Lợi thế của sầu riêng Việt Nam
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Sầu riêng hiện đã vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách các loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chỉ sau thanh long. Chỉ trong tháng 5/2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã thu về 332 triệu USD, gấp 10 lần so với tháng 4 và gấp nhiều lần những tháng trước đó”.
Hiện nay, điểm đến của 95% sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc. Theo dự báo, với nhu cầu tiêu dùng hiện nay, ước tính lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc năm nay có thể vượt 1 triệu tấn. Sự bùng nổ nhu cầu của thị trường tỷ dân đang tạo ra cuộc cạnh tranh tại các quốc gia Đông Nam Á.
Trước đây, Thái Lan là nguồn cung sầu riêng duy nhất cho thị trường Trung Quốc. Nhưng kể từ tháng 9/2022, Việt Nam là nước thứ hai được cấp phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào thị trường này.
Năm 2023, Thái Lan đã tăng số lượng nhà máy đóng gói và phân loại sầu riêng so với năm ngoái lên con số hơn 500 cơ sở. Trong khi đó, diện tích vùng trồng sầu riêng tại nước ta được xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng lên hơn 12.000 ha. Ngoài Thái Lan và Việt Nam, một số thủ phủ sầu riêng khác như Malaysia, Philippines, Campuchia,… đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyên, sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi vào thị trường Trung Quốc. Thứ nhất, khoảng cách vận chuyển gần. Tại Việt Nam, sau khi thu hái, sầu riêng được vận chuyển lên cửa khẩu phía Bắc và ra đến chợ Trung Quốc chỉ mất 1 ngày rưỡi. Trong khi đó, sầu riêng từ Thái Lan phải mất ít nhất phải 7 – 10 ngày.
Thứ hai, về khẩu vị, người tiêu dùng Trung Quốc thích ăn trái sầu riêng chín mềm.
Đây lại là thế mạnh với trái sầu riêng Việt Nam bởi từ lúc ra bông cho đến trái chín là 120 ngày và để xuất khẩu sang Trung Quốc thì chỉ cần đến ngày thứ 110 là nông dân có thể thu hái, vận chuyển nhanh đến tay người mua khi trái vừa chín tới. Việc quãng đường xa hơn so với Việt Nam đã khiến chi phí vận chuyển, logistics của sầu riêng Thái Lan cao hơn, kéo giá thành mặt hàng này cũng cao hơn.
Các lợi thế này giúp giá bán sầu riêng của Việt Nam tốt hơn so với hàng Thái Lan.
Thứ ba, lợi thế của sầu riêng Việt Nam là có thể xuất khẩu rải vụ. Hiện nay, mùa sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long kết thúc, Việt Nam vẫn có thể cung cấp sầu riêng tại miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Thứ tư, tuy không áp đảo về số lượng, nhưng sầu riêng Việt Nam lại có giá bán rất tốt khi cạnh tranh với các quốc gia khác từ Đông Nam Á (sầu riêng Philippines 27,6 NDT/kg, sầu riêng Thái Lan và sầu riêng Việt Nam lần lượt là 34,1 NDT/kg và 33,5 NDT/kg).
Nếu giữ được chất lượng, sản lượng sầu riêng Việt Nam có khả năng chiếm được 15% thị phần tại Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T nhận định: “Nếu chúng ta vẫn đảm bảo thương hiêu, các yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ tiếp tục cấp thêm những mã số vùng trồng và nhà máy đóng gói bởi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc rất cao”.
Diện tích trồng đã vượt xa quy hoạch
Từ hiệu ứng “lợi nhuận cao” nên đang diễn ra xu hướng nông dân các địa phương phía Nam rủ nhau trồng sầu riêng.
Ông Huỳnh Văn Bé, ngụ ấp Thới An, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, Tp.Cần Thơ cho biết, ông có nghe chính quyền khuyến cáo không nên ồ ạt trồng sầu riêng nhưng xoài Đài Loan, vú sữa đều rớt giá trong những năm gần đây, nên nhà vườn phải chuyển sang trồng sầu riêng do sầu riêng đang được giá.
Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, Tp.Cần Thơ chỉ ra, diện tích trồng cây sầu riêng của huyện đã tăng vọt lên hơn 2.500ha, vượt quy hoạch gần 500ha và còn tiếp tục tăng lên vì nhiều nhà vườn đã trồng xen vào vườn cây ăn trái.
Tại tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp cũng ghi nhận diện tích trồng mới sầu riêng tăng lên từng ngày và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nông dân vẫn “đua nhau” chuyển từ đất lúa và các loại cây ăn trái khác sang trồng sầu riêng. Ông Nguyễn Tám, ngụ huyện Cái Bè, tỉnhTiền Giang đã đốn bỏ cây mít để trồng sầu riêng.
“Nguyên thủy đây là đất nhà tôi trồng lúa. Mỗi năm chỉ lãi mấy chục triệu đồng, không đủ nuôi con ăn học. Tôi chuyển sang trồng mít, ban đầu cũng được mùa sau lại mất giá. Bây giờ sầu riêng giá tại vườn rất cao, 100.000 – 150.000 đồng/kg và Trung Quốc ăn nhiều, tôi quyết định đốn mít để trồng sầu riêng”, ông Tám giải thích.
Ông Trần Thanh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Đồng Tháp, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã khuyến cáo bà con nông dân thận trọng khi chuyển đổi cây trồng phải theo quy hoạch chung bởi toàn tỉnh có hơn 1.600ha trồng sầu riêng.
Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, một thực tế rất đáng lo là có những khu vực người dân trồng sầu riêng ngay cả trên những vùng đất đai thổ nhưỡng không phù hợp, không hiệu quả với loại cây này.
Có những vùng tuy không bị nước mặn đe dọa nhưng lại có nguy cơ bị lũ ảnh hưởng. Hoặc có những vùng buộc phải đóng cống để ngăn mặn, khi đó phèn từ dưới đất sẽ xì lên ảnh hưởng đến cây trồng nhưng bà con vẫn đua nhau trồng sầu riêng.
“Do vậy, để hạn chế việc bà con nông dân ồ ạt trồng sầu riêng, chính quyền cơ sở ấp, xã phải xuống địa bàn sát dân hơn cảnh báo khuyến cáo nông dân”, ông Vệ nói.
Thế nhưng, việc khuyến cáo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn không thể là quyết định thay người nông dân.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, Bộ NN&PTNT hay UBND cấp tỉnh cũng không thể bắt buộc người dân không trồng cây này phải trồng cây kia, mà các cơ quan quản lý nhà nước định hướng, khuyến cáo.
“Cơ quan nhà nước chỉ đứng trên góc độ tổng thể như thị trường trong và ngoài nước, điều kiện tự nhiên, thị trường cạnh tranh… để khuyến cáo, cảnh báo nông dân chứ không thể cấm nông dân không được trồng cây này hay phải trồng cây khác. Trong thực tế, từng có phong trào trồng mít Thái rầm rộ sau đó phải chặt bỏ do giá loại trái cây này giảm, rồi đến thanh long và mới đây là cam sành”, ông Cường chỉ ra.
Còn đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cảnh báo, nếu doanh nghiệp, nông dân tiếp tục trào lưu mở rộng quy mô vùng trồng sầu riêng mà bỏ qua hoặc không quản lý giám sát được chất lượng, thì nguy cơ nhiều doanh nghiệp, vùng trồng bị tạm dừng hoặc thậm chí là hủy bỏ tư cách xuất khẩu là có thể xảy ra.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/xuat-khau-duoc-gia-cao-nong-dan-o-at-chuyen-qua-trong-sau-rieng-a614434.html