Quốc hội Thái Lan sẽ triệu tập lần đầu tiên sau cuộc tổng tuyển cử hồi giữa tháng 5, khởi động quá trình thành lập chính phủ với một liên minh các đảng thân dân chủ đang tìm cách chấm dứt gần một thập kỷ cầm quyền của phe thân quân đội và bảo hoàng.
Các thành viên mới của Hạ viện Thái Lan gồm 500 thành viên sẽ nhóm họp lần đầu tiên tại Quốc hội lúc 5h chiều ngày 3/7 ở Bangkok.
Quốc vương Maha Vajiralongkorn sẽ phát biểu tại cuộc họp có sự tham dự của Thủ tướng và Nội các tạm quyền, Chánh án Tòa án Tối cao, người đứng đầu các cơ quan độc lập và các nhà lập pháp từ Hạ viện và Thượng viện.
Trước thềm sự kiện, an ninh đã được siết chặt ở thủ đô Thái Lan, với việc lực lượng của 3 đồn cảnh sát Thung Song Hong, Chalongkrung và Chorakhe Noy được huy động, theo Cục Cảnh sát Thủ đô.
Sau phiên khai mạc, Quốc hội Thái Lan sẽ bầu Chủ tịch Hạ viện và 2 cấp phó vào ngày 4/7. Lãnh đạo Đảng Move Forward (Tiến lên) Pita Limjaroenrat hôm 2/7 cho biết, đảng của ông sẽ đạt được thỏa thuận về lãnh đạo Hạ viện với Đảng Pheu Thai (Vì người Thái) trước cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện.
Đảng Pheu Thai, có liên hệ sâu sắc với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã công khai bày tỏ nguyện vọng giành vị trí này cho người của đảng mình.
Sau khi được bầu, Chủ tịch Hạ viện sẽ ấn định ngày bầu Thủ tướng, dự kiến là ngày 13/7. Việc một Thủ tướng mới được bổ nhiệm được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc trong việc thành lập chính phủ của Thái Lan vốn đã gây lo lắng cho thị trường và khiến các quỹ nước ngoài bán phá giá cổ phiếu và trái phiếu kể từ cuộc tổng tuyển cử ở quốc gia Đông Nam Á ngày 14/5.
Cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng trong phiên họp của Hạ viện 500 ghế do phe dân chủ kiểm soát và Thượng viện 250 ghế do phe quân đội bổ nhiệm, sẽ là một phép thử đối với ông Pita – một cựu sinh viên Harvard.
Mặc dù liên minh của ông Pita nhận được sự ủng hộ của khoảng 312 nhà lập pháp, nhưng vẫn chưa đủ, vì để được bầu làm Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan, vị chính khách trẻ tuổi cần 376 phiếu ủng hộ từ cả Hạ viện và Thượng viện.
Trong khi ông Pita và Đảng Move Forward của ông nói rằng họ tự tin sẽ giành đủ phiếu bầu Thủ tướng, thì vẫn còn phải chờ xem sự ủng hộ của Thượng viện đến đâu, với hầu hết các Thượng nghị sĩ phản đối ông Pita liên quan đến cam kết tranh cử của Move Forward về sửa đổi Luật khi quân, tức Điều 112 của Bộ luật Hình sự Thái Lan, trừng phạt những người chỉ trích nhà vua và các thành viên khác của Hoàng gia. Tội này có thể bị phạt tù tới 15 năm.
Ông Pita, 42 tuổi, cũng đang phải đối mặt với cuộc điều tra của cơ quan bầu cử – có thể dẫn đến việc ông bị coi là không đủ tiêu chuẩn giữ chức Thủ tướng Thái Lan.
Chỉ số chứng khoán Benchmark của Thái Lan có thành tích tệ nhất ở châu Á trong năm nay, với việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3,1 tỷ USD kể từ cuối năm 2022, nhiều nhất trong số các thị trường mới nổi của châu Á. Đồng Baht là đồng tiền mất giá lớn thứ hai ở Đông Nam Á kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 5.
Ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết vào tháng trước rằng, hầu hết các doanh nghiệp đã tạm thời đóng băng các quyết định đầu tư mới cho đến khi có hướng dẫn rõ ràng hơn từ chính phủ mới và do xuất khẩu vẫn yếu.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Bangkok Post)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/quoc-hoi-thai-lan-khai-mac-quyet-dinh-chu-nhan-chiec-ghe-thu-tuong-a615502.html