Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) vừa công bố báo cáo tài chính riêng tháng 7/2023.
Theo đó, tính riêng tháng 7, TNG ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 783 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh hơn khiến lãi gộp giảm 11% xuống còn 97 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 14,2% xuống 12,4%.
Trong tháng 7, công ty thu về 5 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, giảm tới 58% so với cùng kỳ; chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay tăng 28% lên gần 24 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng mạnh 46% lên trên 15 tỷ đồng. Trừ các chi phí, công ty báo lợi nhuận sau thuế tháng 7 chỉ đạt 24,2 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 7 tháng năm 2023, Dệt may TNG đạt gần 4.117 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3% so với cùng kỳ; lãi sau thuế giảm 28% xuống còn 120 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/7/2023, tổng tài sản của công ty đạt trên 5.447 tỷ đồng, tăng gần 180 tỷ đồng so với đầu năm. Trong cơ cấu tài sản, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng gấp đôi so với đầu năm, đạt 1.071 tỷ đồng.
Trái lại, tiền gửi ngân hàng chỉ bằng giảm mạnh từ 102 tỷ xuống còn 11 tỷ đồng tại cuối tháng 7. Hàng tồn kho cũng giảm hơn 17% về còn 1.057 tỷ đồng, chủ yếu do không còn ghi nhận khoản hàng mua đang đi trên đường.
Cuối tháng 7/2023, nợ phải trả của công ty tăng 137 tỷ đồng so với đầu năm lên 3.778 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 1.669 tỷ đồng, trong đó công ty có 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và 270 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Ngày 21/8, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo về việc Dệt may TNG mua cổ phần của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bắc Thái.
Theo đó, ngày 16/8, Hội đồng quản trị TNG đã có cuộc họp thống nhất mua 75% cổ phần phổ thông, trị giá 66.000 đồng/cổ phần từ cổ đông của Bắc Thái đồng thời là Chủ tịch HĐQT TNG ông Nguyễn Văn Thời. Như vậy, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bắc Thái đã trở thành công ty con của TNG thông qua giao dịch này.
Ở chiều ngược lại, ngày 8/8, một đại cổ đông là Công ty TNHH Chứng khoán Phillip (Thái Lan) đã thoái bớt hơn 1 triệu cổ phiếu TNG, qua đó giảm tỉ trọng còn 5,5 triệu cổ phiếu tương ứng tỉ lệ sở hữu 5,31%.
Mới đây công ty cũng có thông báo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022. Cụ thể, TNG niêm yết bổ sung 8,4 triệu cổ phiếu phổ thông với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nâng tổng lượng cổ phiếu niêm yết lên 113,5 triệu cổ phiếu. Ngày giao dịch chính thức là 21/8.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/8, TNG giao dịch quanh vùng giá 18.000 đồng/cổ phiếu, giảm 14% so với đầu tháng nhưng tăng 25% từ đầu năm.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 – 40 tỷ USD. Tuy nhiên, dự báo tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV.
Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/det-may-tng-bao-lai-hon-120-ty-dong-trong-7-thang-giam-28-a623009.html