Trào lưu biến hình anime bằng công cụ AI đang nhận được sự hưởng ứng từ người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Anime vốn là một loại hình được yêu chuộng tại Nhật Bản, sau đó lan rộng ra các quốc gia trong khu vực và toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ những truyện tranh nổi đình đám đến các thước phim anime giàu cảm xúc, loại hình này dần trở thành một trong những xu hướng giải trí rất phổ biến với chất lượng đồ họa đa dạng và tinh tế.
Theo đó, trào lưu biến hình từ hình ảnh gốc sang anime qua ứng dụng AI đang được giới trẻ Việt yêu thích và trải nghiệm. Tính hữu ích của công cụ này là không cần mất quá nhiều thời gian để người dùng có thể sở hữu một hình ảnh anime và bản thân được là nhân vật chính.
Những ngày qua, ứng dụng Loopsie ghi nhận có lượt người dùng Việt tăng đáng kể khi cho phép tạo ra các hình ảnh giống hoạt hình anime. Lấy dữ liệu từ các hình ảnh tĩnh, giúp chúng trở nên sinh động và thú vị qua các nét vẽ hoạt hình đã giúp ứng dụng này được ưa chuộng.
Để trải nghiệm, người dùng cần tải app với dung lượng gần 200 MB và cho phép ứng dụng truy cập vào kho ảnh. Với khoảng 20-30 giây là có thể tạo một bức ảnh ở phiên bản khác.
Nhiều người trẻ đưa ra nhận xét: “Không quá 30 giây đã có được tấm ảnh với đường nét sắc sảo như anime thật, điều này khiến mình thích thú”, “anime trở thành tuổi thơ của nhiều người, nhà sáng lập nắm bắt được xu hướng người dùng muốn hoá thân thành nhiều phiên bản khác nhau nên cho ra đời đây mà”, “bản thân mình ở phiên bản anime trông dễ thương đấy chứ”,…
Trong anime, các địa điểm trở nên khác lạ hơn, đồng thời biểu cảm của nhân vật cũng được diễn đạt mang tính tương đối và biểu tượng. Sự mới lạ trong trải nghiệm này đã giúp trào lưu chuyển hình ảnh gốc sang anime được đón nhận tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng có không ít tình huống dở khóc dở cười khi nhờ công cụ AI chuyển thể sang hình ảnh anime. Điển hình như Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên, loạt hình ảnh của cô được nhận dạng là nam trong quá trình ứng dụng này thực hiện chuyển sang hoạt hình anime. Điều này khiến nàng hậu không khỏi thắc mắc và người hâm mộ cũng phải cười trừ.
Cần thận trọng về vấn đề an toàn thông tin
Trao đổi với Người Đưa Tin về trào lưu biến hình nhờ công cụ AI sang hình ảnh anime, ông Tô Trọng Nghĩa – Chuyên gia An toàn thông tin phòng thí nghiệm UIT InSecLab (trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Tp.HCM) cho biết: “Việc áp dụng AI vào quá trình chuyển đổi hình ảnh không còn quá xa lạ, tuy nhiên ứng dụng nào tối ưu được thời gian, chất lượng đồ hoạ tốt hơn thì được ưa chuộng hơn.
Tại thời điểm AI đang phát triển như Chat GPT và các phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo văn bản hoặc hình ảnh từ dữ liệu sẵn có đang phổ biến thì trào lưu chuyển hình ảnh gốc sang anime được yêu thích là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, chúng ta cần đặt câu hỏi liệu rằng dữ liệu mà chúng ta cung cấp cho ứng dụng có bị đánh cắp hay tái sử dụng vào việc huấn luyện mô hình hay không. Đồng thời, việc người dùng chấp nhận trao quyền truy cập vào kho dữ liệu ảnh có thể không đảm bảo sự an toàn về thông tin người dùng 100%, thông tin người dùng cũng có thể bị rò rĩ từ đây.
Điều này cũng nhắc nhở người dùng cần thận trọng hơn trong việc sử dụng các ứng dụng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để tránh nguy cơ bị lộ dữ liệu hoặc bị kẻ xấu lợi dụng với mục đích xấu”.
Ông Tô Trọng Nghĩa chia sẻ thêm đi kèm với những rủi ro rõ rì thông tin, không thể phủ nhận AI cung cấp những tiện ích giúp con người có thể tối ưu nhiều công việc theo cách nhanh chóng, tiện lợi. Đây cũng là giai đoạn phát triển vượt bậc của ngành công nghệ AI, ta cần nhìn nhận bao quát về cả khía cạnh được và chưa được để thích nghi với thời đại số.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/trao-luu-bien-hinh-anime-bang-ai-gay-sot-nguy-co-bi-lo-du-lieu-a623546.html