Giá giảm hơn một nửa
Ghi nhận của Người Đưa Tin cuối tháng 7/2023 cho thấy, giá thanh long hàng chợ tại Tp.HCM bán lẻ đang phổ biến ở mức chỉ 15.000 đồng/2kg – 15.000 đồng/kg trong khi trước đó ổn định ở mức từ 30.000-40.000 đồng/kg.
Ngay tại siêu thị, thanh long giá cũng đang nằm trong nhóm trái cây có mức giá rẻ nhất. Như tại Co.opMart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), thanh long đang khuyến mãi chỉ 11.900 đồng/kg còn tại Bách Hóa Xanh đường Võ Trường Toản (quận Bình Thạnh), giá bán lẻ chỉ 15.000 đồng/kg.
Đây là mức giá rất thấp nếu so với hồi đầu năm khi giá tại vườn từ 20.000 – 40.000 đồng/kg tùy loại. Ông Nguyễn Tánh, chủ vườn hơn 1.000 trụ thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận lo lắng vì “thanh long đang vào giai đoạn chính vụ, những ngày qua gặp mưa nhiều nên nấm bệnh gia tăng, giá bán giảm mạnh”.
Ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến, tỉnh Bình Thuận thừa nhận, dịp này giá thanh long giảm sâu, về mức rất thấp so với hồi đầu năm. Giá thanh long ruột trắng thu mua tại vườn chỉ từ 7.000-8.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg. So với những tháng đầu năm nay, giá thanh long giảm khoảng 60%.
Diện tích thanh long của HTX này là 31 ha. Ông Trung còn liên kết với nhiều nhà vườn trong vùng để trồng, diện tích gần 200ha. Dịp này đang vào vụ chính, thanh long ra trái tự nhiên (không phải chong đèn). Nhưng do mưa nhiều, nấm bệnh gia tăng nên mẫu mã trái bị ảnh hưởng, giá lại càng giảm mạnh.
“HTX xuất khẩu chính ngạch trái thanh long sang rất nhiều thị trường ở châu Âu và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vụ này thanh long xấu mã, lại bị nấm bệnh nhiều nên hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu rất ít. Thành ra, lượng thanh long thu hoạch phải tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa. Hàng dội chợ, giá lại càng rẻ hơn”, ông Trung thở dài.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Bình Thuận, tính đến đầu tháng 7/2023, toàn tỉnh hiện có trên 27.000 ha thanh long đang vào chính vụ nhưng có đến gần 20% diện tích bị bệnh đốm nâu. Ngoài ra, bệnh thối rễ tóp cành bị nhiễm gần 700 ha, bệnh nám vàng cành 620 ha… Đó cũng là tình cảnh của nhiều nhà vườn ở Long An, Tiền Giang.
Nông dân lo ế hàng, thua lỗ
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An thông tin thêm, hiện nay đang là cuối mùa thanh long chính vụ, sản lượng nhiều nhưng gặp thời tiết mưa nhiều, sâu bệnh phát triển. Do đó, thanh long không đạt về mẫu mã nên xuất khẩu không được, chủ yếu tiêu thụ nội địa và bán vào các nhà máy chế biến với giá rẻ.
Tại tỉnh Long An, nhiều vườn thanh long tại huyện Châu Thành, Tân Trụ, Tp.Tân An đang chín rộ, nông dân tất bật thu hoạch. Tuy nhiên, không khí khá trầm lắng do giá thanh long xuống thấp.
Ông Nguyễn Văn Sơn, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành có 1,2ha thanh long ruột đỏ sắp thu hoạch cho biết, năng suất vụ này được ước tính trên 5 tấn. Tuy nhiên, so với cách đây 1 tháng thì giá thanh long giảm sâu đến trên 20.000 đồng/kg, hiện chỉ còn từ 5.000 – 8.000 đồng/kg, với giá này thì ông Sơn sẽ thua lỗ.
Cũng như ông Sơn, ông Trần Văn Bi, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành có 0,8ha thanh long ruột đỏ chuẩn bị thu hoạch. Theo ông Bi, thương lái mua tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ. Thậm chí, nhiều thương lái còn không đưa ra giá.
“Để có lợi nhuận thì giá thanh long phải từ 12.000 đồng/kg trở lên, còn với giá dưới 5.000 đồng/kg như hiện giờ thì nông dân nắm chắc lỗ” – ông Bi chia sẻ.
Nhiều nông dân trồng thanh long cho biết, những đợt thu hoạch trước, thương lái thường đến vườn thỏa thuận giá và ngày cắt. Còn vụ này, thanh long đã chín đỏ vườn nhưng không ai hỏi mua. Được biết, nguyên nhân khiến thanh long giảm giá là do đang vào chính vụ, nhiều vườn thu hoạch rộ dẫn đến cung vượt cầu.
Bà Lê Thị Nên, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành bộc bạch: “Sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, giá thanh long tăng cao, nông dân trồng thanh long ai cũng phấn khởi nhưng chẳng được bao lâu thì nay giá lại giảm sâu. Hiện nhà vườn bán được chừng nào hay chừng nấy, còn không có người mua thì đành tự cắt bỏ vì thanh long để lâu trên cành sẽ bị nứt nẻ, thối rữa do đã vào mùa mưa”.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An chi biết, toàn tỉnh hiện có trên 8.970ha thanh long, diện tích cho trái khoảng 7.367ha, tập trung chủ yếu ở các huyện như Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và Tp.Tân An.
Thị trường Trung Quốc giảm nhu cầu
Hồi tháng 6/2023, báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dự báo, sản lượng thanh long của nước ta năm nay ước khoảng hơn 1,3 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2022. Vụ thu hoạch chính của loại trái cây này tập trung vào quý III và IV, với sản lượng 795.000 tấn.
Bên cạnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, phần lớn thanh long thu hoạch được xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là khách hàng chính, giúp nước ta thu về hàng tỷ USD. Song, từ năm 2019 trở lại đây, xuất khẩu thanh long liên tục lao dốc. Năm 2022, thanh long chính thức mất vị thế “trái cây tỷ USD” khi kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh.
Trao đổi với Người Đưa Tin, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc thanh long rớt giá vào thời điểm này không phải là điều mới mẻ mà có tính chu kỳ. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích: “Thanh long của Việt Nam những năm gần đây chỉ bán tốt trong giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Người Trung Quốc rất thích sử dụng thanh long làm vật phẩm thờ cúng nên đây là cao điểm tiêu thụ của thị trường này. Sau tháng 5, trong văn hóa của người Trung Quốc không còn nhiều dịp lễ lớn liên quan tới thờ cúng”.
Thêm vào đó, từ tháng 5 đến tháng 11 lại vào vụ thu hoạch thanh long của Trung Quốc nên đã tác động đến nhu cầu xuất khẩu thanh long Việt Nam qua thị trường Trung Quốc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đã chủ động canh tác thanh long nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế, thanh long chỉ có giá và hút hàng khi không phải mùa vụ của Trung Quốc”.
Chưa kể, Ấn Độ cũng đã trồng thành công loại quả này. Mới đây, Chính phủ Ấn Độ quyết định xây lộ trình canh tác lên 50.000 ha trong 5 năm tới, từ 3.000 ha hiện nay. Ngoài ra, Mexico cũng đã canh tác được thanh long khiến thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Canada bị hạn chế.
Nhìn nhận thêm, TS. Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam chỉ ra, so với sầu riêng thì thanh long khá dễ trồng. Hiện nay nhiều nước trồng được và trồng rất nhiều, đặc biệt là Trung Quốc. Chính vì vậy mà nhiều khả năng thanh long sẽ không thể quay về thời hoàng kim là mặt hàng tỷ USD.
Chuyên gia dự báo các năm tiếp theo, giá thanh long sẽ khó tăng cao nếu hàng Ấn Độ, Trung Quốc sản xuất ra sản lượng lớn. Thậm chí nguy cơ hàng nước bạn sẽ xuất ngược sang Việt Nam khi giá của họ rẻ hơn là điều cần tính đến.
Các địa phương cần tính toán lại diện tích trồng sao cho hợp lý, tránh tình trạng cung vượt cầu, hàng dội chợ giá rẻ. Ngoài ra, cần chuyển đổi mùa vụ, tập trung sản xuất tăng sản lượng thanh long nghịch vụ (đầu năm và cuối năm). Từ đó, tận dụng thời điểm Trung Quốc khan hàng để Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường này với giá cao.
Thống kê của Tổng cục Hải quan từ 3 năm gần đây cho thấy kim ngạch xuất khẩu thanh long liên tục giảm. Cụ thể, năm 2019 đạt 1,25 tỷ USD nhưng sang năm 2020 chỉ còn 1,12 tỷ USD. Đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thanh long của nước ta chỉ còn 632 triệu USD, giảm gần 39% so với năm 2021.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023, nông sản thanh long xuất khẩu chỉ đạt khoảng 350 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước. Việc bị cạnh tranh quyết liệt từ nhiều đối thủ khắp thế giới đã khiến thanh long Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tăng kim ngạch.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-long-rot-gia-nhu-cau-bien-dong-chuyen-cua-trai-cay-ty-usd-a618613.html