Tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”
Theo một quan chức Libya, vào thứ Ba tại Benghazi, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov đã gặp mặt chỉ huy lực lượng miền Đông của Libya ông Khalifa Haftar và cho biết lực lượng Wagner sẽ hoạt động dưới quyền một chỉ huy mới.
Hiện, không có dấu hiệu nào cho thấy những sự kiện này không phải là tình cờ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu người Libya Jalel Harchaoui tại Học viện Dịch vụ Hoàng gia Thống nhất (RUSI) cho biết, chuyến viếng thăm của ông Yevkurov “cho thấy sự hiện diện của Nga tại Libya sẽ ngày càng sâu và rộng thay vì giảm thiểu”.
Cuộc gặp mặt này được đề ra sau vụ đảo chính bất thành của ông Prigozhin và lực lượng Wagner chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng 6. Đây là dấu hiệu cho thấy, Moscow không có ý định từ bỏ mạng lưới toàn cầu mà lực lượng quân sự tư nhân này đã thành lập.
Giờ đây, khi ông Prigozhin đã qua đời, số phận của mạng lưới hoạt động quân sự và tài chính phức tạp mà ông và tổ chức Wagner xây dựng trên toàn châu Âu, Trung Đông và châu Phi đang ở trong thế ngàn cân treo sợi tóc.
Trước đó, Wagner đã từng tham gia nhiều trận chiến lớn tại Ukraine như: tham gia nội chiến và các cuộc nổi dậy tại Syria, Libya, Cộng hòa Trung Phi và Mali… Họ đã kiểm soát những mỏ vàng và giếng dầu tại các khu vực lân cận.
Ông Putin đã chấm dứt hoạt động của Wagner tại Syria. Sau vụ đảo chính, lực lượng tại Ukraine của Wagner chuyển giao căn cứ lại cho quân đội chính quy Nga và bắt đầu di chuyển về Belarus, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu lính Wagner đã di chuyển tới quốc gia này.
Tại châu Phi, lực lượng Wagner có khả năng sẽ tiếp tục hoạt động bình thường dưới bộ máy điều hành mới hoặc được sáp nhập vào một tổ chức đánh thuê khác của Nga. Tuy nhiên, khả năng tổ chức này có thể hoạt động tại những khu vực mà Moscow không có sự hiện diện chính thức hoặc về mặt pháp lý, biến tổ chức này thành một vũ khí vô giá cho chính sách đối ngoại của Kremlin.
John Lechner, một nhà nghiên cứu tại Mỹ đang viết sách về ông Prigozhin thông tin: “Wagner sẽ là một vấn đề cần giải quyết. Họ có nhiều hợp đồng, và họ là một doanh nghiệp, họ cần phải tiếp tục hoạt động. Về vấn đề tính uy tín, (Wagner) sẽ tiếp tục cố gắng ra vẻ rằng mọi thứ vẫn đang hoạt động bình thường, và họ vẫn là đối tác tin cậy”.
“Thay thế lãnh đạo đã mất”
Sau vụ đảo chính vào tháng 6, ông Prigozhin đã đẩy mạnh củng cố sự hiện diện của Wagner tại châu Phi. Trong một video đăng tải vào ngày thứ Hai tại một quốc gia châu Phi (không rõ tên), ông cho biết: “Wagner PMC khiến tầm ảnh hưởng của Nga vĩ đại hơn trên toàn thế giới và giúp châu Phi ngày càng tự do”.
Quy trình này có lẽ đã không nhận được sự hậu thuẫn từ Moscow và đã có nhiều báo cáo về việc điện Kremlin thành lập một số công ty thay thế nhằm tiếp quản các hoạt động của Wagner. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, công ty chưa đủ khả năng thực hiện mục tiêu này.
Tại các quốc gia mà Wagner làm việc thông qua một thỏa thuận với Moscow, các nhà phân tích tin rằng tình hình sẽ không thay đổi nhiều, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.
Theo dữ liệu từ các nhà phân tích độc lập và Human Rights Watch, tại Lybia từ năm 2019, đã có tới 2.000 lính đánh thuê của Wagner hỗ trợ phe ông Haftar tấn công Tripoli cho tới khi lệnh ngừng bắn được đưa ra vào năm 2020, kể từ đó họ đã bảo vệ các cơ sở quân sự và khai thác dầu.
Vì Nga không có vai trò quân sự chính thức tại Libya và không thể trực tiếp can thiệp mà không vi phạm một lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc, theo ông Harchaoui, khả năng can thiệp của Nga vào khu vực này vẫn phải thông qua trung gian Wagner hay các tổ chức tương tự.
Một phát ngôn viên của ông Haftar không phản hồi các câu hỏi về cuộc gặp của ông với quan chức Nga. Tuy nhiên, trước đó, người này cho biết, họ đã thảo luận về hợp tác quân sự bao gồm hợp tác huấn luyện sử dụng vũ khí của Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, cuộc thảo luận xoay quanh hợp tác chống khủng bố.
Tại Cộng hòa Trung Phi, cố vấn chính trị của Tổng thống Faustin-Archange Touadera, Fidele Gouandjika đã chia buồn về vụ việc rơi máy bay của ông Prigozhin và cho biết việc ông qua đời “là một tổn thất to lớn” vì binh lính của ông “đã cứu giúp nền dân chủ” khi hỗ trợ chính phủ nước này trong cuộc nội chiến.
Tuy nhiên, ông Gouandjika cũng cho biết, vì Wagner chỉ có mặt tại nước này thông qua thỏa thuận với Nga, “sự hiện diện của các nhân viên huấn luyện tại đây sẽ không thay đổi”. Ông cũng cho biết, ông Prigozhin là “một nhà lãnh đạo đã qua đời, hoàn toàn có thể thay thế”.
Theo Ousmane Pare, một nhà phân tích chính trị tại Burkina Faso, sự bất ổn vẫn đang tạo nên một số rủi ro tại châu Phi.
“Chúng tôi có thể phỏng đoán được những trở ngại trong hoạt động mà tổ chức này sẽ gặp phải và điều đó chắc chắn sẽ mang lại một số hậu quả đối với các quốc gia từng liên quan tới họ”.
Số phận của khối tài sản kinh tế của Wagner có thể còn khó xác định hơn so với các tài sản về an ninh. Hiện vẫn chưa có thông tin nào về số phận của Evro Polis, một công ty mà Wagner sở hữu với một khối tài sản dầu thô tại Syria.
Hiện vẫn có rất ít thông tin về thu nhập của Wagner từ các công ty khai thác khoáng sản và gỗ tại Cộng hòa Trung Phi cũng như các nước châu Phi khác. Tuy nhiên, việc chính phủ Nga kiểm soát trực tiếp những tài sản này hoặc chuyển giao cho một nhà thầu khác là quá trình rất khó thực hiện.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tap-doan-wagner-se-ra-sao-sau-khi-ong-yevgeny-prigozhin-tu-nan-a623387.html