Giá sầu riêng tăng mạnh
Theo Thời báo Ngân Hàng, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, do sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác nên nông dân đã mở rộng diện tích sản xuất nhanh chóng.
Việc mở rộng này thông qua trồng xen trong các vườn cà phê tại Tây Nguyên, trồng xen trong vườn cây ăn quả. Đặc biệt là chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng cây sầu riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu năm 2017 cả nước có 37 nghìn ha thì đến năm 2022 đã tăng lên 110,3 nghìn ha. Tốc độ tăng trưởng diện tích bình quân hàng năm từ năm 2017 đến năm 2022 của cả nước là 24,5%/năm.
Theo thống kê, đến nay Việt Nam có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sang thị trường này. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng. Việc có thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là tín hiệu vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn.
Sự tăng trưởng đột phá của sầu riêng đã nâng trị giá xuất khẩu rau quả trong 5 tháng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây là trị giá xuất khẩu trong 5 tháng cao nhất từ trước tới nay của ngành rau quả. Theo thống kê, sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc chiếm 85% sản lượng lên đến 60.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đồng Nai là tỉnh tăng mạnh diện tích cây ăn trái. Đặc biệt, tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển diện tích của loại cây ăn trái chủ lực đang đứng đầu danh mục xuất khẩu là sầu riêng. Với hơn 11,3 ngàn ha, Đồng Nai vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ 4 cả nước về diện tích sầu riêng.
Đồng Nai hiện có 11 vùng với diện tích 820 ha được cấp mã vùng trồng sầu riêng. Tính đến giữa tháng 6/2023, Đồng Nai đã xuất khẩu 360 tấn sầu riêng sang Trung Quốc và dự kiến năm 2023 sẽ xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng.
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. “Hiện tỉnh đã hoàn thiện 61 hồ sơ vùng trồng với diện tích gần 1.800 ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số. Đây là cơ sở, tiền đề đảm bảo việc xuất khẩu sầu riêng chính thức, ổn định bền vững; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp mang lợi ích cho người nông dân Đồng Nai”.
Theo các chuyên gia kinh tế, với việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022 đang mở ra cơ hội lớn cho mặt hàng này. Giá sầu riêng đã tăng mạnh từ năm ngoái và có thời điểm chạm mốc gần 200.000 đồng/kg, mức giá cao nhất kể từ trước đến nay khiến sầu riêng trở thành “cơn sốt” với người dân. Hiện, thị trường Trung Quốc mua tới 95% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam.
Và những thách thức
Thông tin từ Kinh tế Nông thôn, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt kiêm Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, cơ hội đối với cây sầu riêng rất nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.
Ông Tùng cho rằng việc tăng diện tích trồng quá đột ngột, kỹ thuật canh tác và thu hoạch chưa hợp lý, tranh mua tranh bán dẫn đến chất lượng thấp, không đạt hiệu quả kinh tế đã làm ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu sầu riêng trong và ngoài nước. Chặt phá những loại cây khác để trồng mới qua sầu riêng ở những khu vực đất đai, điều kiện tưới tiêu và thổ nhưỡng không phù họp với cây sầu riêng cũng là một khó khăn và hạn chế cần có hướng khắc phục.
Thách thức đặt ra cho cây sầu riêng là tình hình sâu bệnh hại trên các vườn sầu riêng khá nhiều, nông dân quản lý chưa tốt dẫn đến tăng chi phí phòng trừ, khó khăn cho việc sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, nông dân chưa được tập huấn về quy trình canh tác cây sầu riêng nên rất thiếu thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa, quản lý sâu bệnh hại để đảm bảo năng suất, chất lượng sầu riêng như các vùng trồng truyền thống.
Một vấn đề thách thức nữa là yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, điều kiện đảm bảo vệ sinh thực phẩm của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao, trong khi áp dụng giải pháp kỹ thuật còn hạn chế, xuất khẩu sẽ gặp khó khăn nếu chưa có sự thay đổi kịp. Biến đổi khí hậu và tình hình khô hạn, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến vùng sản xuất sầu riêng.
Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong việc canh tác, thu hoạch sầu riêng được mùa được giá trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện đúng quy trình đăng ký mã số vùng trồng theo Chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong canh tác và thu hoạch, kể cả bảo quản và vận chuyển trong việc tiêu thụ, ông Tùng nhấn mạnh.
Qua đó, công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn cần được giám sát chặt chẽ để phục vụ xuất khẩu.
Thu hút đầu tư chế biến
Tuy tiềm năng của thị trường xuất khẩu sầu riêng tươi còn rất lớn nhưng để cả chuỗi ngành hàng này phát triển bền vững cần thu hút đầu tư cho chế biến.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu thanh long, chanh dây, sầu riêng… sang nhiều thị trường như: châu Âu, Hoa Kỳ, Australia, Trung Đông và gần đây là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Riêng về mặt hàng sầu riêng, doanh nghiệp có 3 năm kinh nghiệm chế biến và xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.
Năm 2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng toàn cầu khoảng 22 tỷ USD cho thấy, quy mô của ngành này rất lớn. Trong đó, Thái Lan xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sầu riêng nhiều năm nay nhưng chưa được ghi nhận vì chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bộ NN-PTNT đã ký nghị định thư với Trung Quốc để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, người nông dân được hưởng lợi trực tiếp và lớn nhất. Cụ thể, năm nay, giá sầu riêng bán tại vườn cao hơn khoảng 20-25 ngàn đồng/kg so với năm trước.
Cũng theo ông Thìn, ngoài mặt hàng sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam còn xuất khẩu đi rất nhiều nước ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng vẫn chưa được chú ý nhiều. Đầu tư để làm sầu riêng đông lạnh hoàn toàn nằm trong khả năng của doanh nghiệp Việt Nam. Thách thức lớn nhất hiện nay là tiếp tục mở rộng thị trường cho mặt hàng này. Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng Bộ NN-PTNT tiếp tục đàm phán xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc để góp phần tăng doanh thu cho toàn ngành.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Hiệp, Giám đốc Công ty CP Rau quả Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các sản phẩm trái cây và rau củ cho biết: “Thách thức hay cạnh tranh với ngành hàng sầu riêng luôn luôn tồn tại, vấn đề là chúng ta đương đầu như thế nào với thách thức này”.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều giai đoạn thị trường xuất khẩu bị tạm ngưng, thậm chí mất thị trường và hiện tiếp tục đi xuống do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế. Nhưng rau quả, thực phẩm thiết yếu ít bị ảnh hưởng hơn các ngành khác. Bài toán là phải làm ra sản phẩm giá cả thị trường chấp nhận được mà nông dân vẫn có lời. Ở đây phải xây dựng quy trình khép kín từ ngoài đồng đến nhà máy, đóng gói để có mức giá hợp lý, đồng bộ về chất lượng thì mới cạnh tranh được.
Ông Hiệp khẳng định: “Vấn đề hiện nay là phải nâng cao kiến thức cho cả chuỗi ngành hàng sầu riêng từ khâu trồng, thu hoạch đóng gói để đảm bảo chất lượng sầu riêng, nhất là phải thu hoạch đủ tuổi. Doanh nghiệp chế biến mong được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và thông tin đó phải được công khai, minh bạch với những người có liên quan. Theo đó, việc xây dựng và nhân rộng mã số vùng trồng là rất quan trọng”.
Đào Vũ (T/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/trai-sau-rieng-viet-dung-truoc-nhieu-co-hoi-va-thach-thuc-a618708.html