noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môẤn Độ ngừng xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp thận trọng giao dịch

    Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp thận trọng giao dịch

    Theo các chuyên gia, Việt Nam, Thái Lan – 2 nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.

    Giá gạo Việt có tăng vọt sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ?

    Theo Người Lao Động, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), đơn vị xuất bản trang tin SSRicenews.com chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, cho hay hiện cả bên mua và bên bán gạo đều do dự, chưa vội ra quyết định.

    “Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn không dám chào giá khi không có sẵn gạo trong kho. Một số chào giá lên đến 600 USD/tấn để dự phòng”, bà Hương nói.

    Cũng theo bà Hương, gạo Việt Nam hưởng lợi về giá khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhưng không được nhiều vì nguồn cung gạo Việt Nam bị giới hạn. Dự kiến năm nay sản lượng gạo dành cho xuất khẩu của Việt Nam khoảng 6,5 triệu tấn nên những tháng cuối năm chỉ còn khoảng 2,5 triệu tấn.

    Trong khi đó, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó rất khó khăn khi phải thu mua gạo giá cao để giao dẫn đến hiệu quả kinh doanh kém, thậm chí là lỗ.

    Kinh tế vĩ mô - Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp thận trọng giao dịch

    Việc Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo sẽ làm giá gạo thế giới tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh minh họa.

    Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo, doanh nghiệp thận trọng giao dịch

    Theo số liệu từ Bộ Công Thương Ấn Độ, trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng. Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.

    Trao đổi với báo Công Thương, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết: “Lệnh cấm xuất khẩu này có kéo dài hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thứ nhất phụ thuộc vào sản lượng diện tích gieo trồng, thứ hai phụ thuộc chỉ số tiêu dùng các mặt hàng trong đó mặt hàng lúa gạo, thứ 3 là các yếu tố khác. Chính phủ Ấn Độ vẫn có thể xem xét áp dụng việc xuất khẩu qua hình thức giữa chính phủ với chính phủ”.

    Trước thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương khuyến cáo trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang biến động, giá thóc trong nước và giá xuất khẩu gạo cũng biến động tương tự, các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc ký kết các hợp đồng. Bộ cũng đề nghị thương nhân duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực.

    Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

    Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung từ đầu năm đến 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trị giá bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 490 USD/tấn

    Gạo Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ

    Gạo là lương thực thiết yếu của thế giới, lượng tiêu thụ ở châu Á chiếm đến 90% nguồn cung toàn cầu. Trong đó, Ấn Độ đóng góp đến 40% hoạt động kinh doanh gạo toàn cầu. Đây cũng là quốc gia cung cấp gạo cho hơn 100 nước khác, đối tác lớn nhất là Trung Quốc, Senegal và Bờ Biển Ngà.

    Nổi bật với vị thế chiếm 40% tổng lượng gạo được xuất khẩu gạo toàn cầu, việc Ấn Độ đột ngột ngưng xuất khẩu toàn bộ gạo tẻ vào ngày 20/7 vừa qua đang khiến thị trường gạo toàn cầu gián đoạn. Lệnh cấm xuất khẩu này được nhận định sẽ gây tác động mạnh đến việc đảm bảo an ninh lương thực của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia châu Phi.

    Năm ngoái, quốc gia Nam Á ra lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm, tiếp đó áp thuế suất 20% với gạo trắng và gạo nâu xuất khẩu sau khi chiến tranh ở Ukraine đẩy giá các mặt hàng lương thực như lúa mỳ và ngô tăng vọt. Nước này cũng đang hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường.

    Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên thế giới đang tạm ngưng việc thực hiện các hợp đồng hiện tại cũng như tiếp nhận các đơn hàng mới nhằm đánh giá tác động cũng như động thái của Chính phủ Ấn Độ. Một số chuyên gia nhận định các quốc gia châu Phi có thể vận động Chính phủ Ấn Độ nới lỏng chính sách cấm xuất khẩu gạo như đã từng làm với việc cấm xuất khẩu lúa mì.

    Trước đó vào tháng 5/2022, Ấn Độ cũng đột ngột cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh giá lúa mì toàn cầu tăng gần gấp đôi so với mức thông thường do tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Tuy nhiên, sau đó Ấn Độ đã quyết định cho phép các đơn hàng xuất khẩu được ký trước ngày ban hành lệnh cấm vẫn được thực hiện, giúp giải phóng một lượng lúa mì ra thị trường.

    Giới quan sát nhận định việc Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.

    Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), cho biết các doanh nghiệp Thái Lan hiện đang theo dõi chặt chẽ tình hình để xem liệu Ấn Độ có nới lỏng lệnh cấm hay không nhằm đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp, cũng như báo giá xuất khẩu thận trọng hơn khi giá gạo xuất khẩu có thể tăng mạnh thời gian tới.

    Nhiều thương nhân quốc tế nhận định giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn. Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đạt 545 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 525 USD/tấn – mức cao nhất 12 năm trở lại đây.

    Thông tin trên VTV, tại Trung Đông, các nhà nhập khẩu gạo hiện đang kêu gọi khẩn trương đi tìm các nguồn cung thay thế gạo của Ấn Độ, đặc biệt từ 3 nước là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Bởi chưa cần nói đến câu chuyện liệu thị trường có thiếu gạo hay không, nhưng nếu không có kế hoạch thích ứng thì giá gạo sẽ đốt nóng trở lại áp lực lạm phát tại khu vực này.

    Như tại Trung Đông thì các Chính phủ đang được khuyến cáo cần xem xét vấn đề một cách thận trọng và tìm kiếm được nguồn cung thay thế trong thời gian nhanh nhất có thể bởi gạo không phải là lương thực duy nhất đang đối mặt với những biến động nguồn cung và cũng sẽ không phải là thực phẩm cuối cùng.

    Báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cảnh báo về một làn sóng gián đoạn lương thực toàn cầu. Không chỉ gạo từ Ấn Độ hay nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine, Nga qua biển Đen, hiện nông nghiệp thế giới cũng đang phải đối mặt với nỗi lo mất mùa vì hạn hán tại châu Âu. Kazakhstan đã tạm ngừng xuất khẩu hành, Belarus cấm xuất khẩu táo hay bắp cải, Mexico thì cấm xuất khẩu ngô, còn Malaysia lại cấm xuất khẩu thịt gà.

    Theo Công Thương, giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á đã liên tục neo ở mức cao kể từ đầu năm đến nay khi nhiều quốc gia tăng cường tích trữ lương thực do lo ngại hiện tượng El Nino có thể tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp.

    Được biết, gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% nguồn cung gạo toàn cầu đến từ châu Á – khu vực được dự báo sẽ đối mặt với tình trạng khô hạn do hiện tượng El Nino gây ra. Theo đó, từ đầu năm nay, các nước nhập khẩu gạo như Indonesia, Trung Quốc và Philippines đã đẩy mạnh tích trữ gạo.

    Theo Tổ chức Khí tượng thủy văn Thế giới, hiện tượng El Nino đã lần đầu tiên trở lại khu vực nhiệt đới châu Á Thái Bình Dương sau 7 năm, đe dọa gây ra tình trạng khô hạn tại nhiều khu vực trồng lúa. Việc Ấn Độ có thể cấm xuất khẩu gạo càng làm tăng thêm mối lo về nguồn cung gạo thời gian tới.

    Ấn Độ thông báo chính thức cấm xuất khẩu gạo

    Báo Tiền Phong dẫn nguồn Bloomberg, Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thông báo dừng xuất khẩu gạo không phải loại Basmati (loại gạo phổ biến ở Nam Á). Động thái nhằm bình ổn giá gạo trong nước, thông báo có hiệu lực lập tức từ 20/7.

    Ấn Độ chỉ được phép xuất khẩu gạo dựa trên yêu cầu của chính phủ, hoặc giới chức nước khác nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Giao dịch từ trước vẫn được phép hoàn thành. Theo thông tin chính phủ, quyết định tác động đến 25% tổng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.

    Trước vấn đề này các chuyên gia kinh tế cho rằng lệnh cấm làm hạ nhiệt giá gạo ở Ấn Độ nhưng tăng sức ép giá gạo toàn cầu, trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp các quốc gia khác lo ngại hiện tượng El Nino ảnh hưởng mùa màng. Ngoài gạo, giá ngũ cốc tăng vọt do ảnh hưởng tình hình chính trị ở một số quốc gia.

    “Động thái là đòn giáng vào thương mại nội địa. Chúng tôi sẽ kiến nghị chính phủ cân nhắc lệnh cấm sau khi tình hình cải thiện”, B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Ấn Độ, nói với Bloomberg.

    Quyết định của giới chức Ấn Độ đưa ra giữa lúc quốc gia này vật lộn với lạm phát. Giá nhiều loại lương thực, hoa quả và rau củ tăng vọt. Giá gạo tại Delhi tăng đến 15% trong năm, giá trung bình cả nước tăng 8%, số liệu từ Bộ Lương thực Ấn Độ.

    Trúc Chi (t/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU