Hàng chục năm nay, quạt giấy ở làng Nam không còn đắt khách như xưa, khiến nhiều người bỏ nghề làm quạt. Tuy nhiên, vợ chồng ông Trung vẫn đau đáu với nghề này.
Theo đó, nghề làm quạt giấy làng Nam, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An hình thành cách đây hàng trăm năm. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, làm quạt giấy là nghề chính, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở làng Nam. Ngày nay, với sự phát triển của các sản phẩm công nghiệp đã lấn át đi những chiếc quạt giấy từng vang bóng một thời. Gia đình ông Lê Văn Trung 74 tuổi và Nguyễn Thị Thu, 72 tuổi, là một trong những gia đình cuối cùng còn theo nghề làm quạt giấy đã có tuổi đời hàng trăm năm này. Vợ chồng ông Trung vẫn đau đáu với nghề mà cha ông để lại.
Mùa hè bỏng rát nhưng hai tay ông Trung vẫn thoăn thắt vót từng chiếc nan bằng tre. “Chiếc quạt giấy nhìn đơn giản thế thôi nhưng để hoàn thành nó phải trải qua 32 công đoạn. Làm nghề này phải có tính kiên nhẫn, yêu cầu phải tỉ mỉ đến từng chi tiết. Tất cả đều phải trải qua những quy trình bắt buộc”, ông Trung cho biết.
Ông Trung cho biết, cao điểm nghề làm quạt thường tập trung vào tháng 3 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, đây là thời điểm vào hè nắng nóng nên quạt bán chạy hơn. Để làm ra được những cái quạt giấy, người thợ phải chọn những cây tre thẳng, không non cũng chẳng già. Tre sau khi được chặt về sẽ chẻ ra thành các thanh nhỏ để ngâm xuống nước, mục đích chống mọt. Sau ba ngày, những thanh tre ấy được vớt lên, rửa sạch, phơi ngoài nắng. Sau đó, người thợ tiếp tục dùng dụng cụ khoan một lỗ nhỏ vào đầu thanh gỗ để kết các thanh nan lại với nhau làm phần tay cầm. Với sự khéo léo của những người thợ lâu năm, từng nan quạt được vót đều, trơn, mượt.
Khi đã hoàn thành xong phần khung quạt, họ tiếp tục cắt giấy gió theo hình cánh cung. Quạt giấy làng Nam có màu tím nhạt, chính là màu của nước vỏ cây sắn. Theo bà Nguyễn Thị Thu, quạt giấy làng Nam chia ra thành 3 loại: nhất (20 nan) nhị (15 nan), ba (10 – 12 nan). “Nguyên bản quạt có màu trắng đục, nhìn mỏng manh nên khách hàng không ưng lắm. Để khắc phục, người thợ pha một chút phèn vào nước tạo nên màu đen tím”, bà Thu chia sẻ.Sau khi quét giấy gió, quạt được mang đi phơi. Trời nắng to, chỉ tầm hơn 1 giờ là được. Lúc đó, chiếc quạt sẽ có mùi thơm ngai ngái của nước vỏ sắn khiến người dùng có cảm giác dễ chịu.
Theo bà Thu, để có chiếc quạt chắc chắn hơn thì quét nước sắn lần hai, rồi tiếp tục đem phơi khô. Sau cùng, họ khéo léo xếp các cánh quạt lại, cắt bỏ những phần thừa, là hoàn thiện.
Gia đình ông Trung hiện tại làm 3 loại quạt: 20 nan, 15 nan, và 10-13 nan. Mỗi loại quạt bán với giá thành khác nhau từ 10–20.000 đồng/chiếc. Sau khi trừ chi phí, ông bà còn khoảng 150.000 đồng/ngày. Sản phẩm làm ra gia đình ông chủ yếu nhập ở khu vực Diễn Châu, các huyện miền núi Nghệ An và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Mặc dù thu nhập nghề quạt thấp nhưng gia đình ông Trung vẫn muốn duy trì nghề và giữ gìn được nghề làm quạt cho các thế hệ mai sau. Minh Tâm