Mừng…nhưng vẫn lo
Từ ngày 1/7, lương cơ sở chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%). Trước thềm lương tăng, nhiều người tiêu dùng có tâm lý vui buồn, lo lắng lẫn lộn. Thực tế ghi nhận, việc tăng giá thường xảy ra trước tăng lương, thậm chí mức tăng giá hơn cả mức tăng lương, đó là tiền lệ xấu của thị trường.
Việc giá cả hàng hóa tăng còn đẩy lạm phát tăng, ảnh hưởng xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế trước đó, giai đoạn 1986 – 1992 sau khi cải cách tiền lương, mức lạm phát của nước ta đã tăng lên 774,7%. Đến kỳ tăng lương tháng 7/2018, điều chỉnh lương cơ sở từ mức 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng đã khiến CPI tháng 6/2018 tăng 0,61% và chỉ số lạm phát tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ với Kinh tế đô thị, chị Nguyễn Thị Mùi, giáo viên mầm non phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Với người làm công ăn lương, việc được tăng lương là tin rất vui. Vì tăng lương đồng nghĩa với việc sẽ có thêm thu nhập để chi tiêu, nâng mức sinh hoạt của gia đình. Nếu được tăng lương, mỗi tháng thu nhập của tôi cũng tăng được thêm gần 1 triệu đồng. Nhưng tính đi tính lại, nếu giá cả hàng hóa, dịch vụ “ăn theo” tăng theo khoảng 10%, thì khoản tăng thêm chi phí cho cả gia đình tôi cũng tăng quá cả khoản lương tăng. Vì thế, tôi không biết nên mừng hay nên lo lúc này”.
Trái ngược lại, chị Quản Thị Mai (làm nghề tự do tại quận Hà Đông) lại thở dài: “Tôi làm nghề tự do nên lương cơ sở tăng hay giảm cũng không ảnh hưởng tới thu nhập. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi nhiều năm nay, cứ khi nào lương tăng, ngay lập tức giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ lấy cớ tăng theo. Những người lao động tự do như chúng tôi đúng là thiệt đủ đường. Tôi mong Nhà nước có cơ chế, chính sách quản lý, kiểm soát giá cả để bình ổn thị trường, không làm xáo trộn đời sống người dân”.
Từ đầu năm 2023 đến nay, không chỉ giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có xu hướng tăng, mà nhiều sản phẩm, dịch vụ cũng được điều chỉnh tăng theo, làm đời sống người dân càng thêm eo hẹp. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, mặc dù lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng giá xăng dầu, giá điện, giá gas tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng… là các yếu tố gây áp lực lên lạm phát cuối năm.
Hiện trên thị trường giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ tăng nhẹ so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu vào tăng, thức ăn chăn nuôi biến động mạnh theo giá thế giới, cùng với nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, giá rau, củ do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, kèm mưa thất thường, bất lợi cho hoạt động sản xuất của người dân.
Kiểm soát giá chặt chẽ
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV chiều tối ngày 24/6 vừa qua, liên quan đến vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này, khi thực hiện tăng lương cơ sở đi cùng với đó là kiểm soát, điều hành giá. Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó có các giải pháp kiểm soát giá, thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yếu, kê khai giá… Các giải pháp trong Luật Giá (sửa đổi) nhằm kiểm soát giá.
Đối với mặt hàng kê khai giá, trong Luật Giá quy định kiểm soát giá kê khai trên thị trường. Do vậy, Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh từ 1/7 sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, là kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số CPI. Với sự sát sao vào cuộc từ sớm của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội, ông Giang nhận định, tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra.
Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV mới được thông qua chiều nay, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, có các giải pháp phù hợp và thực hiện hiệu quả để ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ kịp thời cho người lao động thất nghiệp, mất việc làm. Xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hiệu quả “kép” từ các chương trình khuyến mãi
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, việc quản lý giá luôn bám sát diễn biến thị trường, nhưng đối với những tình huống như tăng lương cơ sở hay một số diễn biến đặc biệt thì sẽ xây dựng kịch bản, kế hoạch với một số điều chỉnh cụ thể phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, việc quản lý giá đảm bảo kiểm soát giá cả theo đúng mục tiêu lạm phát được Quốc hội đưa ra, đồng thời chú ý đến những mặt hàng chiến lược và tiêu dùng dùng thiết yếu trong đời sống.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh thông tin với Báo Tin tức, hiện tại trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh đang diễn ra chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 và kéo dài đến hết ngày 15/9/2023. Chương trình có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp, trên 7.000 hoạt động khuyến mãi, với đa dạng hình thức kích cầu tiêu dùng.
Thông qua chương trình này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện đa dạng hoạt động giảm giá cho phong phú chủng loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Còn người tiêu dùng có thể “săn” những sản phẩm chất lượng với giá hấp dẫn, vì khung khuyến mãi lên đến 100% và là mức cao hơn nhiều chương trình khác trong năm
Đáng chú ý, thời điểm đợt tăng lương cơ sở 1/7/2023 rơi vào thời gian diễn ra chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 của Tp.Hồ Chí Minh, nên một số chuyên gia đánh giá sẽ đạt hiệu quả “kép” trong bình ổn thị trường giá cả và góp phần kiểm soát lạm phát. Bởi doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng chương trình, đưa sản phẩm ra thị trường với giá ưu đãi sẽ tạo làn sóng lan tỏa trên thị trường, hạn chế được tình trạng “tăng giá theo lương”.
Theo chuyên gia, hiện sức mua trên thị trường duy trì mức thấp trong thời gian qua, cũng sẽ là rào cản nhất định đối với những đơn vị sản xuất kinh doanh muốn điều chỉnh giá trong thời điểm này. Mặc khác, thay vì chiến lược tăng giá thì nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh cho thấy hoạch định kế hoạch tăng doanh số bán hàng, mở rộng thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm hơn.
Ghi nhận thực tế trên thị trường, đồng hành cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các nhà bán lẻ tại Tp.Hồ Chí Minh không chỉ hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 của Tp.Hồ Chí Minh, mà còn tăng cường hai và ba hoạt động kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm. Các nhà bán lẻ này, triển khai hoạt động kích cầu tiêu dùng ở hầu hết ngành hàng hoặc tập trung ưu đãi theo xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Điển hình, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức chương trình khuyến mãi “Gia đình Việt – Đại sức Xanh” từ nay đến ngày 12/7, với 2.860 sản phẩm được giảm giá từ 28-60%. Trong số đó, hoạt động kích cầu tiêu dùng hưởng ứng “Shopping Season 2023 – Thỏa sức mua – Đua sức sắm” có mức giảm giá đến 60%, áp dụng cho các sản phẩm công nghệ, may mặc, đồ dùng, hóa phẩm…
Song song đó, Saigon Co.op còn thực hiện hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng cho nhiều ngành hàng như sản phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc; thực phẩm tươi sống… Hay có thể kể đến những tiện ích mà Saigon Co.op tăng cường triển khai trong giai đoạn này, gồm: săn tem thưởng – đổi quà ngay; săn mã khuyến mãi từ 10.000 – 50.000 đồng…
Còn tại hệ thống trung tâm MM Mega Market hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 của Tp.Hồ Chí Minh mang đến hàng loạt ưu đãi lớn với hơn 2.000 mặt hàng. Theo đó, người tiêu dùng có thể tham gia mua sắm ưu đãi mua 2 tính tiền 1, giờ vàng giá sốc, khuyến mãi đồng giá 40.000 đồng, siêu sale cuối tuần với mức giảm lên đến 90% và nhân điểm tích lũy MCard.
Trong thời gian qua, MM Mega Market đã và đang triển khai hai chiến dịch về giá được xem là lớn nhất trong năm tại tất cả trung tâm MM Mega Market. Chiến dịch giá sỉ dành cho từ 40 – 50 mặt hàng thực phẩm tươi sống, với mức giá ưu đãi tốt như chợ đầu mối và danh mục hàng hóa sẽ được cập nhật liên tục sau 2 tuần. Chiến dịch khóa Giá dành cho từ 500 – 700 mặt hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu ,với danh mục hàng hóa cập nhật sau 3 tháng.
Theo ông Bruno Jousselin, Tổng Giám Đốc Điều hành MM Mega Market, dự kiến từ tháng 7/2023, MM Mega Market sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch giá sỉ và khóa giá đợt 2 với sự tham gia của đa dạng mặt hàng thiết yếu và hàng nhãn riêng hơn. Ngoài ra, MM Mega Market cũng phát triển sản phẩm thương hiệu riêng và sản phẩm size khủng giá sỉ, nhằm đáp ứng những thay đổi về hành vi mua sắm của khách hàng sau đại dịch, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm với giá cả tối ưu nhất.
Hương Anh (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khong-de-hang-hoa-tang-gia-an-theo-viec-tang-luong-a614906.html