Theo Sở Y tế Tp.HCM, 2 năm gần đây, Sở đã tiến hành đánh giá chất lượng các bệnh viện trên địa bàn theo bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế quy định.
Từ 24/2, Sở Y tế Tp.HCM tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế năm 2022 tại các bệnh viện công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố này theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế. Tổng số bệnh viện đánh giá là 115, trong đó có 54 bệnh viện công lập và 61 bệnh viện tư nhân.
Thực hiện quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022 bao gồm các nội dung chính: Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch, Tiêu chí an toàn phẫu thuật, Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm, khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn.
Bên cạnh đó, Sở Y tế còn phối hợp kiểm tra, đánh giá các chuyên đề về đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế.
Nhìn chung sau một năm nỗ lực thực hiện các hoạt động chuyên môn, triển khai cải tiến chất lượng tại các bệnh viện, Sở Y tế đã ghi nhận hầu hết các bệnh viện có nhiều hoạt động cải tiến rõ rệt, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới, góp phần xây dựng nền kinh tế Thành phố này trong năm vừa qua.
Cụ thể, trong 37 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 trở lên (mức chất lượng tốt) có 11 bệnh viện trên 50% tiêu chí đạt mức 5 (mức tối đa).
Có 8 bệnh viện đạt điểm trung bình trên 4.5 tăng 33% so với năm 2021, có 29 bệnh viện từ 4 – 4,5 tăng 11,5% so với năm 2021. Có 9 bệnh viện dưới 3 giảm 40% so với năm 2021.
Sau đây là chi tiết điểm chất lượng bệnh viện được tính từ cao xuống thấp do Sở Y tế Tp.HCM công bố:
Theo đó, 8 bệnh viện đạt điểm trung bình trên 4,5 ( điểm chất lượng cao nhất – PV) tăng 33% so với năm 2021 gồm: Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Từ Dũ, Viện Y Dược học Dân tộc, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bình Dân.
Chín bệnh viện có điểm trung bình dưới 3 gồm: Bệnh viện PTTM Á Âu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Mỹ Thiện, BV PTTM Angel, BVTM AVA Văn Lang, BV Thẩm mỹ Sao Hàn, Bệnh viện Mắt Cao Thắng, Bệnh viện STO Phương Đông, Bệnh viện Thẩm mỹ Kim Hospital, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn.
Nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng 9% so với năm 2021, nhóm bệnh viện cấp thành phố tăng 2,5% so với năm 2021 và nhóm bệnh viện cấp quận huyện tăng 0,3% so với năm 2021.
Qua đó, nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng nhiều hơn so với các nhóm bệnh viện công lập. Nhóm bệnh viện quận, huyện mức độ cải tiến còn chậm hơn các nhóm khác.
Ngoài những ưu điểm của các bệnh viện qua đợt kiểm tra trên, Sở Y tế ghi nhận vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần khắc phục và ưu tiên cải tiến trong thời gian tới về các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác dinh dưỡng tiết chế, các vấn đề tuân thủ quy định ghi chép hồ sơ bệnh án và đặc biệt lưu ý các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự khi có thay đổi phải được cho phép bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền để duy trì hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh đảm bảo an toàn người bệnh.
Theo Sở Y tế Tp.HCM, trong 2 năm gần đây, 2 bệnh viện chuyên khoa sản luôn dẫn đầu bảng xếp hạng điểm chất lượng bệnh viện, thì năm 2022 đã có thêm bệnh viện chuyên khoa Nhi là Bệnh viện Nhi đồng 1 vươn lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng điểm chất lượng các bệnh viện.
Năm 2022, kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện ghi nhận có 37 bệnh viện đạt điểm chất lượng trung bình trên 4 (theo thang điểm 5), tăng 15,6% so với năm 2021. Số lượng bệnh viện đạt điểm dưới 2,5 chỉ còn một bệnh viện thuộc khối bệnh viện tư nhân.
Nguyễn Lành
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-cong-bo-diem-chat-luong-benh-vien-cao-nhat-thap-nhat-a617959.html