noel giáng sinh vui vẻ
Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcHà Nội dự báo tăng 29.000 học sinh lớp 9 trong 3...

    Hà Nội dự báo tăng 29.000 học sinh lớp 9 trong 3 năm tới

    Với việc tăng 29.000 học sinh THPT sau 3 năm nữa, Thủ đô cần phải có thêm 722 lớp học.

    Lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 ở Hà Nội trong 3 năm tới sẽ tăng mạnh

    Theo ANTĐ sáng 8/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” trên địa bàn thành phố.

    Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên cho biết, ngành giáo dục Thủ đô đã tạo được chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Thủ đô và nhu cầu học tập của nhân dân.

    Tp.Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Hà Nội còn là 1 trong 4 địa phương đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

    Đặc biệt, khoảng cách phát triển, chất lượng giáo dục giữa các trường ở nội đô và các trường khu vực ngoại thành còn khá lớn. Công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận chưa phù hợp dẫn đến một số nơi còn có tình trạng thiếu trường học.

    Báo cáo cũng chỉ ra rằng, công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh còn cao hơn nhiều so với quy định tại Điều lệ nhà trường các cấp ở một số địa bàn.

    Về dự báo số lượng học sinh dự tuyển trong thời gian tới, báo cáo nêu rõ, theo số liệu trên Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo, dự báo trong 03 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tăng khoảng 28.912 học sinh – tương đương khoảng 722 lớp.

    Cụ thể: Năm học 2024-2025 dự kiến có khoảng 134.942 học sinh, tăng khoảng 5.732 học sinh so với năm học 2023 – 2024. Năm học 2025-2026 dự kiến có khoảng 129.890 học sinh, tăng khoảng 680 học sinh so với năm học 2023 – 2024. Năm học 2026-2027 dự kiến có khoảng 151.710 học sinh, tăng khoảng 22.500 học sinh so với năm học 2023 – 2024.

    Dự kiến về quy mô các trường THPT công lập, đến năm học 2024-2025 Hà Nội dự kiến có khoảng 121 trường (tăng 02 trường so với năm học 2023 – 2024); đến năm học 2025-2026 có khoảng 123 trường (tăng 04 trường so với năm học 2023 – 2024); đến năm học 2026-2027 có khoảng 125 trường (tăng 06 trường so với năm học 2023 – 2024).

    Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên nhấn mạnh thêm, thành phố đã đưa ra 4 đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương.

    Hà Nội kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025.

    Đối với Bộ GD&ĐT, Hà Nội kiến nghị nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chuẩn công nhận trường chuẩn quốc gia đối với các trường khu vực nội thành Hà Nội (xét khía cạnh đặc thù của Thủ đô)…

    Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất Bộ LĐ-TB&XH bổ sung 2 trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc thành phố Hà Nội và Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội vào danh sách các trường được lựa chọn để đầu tư là trường chất lượng cao theo tiêu chí tại Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

    Năm học 2022-2023, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế. Thống kê từ năm học 2014-2015 đến tháng 3-2023, học sinh Hà Nội đạt tổng số 1.249 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia; 124 giải tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.

    “Thừa ở ngoại thành và thiếu đậm đặc ở nội thành”

    Trước đó chia sẻ với báo chí, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, về băn khoăn Hà Nội không thiếu chỗ học nhưng vẫn còn tình trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm, ông Cương cho hay, sở dĩ nói như vậy vì tính số học sinh vào 10 đầu cấp, rải đều cho số chỉ tiêu của thành phố, Hà Nội không thiếu chỗ học. Vấn đề ở đây, thành phố đang thừa thiếu cục bộ: Thừa ở ngoại thành và thiếu đậm đặc ở nội thành.

    Chia sẻ về bài toán thiếu trường lớp trong thời gian tới, theo ông Trần Thế Cương, bên cạnh giải pháp tăng cường đầu tư xây dựng và thành lập mới, cải tạo sửa chữa các trường học, đẩy nhanh tiến độ triển khai 7 dự án trường liên cấp, Sở GDĐT Hà Nội cũng tập trung tham mưu thành phố rà soát các ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học và trong các khu đô thị; tham mưu thành phố cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập.

    Thông tin thêm trên VTV, Hà Nội đang tiến hành việc di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, cao đẳng, đại học ra khỏi khu vực nội đô. Sở GD&ĐT Hà Nội kiến nghị phải ưu tiên quỹ đất này để xây trường học công lập, chứ nếu xây trường dân lập, tư thục, gánh nặng kinh tế vẫn sẽ gây khó khăn cho các gia đình.

    Theo báo Lao Động, năm 2023, toàn thành phố có hơn 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 250 học sinh so với năm trước đó. Trong đó, 102.000 em đăng ký tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT, tăng 1.000 em so với năm trước. Chỉ tiêu dự kiến ban đầu trúng tuyển vào các trường công lập là 77.480 học sinh, chiếm tỉ lệ 59,96%.

    Đăc biệt, bốn trường chuyên, trường có lớp chuyên thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội gồm tuyển sinh 2.480 học sinh, chiếm 1%. Trường THPT công lập không chuyên là 115 trường và 72.000 học sinh, chiếm 55,7%

    “Sau khi học sinh nhập học đợt 1 và hạ điểm chuẩn tuyển bổ sung đợt 2, dự kiến kết quả tuyển sinh của các trường THPT công lập là hơn 78.000 em, chiếm 60,9%, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023” – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin.

    Trúc Chi (t/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU