Chữa lành những tổn thương của đời sống thực
Trong những năm gần đây, xu hướng phim healing trở nên được ưa chuộng. Trào lưu này được các nhà làm phim Hàn Quốc đặc biệt quan tâm, bởi đánh đúng vào tâm lý khán giả sau những tổn thương tâm lý, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Phim healing được hiểu là loại phim chữa lành, nhẹ nhàng và không chú trọng vào các yếu tố kịch tính hay cường điệu hoá bi thương. Điểm đặc biệt giúp dòng phim này được đón nhận chính là khai thác các yếu tố gần gũi, quen thuộc và dễ dàng chạm đến những câu chuyện rất đời trong cuộc sống.
Theo dòng chảy này, nhà đài Việt Nam cũng dần chuyển hướng nhìn, cho ra đời nhiều bộ phim chữa lành hơn. Điển hình như Gia đình mình vui bất thình lình, Cuộc đời vẫn đẹp sao,… trở thành “hiện tượng” phim truyền hình trong năm nay nhờ yếu tố tích cực mà dự án mang lại.
Gia đình mình vui bất thình lình nhận phản hồi tốt từ khán giả khi kể câu chuyện gia đình đầy vị tha và thấu hiểu. Không có những xích mích mẹ chồng – nàng dâu, không ghen ghét, tị nạnh giữa các chị em dâu,… điều này trở thành liều thuốc vui vẻ mỗi khi khán giả bật ti vi và xem chúng.
Trong khi đó, Cuộc đời vẫn đẹp sao lựa chọn góc nhìn hướng đến người nghèo, những người bôn ba vất vả nơi chân cầu Long Biên để từ đó khơi gợi tình cảm tốt đẹp giữa con người.
Thế nhưng, cả hai phim nói trên đều mắc phải sai lầm khi càng về cuối phim càng nhồi nhét các yếu tố kịch tính, đẩy bi thương lên cao khiến người xem không khỏi ức chế. Từ những thước phim nhẹ nhàng, đơn giản nhưng sâu sắc bỗng trở nên bi kịch hoá, u ám đã làm cho những kỳ vọng trước đó của khán giả sụp đổ.
Nhiều người xem còn bày tỏ sẽ tạm dừng xem Gia đình mình vui bất thình lình khi cuộc đời nhân vật Phương (NSƯT Kiều Anh) dường như rơi vào tuyêt vọng sau 3 lần liên tiếp mất con, lựa chọn ly hôn để giải thoát cho chồng và cho chính bản thân vì quá mệt mỏi.
Thế mới thấy, khán giả nước nhà khao khát dòng phim chữa lành đến nhường nào. Dường như trong thế giới phim ảnh mới có thể mang đến những câu chuyện gần gũi nhưng đẹp đẽ, nói hộ mong muốn và ước mơ của chính người xem thông qua nhân vật.
Giữa những áp lực “ghì sát đất” nơi đời thực, người xem muốn trú ngụ ở góc bình yên nơi phim ảnh. Ở đó vừa có yếu tố giải trí vừa mang cảm giác dễ chịu, thoải mái mà họ tìm kiếm. Song, với nhiều lý do khác nhau, các bộ phim chữa lành tại Việt Nam vẫn “chưa đến nơi đến chốn” như thị trường các nước bạn như Hàn Quốc, Trung Quốc,…
“Khai thác drama là hướng đi an toàn”
Trò chuyện cùng Người Đưa Tin, anh Nguyễn Minh Phúc – người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, hoạt động truyền hình, điện ảnh – cho biết: “Khán giả nước nào cũng muốn xem dòng phim chữa lành, cơ bản là trong mỗi chúng ta đều có mong muốn hướng về những giá trị đẹp nhất, dễ chịu nhất chứ không ai muốn khó khăn, áp lực hết.
Cũng có một nghịch lý, nếu cái yên bình, dễ chịu xuất hiện tần suất nhiều thì người ta chán. Ví dụ như một bộ phim siêu anh hùng nếu không đánh nhau sẽ không ai coi hay một bộ phim đối xử tử tế với nhau, tốt đẹp quá cũng không có gì thú vị. Có lẽ vì vậy mà ở thời điểm hiện tại nhà đài chưa có những xử lý khôn ngoan hơn hay chưa có những tay viết cứng hơn, họ sẽ lựa chọn hướng an toàn và khai thác drama”.
Anh Nguyễn Minh Phúc cũng cho biết thêm, sau dịch Covid-19 khán giả có nhiều lựa chọn hơn bên ngoài xem phim truyền hình. Họ có thể xem phim trực tuyến, nơi phát triển rất mạnh của nhiều nhà đài khu vực và quốc tế. Dòng phim chữa lành của Hàn Quốc luôn là lựa chọn hàng đầu. Phim healing của Việt Nam chỉ mới phát triển mạnh mẽ gần đây nên chưa thể so sánh với các thị trường khác.
“Khán giả Việt luôn khát khao phim chữa lành, cái gì thiếu thì mình luôn muốn có. Tuy nhiên, một bộ phim phải đủ hay, kịch bản đủ chất lượng và thoại phải đủ sâu sắc để dẫn dắt người xem. Không phải dẫn dắt bằng kịch tính mà bằng chính cốt truyện.
Điều này sẽ xuất phát từ rất nhiều phía, từ nhà sản xuất chấp nhận đầu tư, nhà phát hành phải chịu phát hành, đạo diễn phải chịu quay, biên kịch phải chịu viết… nói chung mọi thứ như một bộ máy và mọi thứ nằm trên bánh răng”, anh Nguyễn Minh Phúc nói thêm.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khan-gia-viet-khat-phim-chua-lanh-the-gioi-noi-tam-a620422.html