Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE) mới có quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu TNI của CTCP Tập đoàn Thành Nam. Tập đoàn có địa chỉ trụ sở chính tại tầng 3 Tháp A, tòa nhà văn phòng Golden Palace, số 99 Đường Mễ Trì, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Tp.Hà Nội.
Nguyên nhân cổ phiếu TNI bị cảnh báo là do lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông Công ty mẹ là -28,63 tỷ đồng, LNST chưa phân phối đến ngày 30/6/2023 là âm 35,65 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất đã soát xét 6T/2023.
Theo đó, cổ phiếu đã chưa đáp ứng được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo quyết định số 17 ngày 31//3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Cổ phiếu TNI của Thành Nam chính thức bị HoSE đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 18/2/2022. Nguyên nhân là bởi công ty báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021.
Từ thời điểm đó đến nay, cổ phiếu của công ty luôn trong tình trạng bị cảnh báo dù đã có nhiều văn bản giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục.
CTCP Tập đoàn Thành Nam (TNI) có tiền thân là Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Thành Nam, được thành lập vào năm 2004. Năm 2009, công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh là Công ty Cổ phần.
Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu thép, thép không gỉ và cung cấp dịch vụ gia công cắt tấm, xẻ băng kim loại.
Tổng quan bức tranh tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 317 tỷ đồng, giảm 54,62% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu của công ty mẹ đạt 299 tỷ đồng, giảm 47,12% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty đạt 462 triệu đồng, trong đó chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay là 353 triệu đồng, chiếm 76,4%.
Trừ các chi phí, Thành Nam ghi nhận khoản lỗ sau thuế gần 29 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2022, công ty ghi nhận lãi 776 triệu đồng. Công ty mẹ cũng báo lỗ sau thuế 28,24 tỷ đồng, một bước thụt lùi so với khoản lãi 783 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Lý giải kết quả kinh doanh này, Thành Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, do chính sách tín dụng bất động sản bị siết chặt. Thị trường bất động sản đóng băng đã gây ra sự suy giảm trong nhu cầu sử dụng thép cho các dự án xây dựng, dẫn đến doanh thu sụt giảm.
Các doanh nghiệp sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng giá bán để bù lỗ, bởi giá nguyên liệu đầu vào luôn ở mức tăng cao và chưa có dấu hiệu ngừng tăng.
Tận dụng nguồn hàng tồn kho có sẵn và cạnh tranh giá giữa các doanh nghiệp thép trong nước để tiêu thụ thành phẩm đầu ra, thời điểm quý I, công ty buộc phải xuất xả hàng tồn kho để thu hồi vốn dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.
Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Thành Nam ghi nhận ở mức 876 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 64,4% là 564 tỷ đồng. Số nợ công ty phải trả là 373 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
Thu Hương
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/co-phieu-tni-cua-tap-doan-thanh-nam-bi-giu-nguyen-dien-canh-bao-a623814.html