Mới đây, chùa Ba Vàng (Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã công khai thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo Công văn số 2240 của UBND Tp.Uông Bí.
Theo báo cáo do Đại đức Thích Trúc Thái Minh – trụ trì chùa Ba Vàng, số thu tiền công đức tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội là 4.164.500.000 đồng (hơn 4,1 tỷđồng).
Đáng chú ý, số chi phục vụ cho hoạt động nhân đạo, từ thiện vừa bằng số thu. Cụ thể, 20 triệu đồng ủng hộ gia đình nghèo vượt khó phường Quang Trung, Tp.Uông Bí sửa chữa nhà; 4,5 triệu đồng hỗ trợ 3 cháu có hoàn cảnh khó khăn phường Thanh Sơn; 100 triệu đồng ủng hộ quỹ khuyến học Nguyễn Hữu Duyên; 140 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 2 mái ấm tình thương huyện Minh Hóa, Quảng Bình; 2 tỷ đồng ủng hộ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo ở tỉnh Điện Biên; 500 triệu đồng ủng hộ Tung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam; 800 triệu đồng ủng hộ Tp.Uông Bí xóa nhà tạm, dột nát.
Trong khi các di tích tại Quảng Ninh đều báo cáo trong thời gian theo yêu cầu của Bộ Tài chính là cả năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, thì chùa Ba Vàng chỉ báo cáo hơn một tháng, kể từ khi thông tư về quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính có hiệu lực vào ngày 19/3 đến 30/4/2023.
Lý do theo chùa Ba Vàng đưa ra là trước khi thông tư này có hiệu lực thì nhà chùa chưa tách riêng tiền công đức cho di tích, lễ hội với tiền công đức cho hoạt động tôn giáo của các thầy.
Chùa Ba Vàng cho rằng điều này đúng với quy định tại Thông tư số 04 của Bộ Tài chính và công văn hướng dẫn số 62 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Quyết định số 775 của Bộ Tài chính thì thời kỳ kiểm tra là năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Thông tư số 04 thì thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/3/2023. Trước khi Thông tư số 04 có hiệu lực thi hành, các cơ sở tôn giáo không tách riêng các loại tiền công đức do chưa có quy định và hướng dẫn”, báo cáo của chùa Ba Vàng giải thích.
Ngoài ra, Chùa Ba Vàng cho rằng quyết định về thí điểm kiểm tra tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh của Bộ Tài chính hồi tháng 4 quy định: Nội dung kiểm tra là “việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”.
Do đó, chùa chỉ báo cáo tiền công đức cho di tích và hoạt động lễ hội, còn “tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo là vấn đề nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được quản lý theo quy định của giáo hội”.
Trước đó, ngày 21/7/2023, Bộ Tài chính có Báo cáo số 119 về về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo, có tới 50 di tích không có số liệu báo cáo tiền công đức. Trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá là ngôi chùa có số thu công đức tốt.
Trước thông tin này, phía chùa Ba Vàng ra thông báo khẳng định chưa từng có đoàn kiểm tra nào đến kiểm tra việc thu chi tiền công đức và cũng chưa từng có đoàn nào đến yêu cầu báo cáo tiền cũng đức hay có văn bản nào yêu cầu báo cáo tiền công đức.
“Không đoàn nào đến kiểm tra, không có yêu cầu nhà chùa nộp báo cáo thu chi tiền công đức thì cơ sở đâu cho rằng, chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức?”, phía chùa Ba Vàng đặt câu hỏi.
Đến ngày 24/7 vừa qua, UBND Tp.Uông Bí đã ban hành công văn số 2240 đề nghị chùa Ba Vàng báo cáo bổ sung công tác quản lý tiền công đức tại chùa theo hướng dẫn của của Bộ Tài chính.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chua-ba-vang-dung-toan-bo-4-1-ty-dong-tien-cong-duc-chi-vao-viec-gi-a619468.html