để tránh bị địch phát hiện, người dân tìm vào sâu trong rừng làm nhà và liên tục thay đổi chỗ ở. Hằng ngày, khi màn đêm buông xuống và lúc mờ sáng cũng là thời điểm người dân cùng nhau lên nương rẫy để tăng gia sản xuất, trồng mì, bắp.
Không dừng lại ở đó, người dân không quản ngại gian khó, thay nhau đi gùi lương, tải đạn để tiếp tế cho lực lượng Cách mạng và nuôi giấu cán bộ. Già làng Y Xuyên lý giải: “Cán bộ Cách mạng đến, bà con nơi đây vui sướng lắm nên đồng lòng ủng hộ. Ai có gì thì cho cái ấy, bà con âm thầm giúp sức, ai cũng một lòng theo cách mạng. Do đó, dù đối diện với nhiều hiểm nguy nhưng bà con luôn tìm mọi cách để nuôi giấu cán bộ Cách mạng trong bon, làng. Ngược lại, cán bộ Cách mạng chia cho người dân từng hạt muối để ăn và thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con. Sự gắn bó ấy đã giúp cho quân và dân từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và cùng nhau đánh đuổi quân xâm lược đến hơi thở cuối cùng”.
Với tinh thần đoàn kết, chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, ngày 9/3/1975, xã Nâm Nung đã chính thức giải phóng, mở ra một thời kỳ mới. Cho đến năm 1994, xã Nâm Nung được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Bao phủ màu xanh no ấm
Sau 48 năm ngày giải phóng, xã Nâm Nung ngày nay đã được bao phủ bởi một màu xanh no ấm. Chính quyền địa phương và người dân chung sức, đồng lòng viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Từ một vùng đất hoang tàn sau chiến tranh, đến nay xã Nâm Nung có 6 thôn, bon với hơn 1.900 hộ dân, hơn 8.000 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%, trong đó dân tộc M’Nông hơn 40%. Đường sá mở rộng trải thảm nhựa, bê tông đến khắp các thôn, bon. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố. Những ngôi nhà kiến trúc hiện đại, mái thái mọc san sát hai bên trục đường chính vào trung tâm xã.
Chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay trên mảnh đất Nâm Nung anh hùng, ông Y Doanh chia sẻ: “Nâm Nung có ngày hôm nay là nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, từ cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu đến hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn. Nếu như, trước đây, người đồng bào M’Nông trên địa bàn chỉ biết trồng lúa rẫy, mì, bắp thì khoảng 20 năm trở lại đây bà con đã chú trọng chuyển đổi cây trồng, đa dạng sinh kế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, người dân cũng biết cách trồng và chăm sóc các loại cây công nghiệp cà phê, cao su, tiêu, điều và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Nhờ vậy, đời sống của nhân dân ngày càng khấm khá, nhiều gia đình còn sắm được cả xe ô tô để phục vụ cho nhu cầu đi lại”.
Ông Đinh Công Đình, Trưởng thôn Nam Tiến, xã Nam Nung cho hay, trước đây, khu vực xã Nâm Nung là vùng rừng núi hoang vu, dân ở thưa thớt, đường đất, đi lại khó khăn. Thế nhưng, đến nay hệ thống đường, trường, trạm, mạng lưới điện phủ hầu hết các thôn, bon dân cư đông đúc, ngày càng sầm uất, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Năm 2017, xã Nâm Nung có hơn 300 hộ nghèo thì hiện nay chỉ còn 83 hộ, toàn xã có hơn 6.000ha cây trồng các loại, đàn gia súc hàng nghìn con. Nhiều hộ dân không những vươn lên thoát nghèo mà còn có kinh tế khá nhờ phát huy hiệu quả mô hình chuyên canh cây cà phê.
Cùng với việc phát triển kinh tế, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Nâm Nung còn tích cực giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, Nâm Nung có các đội cồng chiêng của đồng bào M’Nông tại các bon thường xuyên hoạt động, tham gia các chương trình nghệ của huyện, tỉnh. Ngoài ra, nhiều nét văn hóa đặc sắc khác như hát dân ca, làm cây nêu, mừng lúa mới, cúng bến nước… cũng được người dân duy trì, bảo vệ như tài sản quý giá mà cha ông để lại.
Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung thông tin, với sự nỗ lực, không ngừng cố gắng của nhân dân và chính quyền địa phương, xã Nâm Nung đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Để có được những kết quả đó, chính quyền địa phương và người dân không ngừng đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức. Mặt khác, trên địa bàn xã còn có các lão thành Cách mạng, người uy tín đóng vai trò rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động cho người dân để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn, bài trừ được nhiều hủ tục lạc hậu của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Khánh Ngọc
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/suc-song-moi-tren-vung-can-cu-cach-mang-nam-nung-a624123.html