noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcBộ GD&ĐT biên soạn SGK: Tiếng nói người trong cuộc

    Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Tiếng nói người trong cuộc

    Chương trình GDPT 2018 đang trong giai đoạn thực hiện ở những lớp học cuối, đến nay về cơ bản đã đạt những thay đổi phù hợp với xu thế hiện nay.

    Bắt đầu từ năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chương trình GDPT 2018. Nhìn tổng quan việc đổi mới giáo dục đã có bước tiến mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản, toàn diện việc dạy và học, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo hướng hiện đại.

    Việc triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đang diễn ra đồng bộ, thống nhất, có hiệu quả. Trong đó, việc thực hiện cùng lúc các bộ sách hiện hành là một trong những nguyên nhân thành công không nhỏ.

    Cần quan niệm đúng về sách giáo khoa

    Một trong những thành công của ngành giáo dục trong việc triển khai Nghị quyết 29 là đã xây dựng và ban hành được Chương trình GDPT mới về cơ bản phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nước ta. Đặc biệt chương trình GDPT được sự đón nhận, đồng lòng của hàng triệu giáo viên thuộc 3 cấp học trên cả nước.

    So với những lần cải cách trước, chương trình GDPT mới năm 2018 đã làm một cuộc cách mạng lớn khi coi SGK chỉ là học liệu và chương trình là văn bản quy phạm pháp luật. Điều này, không những giúp giáo viên mà cả học sinh phát huy tính sáng tạo trong quá trình dạy và học. Kiến thức đến với học sinh không bị gò bó, khiên cưỡng, rập khuôn mà theo hướng tư duy mở. Các kiểu bài đồng dạng theo mô hình lắp ghép, học thuộc bây giờ không còn nữa.

    Giáo dục - Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Tiếng nói người trong cuộc

    Đa dạng sách giáo khoa giúp giáo viên chủ động được lựa chọn.

    Thay vào đó là sự vận dụng những kiến thức lý thuyết đã nắm để thực hành các vấn đề đặt ra trong thực tế. Chuỗi hoạt động liên tục, đồng bộ từ cấp dưới lên cấp trên giúp học sinh chủ động thích ứng với chương trình học, phát huy được tính sáng tạo của mình, đánh thức những khả năng riêng của các em. Từ đây học sinh không ngỡ ngàng khi ra với đời sống, các em thoải mái bộc lộ năng khiếu, tư tưởng theo cách riêng của mình.

    Trước đây vì coi SGK là pháp lệnh, là văn bản quy chuẩn nên giáo viên dạy phải đúng nguyên vẹn như SGK, làm bài tập phải đầy đủ như trong SGK. Học sinh học cũng thế. Phải học quét hết phạm vi kiến thức trong SGK. Ở khâu đánh giá năng lực của học sinh, giáo viên không dại gì ra ngoài SGK.

    Bởi ở các kì thi tốt nghiệp, kì thi tuyển sinh vào Đại học, kì thi học sinh giỏi người ra đề thi phải bám sát vào SGK, hầu hết các đáp án đều lấy gợi ý từ sách giáo viên. Một thực tế là, giáo viên nào cũng sợ lấy ngữ liệu ngoài, các ví dụ ngoài là không đúng. Bởi SGK được quy định là pháp lệnh.

    Cô giáo Nguyễn Thị Lan, trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình cho rằng: “Chúng ta đừng trách học sinh vì sao học tủ, học vẹt. Mọi người đừng chê giáo viên dạy tủ, dạy chốt đề. Nếu dạy sáng tạo thì kết quả giảng dạy sẽ không cao. Văn mẫu bao năm nay cũng từ đó mà ra. Nếu đề ra không cứng nhắc thì làm sao có văn mẫu.”.

    Cùng quan điểm trên, thầy giáo Trần Văn Nầy, nguyên Hiệu trường trường THCS An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình chia sẻ: “Với các môn khoa học xã hội tôi không ngạc nhiên nhiều nhưng với dạy và học theo sách cũ thì các môn Khoa học tự nhiên cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong quá trình dạy thi, giáo viên cho học sinh các dạng đề và khi vào phòng thi các em học sinh chỉ thay số và tính toán lại là có kết quả đúng.”

    Giáo dục - Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Tiếng nói người trong cuộc (Hình 2).

    Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi trong việc dạy và học.

    Người viết bài viết này cho rằng, chưa bao giờ việc dạy và học được thay đổi mạnh mẽ như bây giờ. Học sinh và giáo viên có cơ hội để phát huy năng lực thực sự của mình. Học đi đôi với hành. Học để biết, để vận dụng và sáng tạo trong các tình huống đời sống và khoa học.

    Và cũng chưa bao giờ người dạy cũng là người học và người học sẽ gợi mở, đốc thúc người dạy tiến kịp nội dung chương trình, phù hợp với xu thế của thời đại. Việc các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, thậm chí là Lào và Campuchia đã thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa rồi thì không lý gì Việt Nam ta chưa làm và không làm được.

    Theo chúng tôi, nếu áp đặt giáo viên tuân thủ theo sách giáo khoa khi coi SGK là mẫu mực, là quy phạm là sai lầm. Nghị quyết 29 nói rõ phải có dân chủ trong hoạt động dạy học thì việc tuân theo một bộ sách nào đó là triệt tiêu dân chủ, đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết 29 của Quốc hội.

    Chúng ta cần làm gì?

    Nhiều ý kiến cho rằng việc xã hội hóa sách giáo khoa chưa mang lại những tín hiệu tích cực. Câu trả lời đúng đắn nhất nên dành cho tất cả các giáo viên đã tham gia tập huấn, thực hiện chương trình SGK năm 2018.

    Các ý kiến phản biện trên mạng xã hội từ các nhà khoa học đến các văn nghệ sĩ cùng nhiều tầng lớp nhân dân chưa phản ánh đúng và thực chất kết quả của việc cùng lúc thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa. Đa số mọi người nhìn vào bề ngoài và vỏ đoán. Khi đi vào quá trình thực hiện và so sánh với chương trình cũ sẽ thấy những điểm sáng như tôi đã phân tích trên.

    Vấn đề đặt ra là Bộ GD&ĐT có cần thiết viết thêm một bộ sách giáo khoa vào thời điểm này nữa hay không? Qua thực tế triển khai chương trình SGK chúng tôi nhận thấy ngành giáo dục đã kịp thời khắc phục những bất cập, thiếu sót và đang tự điều chỉnh, dần đi vào ổn định, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong thời điểm hiện tại.

    Giáo dục - Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Tiếng nói người trong cuộc (Hình 3).

    Chúng ta cần thay đổi quan niệm sách giáo khoa.

    Các bộ sách do tập thể các tác giả biên soạn là những công trình khoa học công phu, hiện đại hướng đến việc phát triển năng lực của học sinh một cách chủ động, sáng tạo. Sự đa dạng trong cách tiếp cận giúp các địa phương có nhiều lựa chọn nội dung SGK phù hợp với đặc điểm vùng miền và hoàn cảnh của học sinh.

    Theo tôi, nếu Bộ GD&ĐT làm tốt hơn nữa quy trình lựa chọn SGK, tránh được hiện tượng “đi đêm” của các nhà xuất bản với các Sở GD&ĐT thì không cần phải có thêm một bộ sách mới. Ít nhất, cho đến thời điểm hiện tại, các nhóm tác giả ở các bộ sách là một trong những nhóm nhà khoa học, nhà giáo dục tốt nhất ở Việt Nam. 

    Cô giáo Hoàng Thị Huyên – Giáo viên Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy, Quảng Bình cho rằng: “Việc Bộ GD&ĐT viết thêm một bộ sách giáo khoa vào thời điểm này không giải quyết được bất cứ  vấn đề gì và gây tốn kém cho nhà nước rất lớn. Nếu chấp nhận chủ trương xã hội hóa giáo dục thì việc Bộ GD&ĐT đưa ra một bộ sách mới sẽ đẩy lùi, bóp chết chủ trương xã hội hoá giáo dục”

    Vả lại, việc đổi mới giáo dục không cho phép chúng ta chững lại và chậm lại thêm được nữa. Phải có một thời gian dài, rất dài chuẩn bị tư liệu, xây dựng cấu trúc chương trình, biên soạn các tác giả mới cho ra 3 bộ sách trên. Vậy nếu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK nữa thì biết bao giờ mới thực hiện đại trà. Đó là tôi chưa kể đến việc biên soạn SGK phải lấy một nguồn kinh phí rất lớn của nhà nước để thực hiện. Điều này trái ngược lại những quy định của luật giáo dục năm 2019 do Quốc hội ban hành.

    Giáo dục - Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Tiếng nói người trong cuộc (Hình 4).

    Đến nay có 3 bộ sách giáo khoa trong chương trình GDPT 2018.

    Việc xã hội hóa trong việc biên soạn SGK vừa phát huy trí tuệ, tài chính  từ nguồn lực xã hội, vừa đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch hạn chế những tiêu cực trong việc độc quyền SGK là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế của thế giới. Tôi chưa tính đến, liệu bộ sách mới do Bộ GD&ĐT biên soạn có đảm bảo chất lượng, hiệu quả hay không.

    Có người sẽ nói rằng, Bộ GD&ĐT làm không tốt thì ai làm tốt. Nhưng thực tế qua nhiều lần thay sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT vẫn làm đó thôi. Hiệu quả như thế nào thì chúng ta đã biết. Hiện tại, 3 bộ sách đã đáp ứng được nhu cầu về số lượng, đủ đầu sách cho việc đổi mới.

    Phải nhận thức rằng, Bộ GD&ĐT là đơn vị chỉ đạo thực hiện việc đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ chủ quản đã đưa ra triết lý cùng những mục tiêu, quan điểm giáo dục để các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK thực hiện. Như vậy, có sự độc lập giữa một bên là đơn vị đòi hỏi, yêu cầu với một bên là đáp ứng được những tiêu chí đặt ra.

    Việc này hai bên đã làm rất tốt nên về cơ bản các bộ SGK đã phát hành đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Không có lý do gì để nhận thức lại vấn đề này cả. Nếu Bộ GD&ĐT biên soạn SGK mới nghĩa là những khiếm khuyết, bất cập của SGK phần nào sẽ bị giấu khuất kiểu như chẳng ai vạch áo cho người xem lưng vậy. Tình trạng không công bằng, dân chủ, tính cạnh tranh sẽ mất đi trong việc lựa chọn SGK.

    Vấn đề hiện nay toàn xã hội, nhất là ngành GD&ĐT động viên, cổ cũ triệu triệu giáo viên đang thực hiện chương trình GDPT năm 2018. Những sai sót nhỏ ở các bộ sách giáo khoa cần chỉnh sửa khoa học. Việc lựa chọn SGK phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Trên hết là phát huy được năng lực trí tuệ của đội ngũ để thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục. Làm giáo dục phải có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng, biết lằng nghe dư luận, các ý kiến phản biện để khắc phục những điểm yếu, tuyệt nhiên không “đẽo cày giữa đường”.

    Ngô Mậu Tình                                                                                            

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU