Các quan chức cố vấn an ninh quốc gia và ngoại giao từ khoảng 40 quốc gia đã được mời tham gia đàm phán hòa bình về Ukraine tại thành phố cảng Jeddah của Ả Rập Xê-út vào ngày 5-6/8.
Quốc gia khách mời bao gồm 3 thành viên BRICS – Brazil, Ấn Độ và Nam Phi – cũng như các quốc gia khác ở Nam bán cầu, chẳng hạn như Indonesia, Mexico, Zambia và Ai Cập. Chính phủ Vương quốc Anh và Ba Lan, cũng như đại diện của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã xác nhận sẽ tham dự.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador hôm 31/7 đã tuyên bố sẽ không cử đại diện đến Jeddah trừ khi cả hai bên của cuộc xung đột đều có mặt bên bàn đàm phán.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 4/8 cho biết Bắc Kinh sẽ cử Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy (Li Hui) đến Ả Rập Xê-út để đàm phán về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.
“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết trong một tuyên bố.
Trung Quốc đã được mời tham dự một hội nghị thượng đỉnh tương tự ở Copenhagen vào cuối tháng 6 nhưng đã không tới.
Nga không được mời tới hội nghị ở Jeddah, nhưng Điện Kremlin đã tuyên bố sẽ theo dõi cuộc họp, và Ả Rập Xê-út dự kiến sẽ thông báo cho Moscow về kết quả đạt được.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không phản đối các cuộc đàm phán với Kiev, đồng thời lưu ý rằng an ninh toàn cầu phải bình đẳng và không thể đạt được bằng sự tổn hại của một hoặc nhiều quốc gia khác.
Tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs Fyodor Lukyanov nói với báo Nga Izvestia hôm 3/8 rằng, tốt nhất nên xem các cuộc đàm phán như vậy là một thủ đoạn chính trị của một số quốc gia không phải là thành viên của liên minh chống Nga, những quốc gia đang tìm cách thể hiện đường lối chính sách độc lập của họ đối với cuộc khủng hoảng.
Vấn đề về uy tín
“Sáng kiến này được đưa ra vào thời điểm Ả Rập Xê-út muốn thể hiện mình là động lực cho các cuộc đàm phán và giải quyết xung đột”, ông Simon Engelkes, cố vấn chính sách Trung Đông tại Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS), cho biết.
Theo truyền thống, Ả Rập Xê-út là đồng minh lâu năm của phương Tây, trên hết là của Mỹ. Nhưng Vương quốc Hồi giáo Sunni hàng đầu này cũng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, cũng như với Nga.
Trong khuôn khổ liên minh dầu mỏ mở rộng OPEC+, quan hệ giữa Riyadh và Moscow gần đây có những căng thẳng sau khi Điện Kremlin không tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu.
Quan hệ của Ả Rập Xê-út với phương Tây cũng đã trở nên căng thẳng hơn trong một thời gian, do cuộc xung đột ở Yemen mà Ả Rập Xê-út đang tham gia, và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 tại lãnh sự quán Ả Rập Xê-út ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) – mà phương Tây nghi ngờ Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) đã ra lệnh thực hiện.
Những điều này đã gây tổn hại lâu dài đến danh tiếng của hoàng gia Ả Rập Xê-út.
Vì Ả-rập Xê-út cho đến nay đã được hưởng lợi từ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và hậu quả của nó là giá dầu tăng, nên các cuộc đàm phán về cuộc chiến ở Ukraine có thể là vấn đề về uy tín chứ không phải bất kỳ điều gì khác.
“Thái tử MBS muốn củng cố vai trò ngoại giao của vương quốc mình với tư cách là một cường quốc trong khu vực”, ông Engelkes nhận định. “Điều này được phản ánh trong nhiều nỗ lực nối lại quan hệ, trong đó ông ấy cũng đang cố gắng giảm bớt căng thẳng với kẻ thù không đội trời chung là Iran, cũng như các vấn đề ở Yemen”.
Dấu hiệu muốn chấm dứt xung đột
Các nhà ngoại giao Ukraine và phương Tây hy vọng cuộc gặp tại vương quốc Hồi giáo ở Trung Đông sẽ đạt được đồng thuận về các nguyên tắc chính cho một giải pháp hòa bình trong tương lai nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Ông Ayham Kamel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Đông và Bắc Phi tại Eurasia Group, cho rằng hội nghị sắp diễn ra ở Jeddah sẽ “xây dựng một nền tảng cho sự tham gia mang tính xây dựng hơn giữa phương Tây và các nước đang phát triển ở Nam bán cầu”.
Nhiều quốc gia đang phát triển phần lớn đã kiềm chế không chọn bên trong cuộc chiến hoặc không lên án Moscow, vì họ thường có mối quan hệ thương mại hoặc quân sự quan trọng với Nga hoặc đơn giản là có sự ngờ vực lịch sử đối với phương Tây.
“Nước chủ nhà không ảo tưởng rằng hội nghị sẽ dẫn đến một bước đột phá về chất và các nước phương Tây không mong đợi các quốc gia Nam Bán cầu sẽ chấp nhận kế hoạch hòa bình Ukraine ở dạng hiện tại hoặc sẵn sàng mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga”, ông Kamel lưu ý.
Nhưng ông Engelkes tại Quỹ Konrad Adenauer coi sự tham gia của các quốc gia như vậy là một dấu hiệu cho thấy họ cũng muốn chấm dứt cuộc xung đột – vốn không chỉ tác động nặng nề đến Ukraine và Nga, mà còn đặc biệt gây tổn hại cho Nam Bán cầu.
“Việc kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky giờ đây sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán ở Jeddah chắc chắn có thể được coi là một dấu hiệu ủng hộ cho Ukraine”, ông Engelkes nói.
Minh Đức (Theo DW, CNBC, Reuters)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tinh-toan-cua-cac-ben-tai-hoi-nghi-quoc-te-ve-ukraine-o-a-rap-xe-ut-a620377.html