Đề thi môn Ngữ văn luôn là đề tài sôi nổi, nhận được nhiều sự quan tâm mỗi khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được diễn ra. Nhờ đó, tính quen thuộc và phổ biến của các tác phẩm văn học dần trở thành câu chuyện có thể kể bằng nhiều hình thức khác nhau, âm nhạc là một ví dụ điển hình.
Sáng 28/6, sau bài thi Ngữ văn có nội dung phân tích đoạn trích trong tác phẩm Vợ nhặt của tác giả Kim Lân, Phương Mỹ Chi là giọng ca được nhắc đến nhiều nhất vì trước đó cô cho ra mắt MV Đẩy xe bò. Chất liệu trong MV được cô lấy cảm hứng từ chính tác phẩm xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
“Nhà tiên tri” đề thi văn?
Cụm từ “nhà tiên tri” xuất hiện khi các sĩ tử tìm được điểm trùng hợp giữa đề thi và các dự án nghệ thuật có chất liệu văn học. Các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 thường mang tính hình tượng cao, có câu chuyện để kể. Do đó, hàng năm các MV được ra mắt trước thời gian thi THPT không lâu đều sẽ ngẫu nhiên được quy về “dự báo” đề thi văn theo cách hài hước.
Trước khi Phương Mỹ Chi được xướng tên “nhà tiên tri”, rapper Đen Vâu là nghệ sĩ được nhắc nhiều nhất mỗi độ kỳ thi THPT diễn ra.
Năm 2021, Đen Vâu đăng tải dòng trạng thái vu vơ với hai câu rap trong sản phẩm Trốn tìm: “Anh đi tìm thì em trốn, anh đi trốn em không tìm. Lòng em không gợn sóng cuối cùng anh mất công chìm”. Với việc nhắc đến từ “sóng”, nhiều sĩ tử sinh năm 2003 liền quy ra đề thi Văn sẽ ra Sóng của Xuân Quỳnh. Kết quả Sóng đúng là đề thi năm đó.
2022, Đen Vâu ra mắt MV Trời hôm nay nhiều mây cực có câu “Mai này con ta lớn lên/con sẽ mang đất nước đi xa”. Đồng thời, trong MV xuất hiện hình ảnh anh ngồi trên trực thăng bay trên bầu trời vịnh Hạ Long, đuôi máy bay có in quốc kỳ Việt Nam. Bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm vào bài thi năm này.
Đen Vâu khi được hỏi về việc có “năng lực tiên tri” anh hài hước phủ nhận và đáp: “Anh mà đoán được đề thì ngày xưa đã không trượt đại học. Thương các em thi cử trong giai đoạn nhiều biến động. Cố lên nào, làm hết sức mình nhé.
Sau này sẽ có thêm nhiều thứ phải học, nhiều cuộc thi khác phải vượt qua, thôi thì mình cứ coi như buổi tổng kết xem 12 năm học qua mình thu nhặt được những gì. Đừng áp lực quá nha. Thả lỏng tinh thần làm bài nhé”.
Phương Mỹ Chi cũng có những chia sẻ sau khi “phát tín hiệu” đúng về đề thi văn năm nay: “Đề thi văn như thế nào tôi hoàn toàn không biết, tôi chỉ đoán cho vui vì mình đang thực hiện một sản phẩm có tên Đẩy xe bò lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Vợ nhặt, không ngờ lại trùng hợp. Cảm xúc của tôi hiện tại thật sự rất hạnh phúc, giống như không đi thi nhưng được ‘trúng tủ’ vậy”.
Mang văn học vào âm nhạc
Đẩy xe bò của Phương Mỹ Chi không phải là sản phẩm âm nhạc đầu tiên mang hình tượng văn học. Với dự án này, giọng ca Quê em mùa nước lũ cho biết: “Tôi không muốn kể hay tái hiện lại hoàn toàn câu chuyện văn học trong sách giáo khoa vào âm nhạc, bởi tôi biết các bạn trẻ đều đã thuộc lòng những tác phẩm đó khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tôi chỉ muốn thông qua tác phẩm mình đã từng học để truyền tải những góc nhìn, suy nghĩ và thông điệp một cách mới mẻ, hợp thời đại hơn”.
Xu hướng khai thác chất liệu văn học đang ngày càng được các nghệ sĩ Việt ưa chuộng. Ca khúc Thị Mầu, một nhân vật trong tác phẩm văn học Quan Âm Thị Kính được Hoà Minzy kể theo cách rất đặc biệt, bài hát này cũng chiếm lĩnh top trending suốt thời gian dài.
“Kiểu lẳng lơ của Thị Mầu ở tuổi 15, 16 sẽ có nét tinh nghịch chứ không từng trải, khôn ngoan. Tôi nghiên cứu kỹ nhân vật để diễn ra nét hồn nhiên, tinh nghịch nhất của Thị Mầu. Để khán giả xem MV thoải mái, tôi đưa âm nhạc hiện đại, vũ đạo, trang phục đẹp, hiệu ứng bắt mắt vào sản phẩm, bên cạnh yếu tố chèo của miền Bắc”, Hoà Minzy chia sẻ.
Hoàng Thuỳ Linh cũng gây sốt thị trường âm nhạc khi đưa hình tượng văn học vào dự án Để Mị nói cho mà nghe. Ngoài ra, các ca khúc Bánh trôi nước, Kẻ cắp gặp bà già,… đều ghi dấu ấn thành công và định hình thương hiệu Hoàng Thuỳ Linh nhờ đầu tư hình ảnh, khai thác câu chuyện văn học giàu cảm xúc.
Bên cạnh đó, hình tượng nhân vật kinh điển trong văn học Việt Nam là Chí Phèo được nhiều nghệ sĩ khai thác. Đức Phúc mang tình yêu Thị Nở, Chí Phèo vào MV Hết thương cạn nhớ, Bùi Công Nam thành công với ca khúc mang tên nguyên tác Chí Phèo.
Có thể thấy xu hướng đưa tác phẩm văn học vào âm nhạc có nhiều ưu thế khi các học sinh trên ghế nhà trường hầu như nắm được kiến thức về câu chuyện, nhân vật mà mình đã được chiêm nghiệm qua mặt chữ. Sự sống động của ca từ, giai điệu của âm nhạc giúp hình tượng văn học trở nên hấp dẫn và đa dạng hơn.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cam-hung-van-hoc-trong-mv-ca-nhac-a614671.html