Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 7/7 tuyên bố, Mỹ đã phá hủy hoàn toàn kho dự trữ vũ khí hóa học tồn tại hàng thập kỷ, thực hiện cam kết theo Công ước Vũ khí Hóa học được thống nhất năm 1993 và có hiệu lực vào năm 1997.
“Hôm nay, tôi tự hào thông báo rằng Mỹ đã phá hủy an toàn quả bom, đạn cuối cùng trong kho dự trữ đó, đưa chúng ta tiến một bước gần hơn đến một thế giới không còn nỗi kinh hoàng của vũ khí hóa học”, ông Biden cho biết.
Tuyên bố của ông Biden được đưa ra sau khi Blue Grass Army Depot, một cơ sở của Quân đội Mỹ ở Kentucky hoàn thành loại bỏ khoảng 500 tấn chất hóa học gây chết người, một công việc kéo dài 4 năm.
Nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã lưu trữ các loại đạn pháo và tên lửa có chứa chất độc thần kinh VX và sarin, và chất gây phồng rộp. Những vũ khí như vậy đã bị lên án rộng rãi sau khi chúng được sử dụng với những hậu quả khủng khiếp trên chiến trường trong Thế chiến thứ nhất.
Theo Công ước về Vũ khí Hóa học, Mỹ có thời hạn đến ngày 30/9/2023 để tiêu hủy tất cả các tác nhân hóa học và đạn dược của nước này.
Ông Fernando Arias, người đứng đầu Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) cho biết, các bên ký kết khác của hiệp ước đã loại bỏ phần nắm giữ của họ, do đó, Mỹ là bên cuối cùng hoàn thành nhiệm vụ phá hủy các kho dự trữ “đã được công bố” của họ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả các kho dự trữ vũ khí hóa học trên thế giới đã bị phá hủy vĩnh viễn.
Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ, quốc gia này nắm giữ gần 28.600 tấn vũ khí hóa học vào năm 1990, kho lớn thứ hai thế giới sau Nga. Nga đã hoàn thành việc tiêu hủy các kho dự trữ được tuyên bố vào năm 2017. Đến tháng 4/2022, Mỹ chỉ còn chưa đến 600 tấn để tiêu hủy.
Theo ông Kingston Reif, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về giảm thiểu mối đe dọa và kiểm soát vũ khí, việc phá hủy vũ khí hóa học cuối cùng của Mỹ “sẽ khép lại một chương quan trọng trong lịch sử quân sự, nhưng là chương mà chúng tôi rất mong được khép lại”.
Các quan chức cho rằng việc loại bỏ kho dự trữ vũ khí của Mỹ là một bước tiến lớn của Công ước Vũ khí Hóa học với sự tham gia của 193 quốc gia. Chỉ có 3 quốc gia là Ai Cập, Triều Tiên và Nam Sudan chưa ký hiệp ước. Quốc gia thứ tư, Israel, đã ký nhưng không phê chuẩn hiệp ước này.
OPCW cho biết, họ sẽ vẫn cảnh giác sau các sự cố trong những năm gần đây khi vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria cũng như bởi Nga.
“Việc sử dụng gần đây và các mối đe dọa sử dụng hóa chất độc hại làm vũ khí cho thấy rằng việc ngăn chặn sự tái xuất hiện sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của tổ chức”, ông Arias khẳng định.
Nguyễn Tuyết (Theo SCMP, DW)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/kho-du-tru-vu-khi-hoa-hoc-cuoi-cung-tren-the-gioi-bi-khai-tu-a616227.html