Lối rẽ bất ngờ
Là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực tư vấn, xây dựng và bất động sản nhưng anh Đoàn Xuân Trường (SN 1980, trú tại Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lại có niềm đam mê đặc biệt với nền nông nghiệp xanh. Sau nhiều năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, anh đã trở thành người tiên phong trồng nấm hữu cơ ở Tây Nguyên dưới mái năng lượng mặt trời.
Nói về hành trình khởi nghiệp với của mình anh Trường kể, sau khi tốt nghiệp THPT, anh bước vào giảng đường của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để thực hiện ước mơ trở thành một kỹ sư xây dựng cầu đường. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng kỹ sư trẻ về công tác tại Ban Quản lý Dự án huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) và bắt đầu hành trình lập nghiệp trên mảnh đất Cao nguyên đầy nắng gió.
Sau hơn 5 năm công tác, anh Trường mong muốn thử thách bản thân trong môi trường mới. Theo đó, năm 2009, anh Trường chủ động xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước để thử sức trong lĩnh vực về tư vấn và xây dựng. Cũng từ đây, Công ty TNHH bất động sản và xây dựng Thành Đồng do anh Trường làm Giám đốc ra đời.
Nhờ không ngừng cố gắng, nỗ lực, sau 10 năm gắn bó với kinh doanh, anh Trường trở thành một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản, tư vấn, xây dựng trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk.
Không cho phép mình dừng lại ở những thành công ấy, năm 2020, anh Trường đã thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (thuộc Thành Đồng Group) để triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời mái nhà. Theo đó, người đàn ông đầy năng lượng này tìm đến các mô hình trồng nấm hữu cơ để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu bước vào hành trình khởi nghiệp mới.
Anh Trường cho hay: “Trong thời gian hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tôi có dịp được đi đến nhiều nơi và nhận thấy, cơ chế chính sách của nhà nước rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, thị trường và tư duy của người tiêu dùng đều quan tâm, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe. Lúc bấy giờ, tôi đã nghĩ ngay đến sản phẩm nấm sạch – loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đang được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, quyết định theo đuổi lĩnh vực nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao, nhằm thay đổi tư duy làm nông nghiệp, đem đến những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng”.
Nói là làm, anh Trường đã chủ động tìm ra Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất nấm dược liệu và nấm ăn. Sau một khóa đào tạo ngắn ngủi chưa đầy một tháng, anh trở về Buôn Ma Thuột và quyết định triển khai xây dựng mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời tại thôn 6 (xã Hòa Khánh, Tp.Buôn Ma Thuột).
Thất bại không làm nản lòng người trong cuộc
Bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp sạch bằng con số 0 tròn trịa, thời gian đầu, anh Trường nhận được không ít lời can ngăn từ gia đình và đồng nghiệp vì lo lắng lĩnh vực này khác xa so với mảng anh đang kinh doanh. Không chỉ vậy, khi đi vào triển khai mô hình trồng nấm hữu cơ dưới mái năng lượng mặt trời, anh đã đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Anh Trường chia sẻ: “Vào thời điểm đó, do trên địa bàn chưa ai thực hiện mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời nên tôi đều phải cặm cụi trong vườn để mày mò, xây dựng từng khu sản xuất, chế biến nấm. Hơn nữa, khi tôi bắt đầu triển khai mô hình trồng nấm chưa được một năm thì dịch Covid-19 bùng phát. Do không tìm được đầu ra trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, mỗi ngày thu hoạch hàng tạ nấm ăn, tôi chỉ biết mang đến tặng cho những người dân xung quanh hoặc bỏ xuống ao cho cá ăn”.
Thách thức chưa dừng lại ở đó, anh Trường đã nhiều lần phải “nếm mùi” thất bại bởi nấm là giống cây dễ bị nhiễm bệnh, đòi hỏi quy trình sản xuất nghiêm ngặt. “Trong quá trình sản xuất, nếu chẳng may sơ xuất, cây nấm sẽ bị bệnh nấm mốc tấn công và lan nhanh một cách khủng khiếp. Chỉ cần một thời gian rất ngắn bị nấm mốc tấn công thì cả trang trại nấm vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng phải đổ bỏ mà không có cách nào cứu vãn. Đối diện với những thất bại, có nhiều khi tôi nghĩ mình không thể vượt qua được” – anh Trường nói.
Thế nhưng, những lúc khó khăn ập đến, anh Trường lại nghĩ ngay đến mức đầu tư ban đầu đã bỏ ra số tiền 4-5 tỷ đồng. Từ đó, anh tự đặt quyết tâm là không còn đường lùi mà phải tìm cách khắc phục những trở ngại để đi đến cùng đam mê mà mình đã lựa chọn. Sau mỗi lần thất bại, anh lại tìm cách điều chỉnh lại trang trại nấm phù hợp từng ô, từng vùng cụ thể, phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng ở Tây Nguyên để cây nấm phát triển một cách thuận lợi nhất.
Theo đó, toàn bộ quy trình sản xuất được thiết kế theo một chiều, hướng thống nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào cho tới thành phẩm đầu ra được tách biệt, đảm bảo môi trường sạch cho nấm sinh sôi, không bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, anh cũng đầu tư công nghệ vào sản xuất để bảo đảm năng suất, chất lượng liên tục. Dưới mái năng lượng, anh trồng đủ các sản phẩm nấm mèo, nấm sò, bào ngư, linh chi, vân chi… Mỗi loại nấm đều có nhà xưởng riêng và thông số nhiệt độ nhất định để phát triển.
Anh Trường cũng tuyển dụng những kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp về đồng hành cùng mình. Với anh, trong bất kỳ lĩnh vực gì, muốn phát triển bền vững thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Cùng với sự tâm huyết của mình, anh Trường đã thuyết phục được những kỹ sư đang công tác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cùng anh về Đắk Lắk xây dựng mô hình nấm sạch.
Đến nay, mô hình trồng nấm hữu cơ dưới mái năng lượng mặt trời của anh Trường đã bắt đầu đi vào hoạt động có hiệu quả… Đồng thời, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên cây nấm ở trang trại của anh ngày càng sinh trưởng tốt.
Cái kết ngọt ngào
Sau 4 năm triển khai, trang trại của anh Trường có tổng diện tích 5ha. Trong đó, mô hình trồng nấm hữu cơ dưới mái năng lượng mặt trời có quy mô 6.000m2, đạt chứng nhận ISO 22.000 và VietGap, với 2 loại nấm dược liệu, 3 loại nấm ăn. Cụ thể, nấm linh chi đạt sản lượng 2-3 tấn/năm, nấm mèo 3-5 tấn/năm, nấm tươi 20-30 tấn/năm, nấm vân chi 1- 2 tấn/năm…. Các sản phẩm này được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM và nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, anh Trường cũng đưa các sản phẩm nấm của mình lên các sàn thương mại điện tử để ngày càng được nhiều người biết đến.
Diện tích còn lại trong trang trại, anh Trường đã triển khai trồng nhiều loại cây ăn trái, đồng thời tạo cảnh quan xanh, sạch nhằm mục đích bảo vệ môi trường xung quanh.
Mỗi năm, trang trại của anh Trường mang lại doanh thu từ 3 đến 5 tỷ đồng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân tại địa phương (chủ yếu là phụ nữ, người quá tuổi lao động), với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Với sự vận hành và quy mô bài bản, thời gian qua, mô hình trồng nấm của anh Trường được các hợp tác xã nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Không chỉ vậy, mới đây, HĐND Tp.Buôn Ma Thuột đã quyết định chọn mô hình của anh Trường làm mô hình điểm để hỗ trợ vốn ngân sách nhằm phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao liên kết chuỗi giá trị trên các sản phẩm nấm ăn với các hộ dân. Đây cũng là động lực, khích lệ lớn đối với một doanh nhân dám nghĩ và dám làm.
Anh Trường chia sẻ: “Sắp tới, tôi sẽ phối hợp, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật trồng nấm cho người dân địa phương trồng và thu hái dưới sự giám sát của đơn vị. Công ty sẽ bảo đảm tiêu thụ sản phẩm cho người dân, cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra luôn ổn định…, từng bước xây dựng sản phẩm nấm hữu cơ đạt chuẩn OCOP 5 sao của tỉnh và hướng tới chế biến các sản phẩm từ nấm như trà nấm, rượu nấm. Ngoài ra, dự định trong năm 2023, tôi sẽ phối hợp với mô hình nấm hữu cơ để phát triển du lịch trải nghiệm ngay tại trang trại của mình. Theo đó, du khách sẽ được trải nghiệm tham gia sản xuất, hái nấm, hái trái cây và trải nghiệm ẩm thực về nấm…”.
Một lãnh đạo UBND xã Hòa Khánh cho hay, mô hình trồng nấm hữu cơ dưới mái năng lượng mặt trời của Công ty Thành Đồng là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhất hiện nay trên địa bàn. Theo đó, mô hình này không chỉ mang hiệu quả về kinh tế cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường xung quanh. Đồng thời, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương và góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển. Đây cũng là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Địa phương rất khuyến khích các hộ dân trồng nấm liên kết với doanh nghiệp mở rộng mô hình sản xuất.
Khánh Ngọc
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/mo-nam-tien-ty-cua-mot-ky-su-xay-dung-cau-duong-a614193.html