noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More

    Cần một danh phận

    Thương hiệu gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam- ST25 đã bị cầm nhầm ở Mỹ và chúng ta chỉ còn gần 20 ngày nữa để đòi lại. Nếu đòi không nổi, chúng ta sẽ mất trắng.

    Thương hiệu Việt cần một danh phận dù ở bất kỳ đâu. Nền nông nghiệp của chúng ta, nền kinh tế của chúng ta có bùng nổ được hay không chính là nhờ thương hiệu được xác nhận và bảo hộ ở tầm đẳng cấp quốc tế. Ai cũng hiểu điều này nên chuyện ST25 bị cầm nhầm khiến dư luận nổi sóng.

    Sự là thế này, ngày 4/5, Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) đăng tải công bố chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 cho gạo của công ty I&T Enterprise, Inc. Quả là sốc, vậy là việc cầm nhầm đã được hợp thức hoá. Thật đáng phẫn nộ.

    ST25 là niềm tự hào của Việt Nam, do những người con ưu tú của Việt Nam cho ra đời. Ấy thế mà lại có cái chuyện động trời, một công ty tận bên kia bán cầu “nhanh chân đăng ký” được cấp quyền sở hữu. Gạo ST25 vốn dĩ là sản phẩm của kỹ sư Hồ Quang Cua và các công sự. Năm 2019, loại gạo này đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ. ST25 đã lần đầu tiên đưa Việt Nam vượt qua “đối thủ truyền kiếp” Thái Lan để sở hữu loại gạo ngon nhất thế giới. Ấy thế mà cái lần đầu tiên trong lịch sử kia đang đứng trước nguy cơ bị mất vào tay kẻ nhanh tay cầm nhầm.

    Xi nhan Trái Phải - Cần một danh phận

    Thương hiệu gạo ST25 đang trên đường đòi lại chính mình.

    Gạo của chúng ta, niềm tự hào của chúng ta đương nhiên ta phải đòi, làm gì có chuyện để mất một cách dễ dàng. Nhưng,… có đòi được hay không lại là chuyện khác và đòi được thì cũng sẽ tốn cả núi tiến trong cái hành trình đi đòi thứ vốn dĩ là… của mình.

    Thời hạn phản đối mà USPTO quy định là 30 ngày kể từ 4/5. Nếu không có đơn phản đối nào được nộp, 11 tuần sau khi hết hạn phản đối, nhãn hiệu sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ. Đại diện công ty Luật quốc tế TDL, đơn vị hỗ trợ ông Hồ Quang Cua và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí thực hiện các thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25, cho biết họ đã nộp đơn khiếu nại và đồng thời đăng ký nhãn hiệu với USPTO. Như vậy, chúng ta phải đợi gần 20 ngày nữa mới biết có đòi được hay không.

    Đòi lại được là quá tốt vì Mỹ là thị trường lớn, doanh thu mang lại cho ST25 sẽ không nhỏ. Nhưng, nếu lỡ không đòi được, chúng ta sẽ đối diện nghịch lý, phải xin phép người khác để bán đồ của chính mình. Chúng ta muốn xuất khẩu gạo ST25 sang xứ cờ hoa sẽ buộc phải xin phép I&T Enterprise, Inc và phải trả tiền sử dụng thương hiệu. Nếu không xin phép, không trả tiền sẽ vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ. Đã là xin thì người ta không cho cũng chẳng làm được gì. Cái sự xin – cho này quả là một nghịch lý.

    Xi nhan Trái Phải - Cần một danh phận (Hình 2).

    Kỹ sư Hồ Quang Cua (ở giữa) đã mất 20 năm thai nghén sinh ra gạo ST25.

    Và I&T Enterprise, Inc không phải là công ty duy nhất nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với gạo ST25, tại Mỹ còn có 4 bộ hồ sơ khác cũng đang đăng ký bảo hộ thương hiệu này. Không chỉ ở Mỹ đâu, ST25 cũng đang bị một doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Australia. Cuộc chiến pháp lý giành lại thương hiệu vốn là của mình hẳn sẽ lắm gian nan.

    Khi bước vào cuộc chơi lớn, chúng ta buộc phải chơi đúng luật. Khi đã hoà mình vào dòng chảy thương mại quốc tế, Việt Nam không thể không thực hiện luật chơi mà chính chúng ta đã cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các điều khoản đã đồng thuận trong các hiệp định đa phương, song phương. Nhưng, có một thực tế là đa số doanh nghiệp Việt Nam không tự trang bị cho mình chiếc áo giáp pháp lý quốc tế dày dặn. Chúng ta cứ hồn nhiên như cư xử như ở nhà mà chẳng biết hiểm nguy cận kề. Thế mới có chuyện, Trung Nguyên tốn vô số tiền để mua lại thương hiệu của chính mình. Thế mới có chuyện, “bà già đeo kiếng” Phạm Thị Tỏ bám trụ nhiều tháng ở Trung Quốc để đòi lại nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre. Thế mới có chuyện, một ông luật sư trong lần vô tình click chuột phát hiện thương hiệu cafe Buôn Ma Thuột lọt vào tay người nước ngoài và sau đó là cuộc chiến pháp lý tốn tiền của để đòi lại.

    Đăng ký bảo hộ thương hiệu vốn dĩ là việc của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp Việt đang thiếu sự tư vấn chính xác, dường như họ đang tự bơi để rồi đuối sức trên trường quốc tế. Khi doanh nghiệp không thể tự bơi, tự khẳng định danh phận, Nhà nước phải ra tay. Đương nhiên, cơ quan chức năng chuyên môn không thể làm thay nhưng phải giúp, phải hỗ trợ và thậm chí là đốc thúc, là yêu cầu.

    Tại sao khi chúng ta có trong tay những sản phẩm chất lượng đạt chuẩn quốc tế mà 2 tiếng Việt Nam lại không nổi danh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không ghi thành tích trong dòng chảy thương mại quốc tế. Chúng ta cần danh phận dù ở bất kỳ đâu. Đó là việc phải làm được tương lai gần khi muốn vươn ra biển lớn.

    Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

    LÊ ANH

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU