Hành trình đi tìm nguồn gốc về lịch sử và sự phát triển
Sau một thời gian dài trăn trở về cuộc sống chất đầy những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào dân tộc M’nông tại Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung, ông Y Thịnh Bon Jôc Ju (hiện trú tại phường Nghĩa Trung, Tp.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa cho ra đời cuốn sách “Năo Rih Sjêng Bunoong” (Lịch sử Văn hóa M’nông).
Đây là tác phẩm có tính khoa học và cách mạng sâu sắc, phản ánh tương đối đầy đủ về bản chất con người, lịch sử, văn hóa xã hội ở vùng M’nông từ thời tiền sử đến nay.
Khi được hỏi về ngọn nguồn của cuốn sách nói trên, ông Y Thịnh cho hay: “Sinh ra tại bon Jôc Ju (xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) nên ngay từ nhỏ tôi đã chứng kiến tất cả khó khăn, thiếu thốn của đồng bào dân tộc M’nông. Sau này, trong thời gian công tác tại các vị trí lãnh đạo ở cấp huyện, tỉnh, tôi lại càng xót xa hơn trước sự trì trệ trong quá trình phát triển của người M’nông”.
Ông Y Thịnh lý giải, dù là người bản địa ở Tây Nguyên nhưng đến nay tốc độ phát triển của dân tộc M’nông rất chậm, chậm nhất so với các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên. Đáng nói, dù nhà nước rất quan tâm, đầu tư, hỗ trợ nhưng sự phát triển của dân tộc M’nông vẫn không đạt được như mong muốn, tỉ lệ nghèo có giảm nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với các dân tộc khác trên cao nguyên M’nông. Năm 2021, số người M’nông nghèo chỉ còn chiếm 23% nhưng số nghèo này là gấp 4 lần so với các dân tộc khác. Bởi số nghèo chung toàn vùng cao nguyên M’nông (gồm 45 thành phần dân tộc) chỉ 6,9%.
Đứng trước thực trạng nói trên, ông Y Thịnh không khỏi trăn trở về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển của dân M’nông. Để làm rõ những thắc mắc của bản thân, ông đã tìm đến tất cả các bon, làng đồng bào dân tộc M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đồng thời, khăn gói đến nhiều vùng đất ở các tỉnh như: Đắk Lắk, Lâm Đồng, An Giang và tìm đọc 50 cuốn sách về lịch sử người Việt và sử nước cổ… Với những hành trình ấy, ngoài việc hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc M’nông, ông còn mong muốn đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc và bản chất quy luật tiến hóa của dân tộc này.
Sau một thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu, ông Y Thịnh cho biết, từ điểm xuất phát thấp nên đến nay rất nhiều người M’nông vẫn còn tư tưởng sùng bái đa thần (tôn thờ nhiều vị thần). “Tín ngưỡng đa thần có tác dụng gìn giữ trật tự xã hội trong thời kỳ nguyên thủy, khi chưa có nhà nước, chưa có chữ viết. Thế nhưng, đa thần mang yếu tố mê tín dị đoan đậm đặc, dẫn đến cúng bái, lễ nghĩa cúng bái quá nhiều gây ra tốn kém, lãng phí trên nhiều lĩnh vực. Nhiều người nghèo đi, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần cũng vì cúng bái. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho đời sống của M’nông chậm phát triển, đồng thời cản trở sự phát triển của xã hội. Mặt khác, làm cho con người lú lẩn, không có sự sáng tạo, cố gắng”, ông Y Thịnh phân tích.
Không chỉ vậy, chế độ hôn nhân mẫu hệ cũng là một nguyên nhân khiến cho quá trình phát triển của dân tộc M’nông bị trì trệ. Ông Y Thịnh cho hay, chế độ hôn nhân mẫu hệ là của sản phẩm xã hội nguyên thủy. Theo đó, người nữ là người biết sản xuất trước, còn người đàn ông đi tìm kiếm, săn bắt ở khắp nơi. Vì thế, vai trò của người phụ nữ lúc đó rất to lớn, phụ nữ là số 1. Người đàn ông muốn xây dựng gia đình thì phải được người phụ nữ bật “đèn xanh” trước. Sau khi cưới, người đàn ông M’nông ở rể bên nhà vợ và không có quyền hành về kinh tế, mọi việc trong gia đình đều do phụ nữ quyết định.
Đến nay, chế độ mẫu hệ đã lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp nữa. Bởi quan niệm này đã trở thành gánh nặng cho người phụ nữ và kìm hãm sự phát triển của người đàn ông. Bởi người đàn ông vốn có bản năng tự nhiên, khỏe mạnh, sức lao động dẻo dai hơn phụ nữ rất nhiều. Thế nhưng, hiện nay, chế độ hôn nhân mẫu hệ vẫn còn nặng trong dân tộc M’nông.
Theo ông Y Thịnh, từ hai quan niệm sống, phong tục tập quán nói trên đã dẫn đến tư tưởng tự ti cho bản thân mỗi người M’nông và tạo thành trạng thái tâm lý chung của người M’nông “chịu khổ nhưng không chịu khó”. Người M’nông luôn cảm thấy mình nhỏ bé trước mọi người, đi đâu cũng không tự tin, thậm chí không dám bước ra khỏi buôn làng, không chịu vươn lên trong cuộc sống. “Đây là tư tưởng sống rất nguy hiểm, kìm hãm sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội”, ông Y Thịnh nhấn mạnh.
Mặt khác, hiện nay, mặc dù dân tộc M’nông có đổi mới về phương thức sản xuất nhưng vẫn chỉ ở mức sản xuất nông nghiệp lạc hậu, mang tính kinh tế tự nhiên nhiều, trình độ thâm canh, tăng năng xuất kém, sản xuất hàng hóa mới chỉ ở giai đoạn giản đơn… Đặc biệt, hiện nay kinh tế thương mại và dịch vụ đang vắng bóng trong đời sống của dân tộc M’nông.
Cần có một cuộc cách mạnh để “lột xác”
Từ những phân tích nói trên, ông Y Thịnh cho rằng, cần phải có một cuộc cách mạng nhằm giúp cho người M’nông “lột xác” và phát triển nhanh hơn. Theo đó, để khắc phục tất cả những khó khăn, thiếu thốn hiện nay thì trước hết người M’nông cần phải cải tạo nòi giống.
Cụ thể, cần từng bước bãi bỏ chế độ hôn nhân mẫu hệ chuyển sang chế độ hôn nhân phụ quyền. Từ đó, nhằm “cởi trói” gánh nặng cho người phụ nữ, đồng thời giải phóng và phát huy sức mạnh của nam giới nhưng vẫn đảm bảo sự bình đẳng.
Bên cạnh đó, để cải tạo nòi giống, dân tộc M’nông cần cấm hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, bỏ tục nối dây và chỉ được sinh tối đa 3 con, cách nhau tối thiểu là 5 năm. Các bà mẹ, ông bố phải được học kiến thức nuôi dạy con trẻ trước, trong và sau khi sinh đẻ. Bà mẹ và con cái phải được nuôi dạy thật tốt, đảm bảo cho trẻ phát triển cả về thể lực và trí tuệ. Khuyến khích gia đình đa thành phần dân tộc trên cơ sở bình đẳng hạnh phúc.
Ông Y Thịnh cũng đề nghị, người M’nông cần cải cách phong tục tập quán bây lâu nay. Theo đó, xóa bỏ tư tưởng sùng bái đa thần, mê tín dị đoan, cúng theo quan niệm tạ ơn, “hối lộ” thần linh những tài sản, vật hiến tế có giá trị lớn với hy vọng được các thần che chở, cúng cầu xin ma quỷ không quậy phá. Bởi những thứ cúng bái đó vô cùng tốn kém và vô nghĩa.
Đồng thời, khắc phục tâm lý thụ động, tự ti, loại trừ những tập quán lạc hậu, nhất là trong phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu, kém hiệu quả. Đổi mới tư duy trong lao động sản xuất, tham gia nhanh sản xuất hàng hóa có chất lượng, năng xuất cao, hiện đại hóa công cụ lao động nông nghiệp. Không chỉ vậy, học tập nâng cao tay nghề trong lĩnh vực công nghiệp, tích cực tham gia kinh tế thương mại, dịch vụ, xuất khẩu lao động… Từ đó, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình, nâng cao thu nhập và thúc đẩy sự phát triển của dân tộc mình.
Không chỉ vậy, người M’nông cũng cần nâng cao năng lực tinh thần và sức khỏe. Cụ thể, tạo ra phong trào học tập, rèn luyện kỹ năng đa dạng, phong phú, mở rộng các loại hình học tập. Đồng thời, tạo phong trào thể dục thể thao thường xuyên trong bon làng.
Ngoài ra, ông Y Thịnh cho rằng, các nhà quản lý cần đổi mới xây dựng và cách tiếp cận chính sách. Cụ thể, phải có chính sách dân tộc thiểu số đúng nghĩa, xây dựng chính sách phải xuất phát từ đặc điểm, lịch sử, số lượng, tính chất của mỗi thành phần dân tộc thiểu số cụ thể. Đồng thời, người dân tộc thiểu số là chủ nhân xây dựng, thực hiện chính sách, còn các cơ quan thẩm quyền là cố vấn xây dựng và hướng dẫn thực hiện chính sách…
Với những nội dung được thể hiện trong tác phẩm “Lịch sử Văn hóa M’nông” nói trên, ông Y Thịnh mong muốn “đứa con tinh thần” của mình sẽ góp phần vào kho tàng trí tuệ của dân tộc Việt Nam nói chung và người M’nông nói riêng. Qua tác phẩm, mọi người sẽ có cách nhìn mới, khách quan hơn về người M’nông. Từ đó, có những phương pháp giúp đỡ người M’nông từng bước phát triển về mọi mặt và cùng đồng hành với cả nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, thông qua cuốn sách nói trên, ông Y Thịnh muốn thổi một luồng gió mới, khát khao, động lực mới cho đồng bào dân tộc M’nông. Qua đó, tự mình vươn lên, phát huy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo của bản thân, của dân tộc.
Ngoài ra, tác phẩm này cũng cung cấp những thông tin hữu ích cho các nhà nghiên cứu khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà giáo, văn học nghệ thuật, học sinh sinh viên và những người có quan tâm về người M’nông và lịch sử văn hóa Việt Nam.
Ông Võ Văn Hân – Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật Tp.Gia Nghĩa cho biết: “Ông Y Thịnh nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Ông là người M’nông và hết lòng nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của dân tộc mình. Với cuốn sách “Lịch sử Văn hóa M’nông”, ông Y Thịnh đã gửi tới bạn đọc nguồn sử liệu rất quý giá về lịch sử, văn hóa dân tộc M’nông. Những thông tin, số liệu thể hiện trong cuốn sách rất đáng tin cậy để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu sau này. Xuất phát từ những ý nghĩa đó, vào ngày 29/7 tới đây, Chi hội Văn học Nghệ thuật Tp.Gia Nghĩa sẽ tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu cuốn sách của ông Y Thịnh đến bạn đọc”.
Ông Y Thịnh Bon Jôc Ju (SN 1953), học vị cao cấp lý luận chính trị, cử nhân Luật. Quá trình công tác: Tham gia cách mạng làm giao liên chống đế quốc Mỹ 1965, ra tập kết miền Bắc XHCN năm 1970; nhân viên cơ yếu Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk từ năm 1978-1982; Giám đốc trường Đảng, giáo viên chính trị huyện Đắk Mil (hiện nay thuộc tỉnh Đắk Nông) từ năm 1982-1987; Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) năm 1988-1995; Chủ tịch UBND huyện Krông Nô từ năm 1996-2003; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông năm 2004-2011. Từ tháng 6/2011 đến nay, ông về hưu và hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa M’nông.
Khánh Ngọc
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-thong-diep-quy-gia-tu-cuon-sach-cua-nguyen-pho-chu-tich-tinh-a618411.html