noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngĐồng Tháp: Người nuôi cá tra có lãi nhưng vẫn đối diện...

    Đồng Tháp: Người nuôi cá tra có lãi nhưng vẫn đối diện nhiều khó khăn

    Người nuôi cá tra tại Đồng Tháp đang đối mặt với nhiều khó khăn như các doanh nghiệp ký kết đơn hàng không nhiều, giá nhiên liệu, vật tư đầu vào tăng,..

    Người nuôi cá tra đối diện nhiều khó khăn

    Trao đổi với Vietnam+, ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, ngành hàng cá tra thả nuôi với diện tích hơn 1.857/1.800 ha thu hoạch được 205.318 tấn.

    Giá thành sản xuất cá tra thịt trắng trung bình 27.338 đồng/kg (tăng 1.202 đồng/kg so với cùng kỳ) giá bán bình quân 29.250 đồng/kg, lợi nhuận bình quân đạt 1.784 đồng/kg (giảm 2.566 đồng/kg so cùng kỳ). Tính chung lợi nhuận cho việc nuôi cá tra bình quân hiện đạt hơn 75 triệu đồng/ha.

    Mặc dù có lãi nhưng hiện người nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

    Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, xuất khẩu cá tra trong quý 1 tương đối thuận lợi nhưng bước sang quý 2, tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khăn, số đơn hàng xuất khẩu ít nên các doanh nghiệp chế biến giảm công suất hoạt động dẫn đến tình hình tiêu thụ cá tra chậm, kéo theo giá bán giảm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

    Hiện do giá nhiên liệu, vật tư đầu vào tăng, kéo theo giá thành sản xuất của các sản phẩm thủy sản tăng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

    Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối chậm, do giá bán thấp, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp ký kết đơn hàng không nhiều, trong khi sản phẩm chế biến tồn kho còn nhiều. Thời gian nuôi kéo dài đã làm tăng chi phí sản xuất.

    Theo người dân nuôi cá tra ở thành phố Hồng Ngự cho biết một ao cá tra nuôi 6 tháng tuổi, với diện tích mặt nước khoảng 1 ha sẽ tiêu tốn 180 bao thức ăn công nghiệp/ngày, cho năng suất từ 180-280 tấn/ha.

    Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thủy sản huyện Châu Thành, cho biết vừa qua giá cá tra giảm do các đơn hàng xuất khẩu cá tra chậm nên doanh nghiệp thu mua cầm chừng.

    Người nuôi cá tra đang gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào như: thức ăn, thuốc, nhiên liệu… tăng, ảnh hưởng đến sản xuất.

    Theo nhiều hộ nuôi cá tra nguyên liệu tại huyện Châu Thành, cá tra nguyên liệu (kích cỡ 1,5kg) có giá 28.500-29.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.500-2.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, giá thành khoảng 28.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu.

    Thực tế, không chỉ riêng tại Đồng Tháp, mà thời gian qua ngành hàng cá tra nói chung gặp không ít khó khăn.

    Báo Đại biểu Nhân dân dẫn thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản sụt giảm, dẫn đến lượng và giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam đều giảm.

    Kinh tế - Đồng Tháp: Người nuôi cá tra có lãi nhưng vẫn đối diện nhiều khó khăn

    Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa: báo Kinh tế & Đô thị.

    Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra mang về gần 570 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đều giảm sâu. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ đạt 183 triệu USD, giảm 39%; sang Mỹ chỉ đạt 86 triệu USD, giảm 64%.

    Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 60 triệu USD, giảm 8%. Trong đó, nhiều thị trường trong khối giảm từ 13% – 31%, trừ thị trường Đức tăng 78%.

    Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chính khác trong 4 tháng đầu năm cũng chứng kiến tăng trưởng âm 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như: sang Mexico giảm 45%, sang Canada giảm 51%, sang Nhật Bản giảm 15%, sang Brazil giảm 33%, sang Thái Lan giảm 49%. Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng khi tính đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu cá tra sang Anh đạt 22 triệu USD, tăng 13%; sang Singapore đạt 12 triệu USD, tăng 20%.

    Xuất khẩu tất cả các sản phẩm cá tra đều tăng trưởng âm 2 con số. Trong đó, xuất khẩu cá tra phile/cắt khúc đông lạnh (mã HS 0304) đạt 471 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay, giảm 45%. Xuất khẩu cá tra tươi/đông lạnh/khô (mã HS 03) đạt 89 triệu USD, giảm 9%, xuất khẩu cá tra chế biến (mã HS 16) đạt 9 triệu USD, giảm 23%.

    VASEP nhận định, hậu quả của lạm phát kéo dài và lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đang là một trong những khó khăn cho ngành thủy sản trong đó có cá tra. Người nuôi và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức từ thị trường sụt giảm, chi phí nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn đề quay vòng sản xuất kinh doanh.

    Phát triển ngành hàng cá tra bền vững, phấn đấu xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD vào năm 2025

    Theo Vietnam+, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 22 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, tổng công suất thiết kế hơn 467 tấn thành phẩm/năm. Hiện nay sản phẩm cá tra được xuất khẩu sang 134 quốc gia, trong đó có các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia.

    Nuôi cá tra không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh Đồng Tháp.

    Tỉnh Đồng Tháp hiện có 377 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.623,91ha mặt nước. Trong số này, có 80 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 670,4ha; 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP với diện tích 242,4ha.

    Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiệm vụ đến cuối năm 2023 tiếp tục phát triển đối với ngành hàng cá tra là ngành hàng chủ lực trong nuôi thủy sản, là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phát triển đa dạng sản phẩm có thế mạnh gắn phát triển sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, nghiên cứu chuyển giao quy trình sản xuất đối tượng tiềm năng cho giá trị kinh tế cao góp phần tạo ra giá trị mới và nâng cao hiệu quả sản xuất.

    Phối hợp với Tổng cục Thủy sản hỗ trợ địa phương đàn cá tra hậu bị chọn giống theo hướng tăng trưởng nhanh và kháng bệnh để phát tán cho các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng con giống phục vụ cho nuôi thương phẩm đạt hiệu quả cao.

    Để sản xuất, ổn định vùng nuôi cá tra trong tỉnh, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đưa ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.

    Chỉ tiêu là Phát triển diện tích nuôi cá tra đến năm 2025 là 2.450 ha, với sản lượng 555.000 tấn tương đương giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 9.046,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thuỷ sản (tăng 0,38% so với năm 2020). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD.

     

    Nương nhờ xuất khẩu, giá cá tra sẽ phục hồi trong nửa cuối năm

    Trao đổi với báo Lao Động, chuyên gia từ Chứng khoán VCBS dự báo nhu cầu cá tra sẽ hồi phục ở thị trường Mỹ và Trung Quốc vào nửa cuối năm. Cụ thể tại Mỹ, lạm phát đang dần hạ nhiệt, tạo điều kiện kích thích tiêu dùng tại thị trường này. Bên cạnh đó, thời điểm cuối quý II là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Đây là những động lực cho giá cá tra tăng tại khu vực Bắc Mỹ.

    Phía Trung Quốc, trong tháng 2, thị trường có hiện tượng thiếu cung cá giống và cá tra nguyên liệu do các doanh nghiệp chế biến bắt đầu tăng công suất 15 – 30% so với đầu năm. Nhu cầu mua cá tra nguyên liệu chỉ hạ nhiệt nhẹ trong tháng 3 khi cầu phao tại Móng Cái sửa chữa trong 5 ngày khiến hoạt động vận chuyển bị đình trệ. Đến thời điểm 10/3, cầu phao đã được hoàn thiện. Do đó, nhiều khả năng thị trường cá tra sẽ phục hồi tiếp sau tháng 4.

    Không những thế, tỉ lệ lấp đầy tại các cảng ở Bắc Mỹ và Bắc Âu duy trì ở mức 10 – 85%, không còn bị tắc nghẽn như đợt cuối năm 2022. Giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch. Với việc nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái dư cung, chuyên gia dự báo việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các nước phương Tây sẽ được thuận lợi hơn trong năm 2023.

    Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với những biến động kinh tế, chính trị hiện nay, khó có thể đưa ra những dự báo có tính cơ sở chắc chắn cho giai đoạn 2023 – 2024. Tuy nhiên do là mặt hàng thiết yếu, thủy sản vẫn có nhu cầu nhất định ở các thị trường.

    Bối cảnh sau Covid-19 và lạm phát cao đã có nhiều thay đổi về xu hướng nhu cầu các sản phẩm thủy sản. Các sản phẩm thủy sản phân khúc giá cao đã và sẽ tiếp tục bị giảm nhu cầu trong ngắn hạn. Các mặt hàng giá phải chăng như cá khô, cá hộp, nước mắm, cá tra, chả cá có thể vẫn có cơ hội tốt hơn ở nhiều thị trường.

     

    M.H (t/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU