noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinh"Đến hẹn lại lên", Tp.HCM sống chung với ngập nước sau mưa...

    “Đến hẹn lại lên”, Tp.HCM sống chung với ngập nước sau mưa lớn

    Thời tiết mưa lớn nhiều ngày liên tiếp làm hàng loạt tuyến đường ở Tp.HCM biến thành sông, người dân vất vả đi lại, mọi sinh hoạt bị đảo lộn.

    Nhận diện 3 khu vực “cứ mưa là ngập”

    Ngày 1/7, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Tp.HCM) cho biết, thời gian qua Tp.HCM có 15 tuyến đường trục chính và nhiều tuyến hẻm (đặc biệt ở khu vực vùng ven) bị ngập khi xảy ra mưa lớn. Trong đó có 3 khu vực thường xuyên bị ngập do mưa.

    Khu vực thứ nhất gồm các tuyến đường: Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Khối thuộc quận Gò Vấp. Thành phố này đang triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư.

    Khu vực thứ hai ở “khu phố Tây” Tp.Thủ Đức gồm các tuyến đường Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, có đặc điểm địa hình trũng thấp.

    Địa phương đang triển khai dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm) và dự án cải thiện môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (giai đoạn 2) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư.

    Khu vực thứ ba ở chợ Thủ Đức cũ với các tuyến đường Võ Văn Ngân, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân (Tp.Thủ Đức). Tp.HCM đang triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước chợ Thủ Đức do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị làm chủ đầu tư.

    Đặc biệt, khu chợ Thủ Đức do độ dốc cao, mỗi khi mưa lớn cuốn theo đất, đá đổ dồn về đây. Một số vị trí nhựa đường bị cuốn trôi tạo thành những ổ gà, mấp mô gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

    Dân sinh - 'Đến hẹn lại lên', Tp.HCM sống chung với ngập nước sau mưa lớn

    Tình trạng ngập nước sau mưa tại đường Nguyễn Văn Khối, quận Gò Vấp, Tp.HCM.

    Ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy, do đường ngập sâu có nơi hơn nửa mét khiến người dân đi lại rất vất vả, đời sống sinh hoạt bị ảnh hưởng. Nhiều cửa hàng kinh doanh bị nước tràn vào nhà gây hư hại đồ đạc phải đóng cửa sớm.

    Tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ Đại biểu Quốc hội Tp.HCM hôm 27/6, cử tri Nguyễn Thị Kim Long, ngụ huyện Nhà Bè bức xức trước tình trạng ngập nước trên địa bàn huyện Nhà Bè nói riêng và Tp.HCM nói chung.

    Theo cử tri Kim Long, hiện nay mùa mưa đã đến, những cơn mưa đầu mùa đã khiến Tp.HCM và huyện Nhà Bè ngập sâu. Tình hình này ngày càng trở nên phức tạp, nghiêm trọng. Trong khi đó, công trình cống ngăn triều của thành phố, trong đó có đến 3 cửa ngăn trên địa bàn huyện Nhà Bè đã ngưng thi công nhiều năm.

    Cần thay đổi tư duy chống ngập

    Theo các chuyên gia, khi triển khai các dự án chống ngập, Tp.HCM cần tuân thủ nguyên tắc muốn tiêu thoát phải trữ nước. PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, thuộc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia Tp.HCM cho rằng, ngay cả khi hoàn thành các dự án chống ngập đang được triển khai, Tp.HCM vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai đến từ tốc độ đô thị hóa, sụt lún, nước biển dâng, hạ tầng xuống cấp…

    Vì vậy, giải pháp hiệu quả nhất vừa giúp giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ trong hiện tại, vừa giải quyết các yếu tố thời tiết bất định trong tương lai đó là phát triển không gian điều tiết nước mưa.

    Ông Quang phân tích không gian điều tiết sẽ làm giảm đỉnh, thể tích dòng chảy tràn, cải thiện chất lượng nước mặt, bổ cập nước ngầm, phát triển đô thị xanh và tăng mỹ quan đô thị.

    Ưu điểm của giải pháp này là có thể đầu tư phân kỳ, ngay lập tức có tác dụng mà không cần đầu tư hoàn chỉnh theo hệ thống.

    Đồng thời, có thể bố trí phân tán như lồng ghép chức năng điều tiết vào các hồ, kênh, rạch, sông ngòi hiện hữu, lồng ghép trong các dự án chỉnh trang đô thị, phát triển khu dân cư hoặc trong quy mô gia đình.

    PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Tp.HCM đưa ra quan điểm, với hiện trạng bê tông hóa bề mặt quá nhiều như bây giờ, Tp.HCM buộc phải lựa chọn giữa chi rất nhiều tiền hoặc cần có quyết tâm cao.

    Lựa chọn thứ nhất được PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đưa ra là Thành phố này xây các hầm chứa nước rất lớn. Mỗi khi mưa lớn, triều cường, nước sẽ được đổ dồn về các hầm này và bơm ra biển, sông lớn trong thời gian phù hợp.

    “Giải pháp này tốn rất nhiều tiền, ước chừng khoảng 3 tỷ USD. Nhưng cần nhớ, những gì Tp.HCM đã và đang làm cho tới hiện nay đã nhiều hơn 3 tỷ USD”, ông Nguyễn Minh Hóa nhìn nhận.

    Lựa chọn thứ 2 được vị chuyên gia cho rằng nằm trong tầm tay của Thành phố này và có lợi mọi đường. Theo đó, Thành phố này cần khơi thông tất cả tuyến kênh, rạch, khôi phục lại hệ thống thoát nước tự nhiên trước đây.

    Thay vì lựa chọn các giải pháp chống ngập cưỡng bức là xây dựng thêm dự án, công trình, Tp.HCM có thể lựa chọn giải pháp tự nhiên là để nước chảy theo dòng trên mặt đất, một phần ngấm xuống, một phần được điều tiết bởi hệ thống kênh, rạch.

    “Trước năm 1980, Tp.HCM thoát nước bằng hệ thống kênh, rạch tự nhiên là chính, nay đã bị lấp hết hoặc nếu còn cũng không thể chảy. Tp.HCM cần khai thông 5 tuyến kênh, rạch chính, cải tạo, nâng cấp tuyến rạch Xuyên Tâm thì có ngập cũng không còn nghiêm trọng”, ông Nguyễn Minh Hòa dẫn chứng.

    Chuyên gia đô thị khẳng định, Tp.HCM từng thành công khi lựa chọn giải pháp này. Minh chứng rõ nét nhất là dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã giải quyết được vấn đề ngập úng cho một vùng rộng lớn. Bên cạnh giải quyết ngập, dự án còn giúp địa phương chính trang đô thị, tạo cảnh quan môi trường, giải quyết ô nhiễm.

    “Thành phố không nên làm hoặc chạy theo những giải pháp kém hiệu quả. Thay vào đó, chính quyền cần tập trung cho những việc khả thi, nằm trong khả năng của mình”, ông Hòa nhấn mạnh.

    Đồng bộ quy hoạch, chống ngập bền vững

    PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp.HCM nhận định, quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường tại Tp.HCM diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch nên đã gây ra tình trạng ngập úng khi có mưa lớn.

    “Có những khu vực khi thực hiện đầu tư dự án đô thị, khu dân cư đã san lấp làm mất diện tích thấm nước, thoát nước của khu vực. Do đó, để giải quyết vấn đề, cần có những giải pháp đồng bộ từ quy hoạch đô thị đến những phương án giải quyết vấn đề thoát nước căn cơ mang tính bền vững”, PGS.TS Nguyễn Văn Trình nêu ý kiến.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU