Nông dân phấn khởi trước đà giá lúa gạo tăng cao
Tại Sóc Trăng
Theo Vietnam+, ở khu vực này nông dân ở một số địa phương đang vào vụ thu hoạch diện tích lúa Hè Thu năm 2023.
Vụ lúa Hè Thu năm nay, tuy ảnh hưởng của mưa dông nhưng nhìn chung bà con đều mang lợi nhuận vì giá lúa năm nay cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể tại huyện Mỹ Tú, thương lái đến tận ruộng đặt tiền cọc thu mua lúa tươi của nông dân với mức giá dao động từ 6.400-7.200 đồng/kg; trong đó, các nhóm giống OM thơm nhẹ từ 6.800-7.200, giống lúa đặc sản từ 6.400-6.800 đồng/kg.
Với mức giá thu mua tăng 100-300 đồng/kg so với giữa tháng 7/2023, tăng trên 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, giống lúa OM 18 là tăng mạnh từ 6.300 đồng/kg lên 6.700 đồng/kg.
Trao đổi với Vietnam+, nông dân Phan Thanh Vũ xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) sản xuất hơn 1 ha lúa OM 5451 cho biết tuy thời tiết có mưa nhưng diện tích lúa nằm trong khu vực đê bao khép kín nên thu hoạch thuận lợi.
Năm nay, diện tích lúa Hè Thu 2023 của gia đình anh Vũ đạt năng suất tăng từ 200-300kg, cộng với giá lúa ở mức cao nên lợi nhuận tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Lê Vũ Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng cho biết, vụ lúa Hè Thu năm 2023, toàn xã gieo sạ 5.610ha, chủ yếu các loại giống như Đài Thơm, OM 5451, OM 18,…hiện toàn xã đã thu hoạch gần 100% diện tích lúa Hè Thu 2023.
Nông dân thu hoạch đạt năng suất khoảng từ 55 tạ/ha trở lên, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha, tăng 5-10 triệu đồng/ha so vụ lúa Hè Thu năm 2022.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, vụ lúa Hè thu năm 2023 đã xuống giống 22.990ha, hiện đã thu hoạch trên 50% diện tích, ước năng suất đạt từ 55 tạ/ha trở lên.
Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Trần Vĩnh Nghi cho biết, tính đến những ngày đầu tháng 8/2023, giá lúa Hè Thu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tăng từ 50 đồng-300 đồng/kg, tăng hầu hết trên các nhóm giống lúa thường và lúa thơm nhẹ.
Tại Đồng Tháp
Vụ lúa Hè Thu năm 2023 tỉnh Đồng Tháp xuống giống 185.734ha, đạt 99,4% so với kế hoạch. Diện tích thu hoạch 117.606ha, năng suất 66,3 tạ/ha.
Nông dân vui mừng khi giá lúa vụ Hè Thu tăng, giá lúa chất lượng cao tại ruộng giá 7.100 đồng/kg, tăng 1.300 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022; lúa thường IR 50404 giá 6.500 đồng/kg, tăng 1.050 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận vụ lúa Hè Thu 3.457 đồng/kg.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho hay do giá lúa từ đầu năm đến nay ở mức cao nên nông dân phấn khởi, đẩy diện tích gieo trồng tăng 1.500ha so với cùng kỳ năm ngoái, được khoảng 141.000ha, vượt 1,9% kế hoạch.
Nhiều tỉnh khác cũng tương tự. Như báo cáo của UBND tỉnh An Giang, sáu tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã xuống giống lúa được hơn 231.000ha. Riêng vụ hè thu, đến nay nông dân đã xuống giống trên 205.500 ha, tăng 6% so với vụ hè thu cùng kỳ năm trước.
Tránh tình trạng “vung tay quá trán”
Báo Quân Nhân Dân, dẫn nguồn số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng lên 558 USD/tấn, tăng 145 USD (35%) so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo giá gạo 5% tấm của Việt Nam có thể tăng lên 600 USD trong tháng tới. Thậm chí, các doanh nghiệp nên tính đến kịch bản giá gạo có thể tái lập mức 1.000 USD/tấn như của năm 2008 trong thời gian tới.
Thời gian gần đây, dù giá lúa đang trên đà tăng khá cao, nhưng nhiều nông dân vẫn tỏ ra thận trọng trong khâu quản lý chi phí đầu vào để tránh tình trạng “vung tay quá trán”, đeo theo giá lúa mà “lạm dụng” các loại phân, thuốc với mong muốn tăng sản lượng, bán được giá. Ở góc độ ngành chức năng, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Mấy ngày qua ảnh hưởng của mưa dông gây ngập úng, ngành chức năng đang tích cực hỗ trợ nông dân bơm thoát nước cứu lúa. Dự báo giá lúa sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, do nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường các nước trên thế giới cần số lượng lớn. Vì thế với diện tích lúa thu đông đang gieo sạ, ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tiếp tục chăm sóc, chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại nhằm bảo đảm lúa đạt chất lượng khi thu hoạch để bán giá cao”.
Trước đó, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể là “cơ hội” cho người nông dân, song cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc này đến toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng lúa gạo.
Theo ông Khánh, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ xuất hiện trong bối cảnh nguồn cung lương thực đã rất căng do cuộc chiến Nga – Ukraine và tình hình thời tiết không thuận ở nhiều nước sản xuất, xuất khẩu gạo nên chắc chắn sẽ gây tác động mạnh tới giá gạo trên thị trường thế giới.
Trước biến động của thị trường gạo trên thế giới, đặc biệt là để bù đắp lượng gạo thiếu hụt từ nguồn Ấn Độ xuất khẩu, các nhà nhập khẩu sẽ quay sang mua gạo của Việt Nam và Thái Lan. Điều này có thể thấy rõ hơn trong thời gian tới và chúng ta nên lường trước khả năng thiếu hụt.
Nước cung ứng gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ cấm xuất khẩu khiến giá lúa ở nước ta tăng từng ngày, thương lái đặt cọc tiền trước, nông dân phấn khởi vì lợi nhuận cao. Tuy nhiên, ông Khánh nhấn mạnh, hiện nay không loại trừ khả năng nông dân và thương lái sẽ găm giữ gạo để chờ giá cao hơn. Vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên thận trọng. Cần lưu ý đến phương thức giao dịch. Nếu có thể thì nên mua trước, bán sau hoặc đưa ra phương thức tính giá xuất khẩu dựa trên chỉ số giá gạo vào thời điểm giao hàng để giảm bớt rủi ro.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nên nhiều khả năng lệnh cấm này còn kéo dài, ít nhất là trong sáu tháng tới. Nhiều chuyên gia dự báo thị trường gạo có thể bình ổn trở lại vào nửa cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Từ nay tới đó, bên cạnh việc tận dụng cơ hội để tăng lợi nhuận cho người nông dân, cần có sự tính toán và đánh giá toàn diện các mặt để đảm bảo cung cầu gạo trong mọi tình huống và ổn định giá gạo cho người dân trong bối cảnh vẫn tồn tại nguy cơ lạm phát.
Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và ổn định lượng gạo xuất khẩu
Theo báo Lao Động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao, chủ động, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Bộ trưởng Bộ Công Thương tính toán, cân đối việc dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh…
Bên canh đó, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng năm nay sản xuất lúa gạo ở Việt Nam khá thuận lợi, kế hoạch cả năm dự kiến đạt khoảng 43 triệu tấn thóc. Như vậy đảm bảo đủ cung ứng nhu cầu lương thực trong nước và các nhu cầu khác, khi chúng ta xuất khẩu ở mức 6,5 – 6,6 triệu tấn gạo.
Dù Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhưng quan điểm của Cục Trồng trọt là tiếp tục ổn định lượng gạo xuất khẩu trên 6,5 – 6,6 triệu tấn. Với lượng gạo xuất khẩu như vậy sẽ không ảnh hưởng gì tới an ninh lương thực và các nhu cầu tiêu thụ trong nước khác.
Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các doanh nghiệp đánh giá tình trạng dự trữ hiện có, nguồn cung và nhu cầu thị trường khi thương thảo hợp đồng mới đạt mức giá cao nhất nhằm đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp cũng như nông dân trồng lúa.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/lua-duoc-mua-duoc-gia-nong-dan-nhieu-dia-phuong-phan-khoi-a620879.html