noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinhHải Phòng: Gỡ khó để nông dân làm giàu trên ruộng bỏ...

    Hải Phòng: Gỡ khó để nông dân làm giàu trên ruộng bỏ hoang

    Mô hình tích tụ ruộng đất bỏ hoang để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hứa hẹn “đổi đời” cho nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng.

    Tìm hướng ra cho ruộng đất bỏ hoang

    Do thiếu lao động cũng như canh tác hiệu quả kinh tế thấp, nhiều hộ có ruộng ở cánh đồng Vườn Nghè, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng bỏ ruộng hơn 10 năm qua.

    Xót xa trước tình trạng những chân ruộng “bờ xôi, ruộng mật” của quê hương bị bỏ hoang, anh Vũ Văn Biên, ở thôn Đông Hồng, xã Vĩnh An đã mạnh dạn thuê đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

    Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Vũ Văn Biên cho biết, qua nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của nhiều nông dân đã trở thành những ông chủ lớn nhờ mạnh dạn tích tụ ruộng đất bỏ hoang canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên…, cuối năm 2022, anh bàn với vợ thuê 2 ha ruộng bỏ hoang, canh tác hiệu quả kinh tế thấp tại cánh đồng Vườn Nghè với tiền thuê 16,5 triệu đồng/2 ha/năm.

    Vợ chồng anh Biên dự kiến đầu tư 5 nhà lưới trên diện tích đất thuê, mỗi nhà hơn 1 tỷ đồng (kể cả công trình phụ trợ) trồng ớt chuông, dưa chuột bao tử, dưa lưới… tùy theo thời vụ.

    Dân sinh - Hải Phòng: Gỡ khó để nông dân làm giàu trên ruộng bỏ hoang

    Anh Vũ Văn Biên (phải), ở thôn Đông Hồng, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng trao đổi về quá trình tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên đồng đất quê hương.

    Để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt cũng như bảo đảm chất lượng, anh Biên lên kế hoạch trồng trên giá thể, sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón an toàn cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường.

    “Cái khó nhất đối với canh tác nông nghiệp, nhất là ứng dụng công nghệ cao là tìm đầu ra cho sản phẩm. Vợ chồng tôi tìm hiểu một số kênh tiêu thụ, đến nay nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn ở Hà Nội, Hải Phòng, thương lái buôn bán nông sản ở tỉnh Hưng Yên… cơ bản chấp thuận bao tiêu sản phẩm. Khi đi vào hoạt động, dự kiến mỗi nhà màng cùng hệ thống phụ trợ với diện tích khoảng 3.500 m2 sẽ đem lại khoản lợi nhuận lên tới 400-500 triệu đồng/năm”, anh Biên chia sẻ.

    Anh Biên cho biết thêm, nhiều bạn bè tâm huyết với đồng đất quê hương đang chờ phương án của anh hoạt động hiệu quả sẽ thuê ruộng bỏ hoang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiền tỷ, như anh Nguyễn Quốc Trường, ở xã Hùng Tiến, anh Nguyễn Văn Thiện, ở xã Trung Lập (cùng huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng).

    Họ phấn khởi, yên tâm hơn khi được chính quyền địa phương cho biết, Tp.Hải Phòng có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung bằng hình thức hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng…

    Gỡ khó giúp nông dân làm giàu

    Ông Vũ Trọng Quảng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng, cho biết ngày 1/3/2023, chính quyền địa phương đã tiếp nhận bản đăng ký và phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của anh Vũ Văn Biên. Theo đó, anh Biên đăng ký chuyển đổi 2 ha đất cấy lúa 2 vụ/năm để làm 5 nhà lưới, giai đoạn 2023-2025, trồng dưa lưới, dưa leo, ớt chuông, rau màu các loại… từ 1-3 vụ/năm.

    Qua đánh giá thực tế và tính khả thi của phương án, chính quyền xã Vĩnh An xác nhận đăng ký và phương án của anh Biên. Đồng thời, trình UBND huyện Vĩnh Bảo kiểm tra, thẩm định để phê duyệt. Anh Vũ Văn Biên là 1 trong 2 hộ đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo (cùng với 1 trường hợp nữa ở xã Tam Đa) thuê ruộng, lập phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

    Tuy nhiên, đến nay đã qua gần 5 tháng phương án của anh Vũ Văn Biên vẫn chưa được UBND huyện Vĩnh Bảo phê duyệt.

    Dân sinh - Hải Phòng: Gỡ khó để nông dân làm giàu trên ruộng bỏ hoang (Hình 2).

    Diện tích ruộng bỏ hoang 2 ha được anh Vũ Văn Biên, ở thôn Đông Hồng, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng thuê để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

    Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề này, đại diện chính quyền huyện Vĩnh Bảo cho biết, để tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng, ngày 6/7/2023, UBND huyện Vĩnh Bảo ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cấy lúa năm 2023.

    UBND huyện Vĩnh Bảo đặt mục tiêu trong năm 2023, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cấy lúa với diện tích hơn 130 ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm hơn 39 ha tại 5 xã. Diện tích chuyển đổi sang cây trồng lâu năm gần 19 ha tại 2 xã. Diện tích chuyển đổi sang cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản gần 72 ha tại 4 xã.

    “Đối với phương án chuyển đổi của anh Vũ Văn Biên, ở xã Vĩnh An nói riêng, các hộ có nhu cầu chuyển đổi đất cấy lúa sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói chung, sau khi UBND huyện Vĩnh Bảo ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cấy lúa năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tích cực phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan sớm kiểm tra, thẩm định trình UBND huyện Vĩnh Bảo phê duyệt để gia đình yên tâm đầu tư. Đồng thời, hướng dẫn các hộ đề nghị Tp.Hải Phòng hỗ trợ theo quy định”, đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo cho biết.

    Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa, HĐND Tp.Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết số 15 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn Tp.Hải Phòng giai đoạn 2022-2025.

    Trong đó, hỗ trợ 100% lãi suất vốn ngân hàng đối với HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình có phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp, thủy sản đã được UBND cấp huyện phê duyệt. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của phương án, nhưng không quá 600 triệu đồng/ha trồng trọt, 700 triệu đồng/trang trại chăn nuôi, 5 tỷ đồng/cơ sở giết mổ, 1 tỷ đồng/ha nuôi trồng thủy sản, 1,2 tỷ đồng/tàu cá.

    Thời gian được hỗ trợ tối đa 3 năm kể từ khi vốn vay được giải ngân. Riêng đối với sản xuất trồng trọt, những hạng mục được hỗ trợ gồm: đầu tư mới nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống (máy, thiết bị) tưới tự động, kho lạnh bảo quản nông sản, mua máy làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy nông sản…

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU